Sự tâm huyết của thầy Tân đã truyền lửa niềm say mê và tinh thần học tập nghiêm túc cho học sinh
Câu chuyện về thầy giáo trẻ đã nuôi gần 20 học sinh ăn học tại nhà trong suốt gần chục năm được chia sẻ ở các diễn đàn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Nhưng trong suy nghĩ của thầy Tân, đó là điều hết sức bình thường của bất kỳ người giáo viên nào có trách nhiệm với nghề. Với thầy Tân, những câu chuyện đó đến một cách tự nhiên như cái duyên với nghề nghiệp.
Thầy Lê Thái Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan không dấu nổi tự hào: “Thầy Tân luôn là tấm gương tự học và sáng tạo. Từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy, duy trì nền nếp cho học sinh trong mỗi buổi đến trường hay tổ chức các sự kiện, hoạt động, ở đâu có việc khó là ở đó có thầy Tân”.
“Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) - một vùng quê nghèo khó, tôi và bạn bè luôn xem sự học như một cơ hội để lập thân, lập nghiệp. Vào nghề năm 2006, được nhận công tác tại quê nhà đối với tôi là một niềm hạnh phúc lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tôi thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh và ý chí, nguyện vọng của các em học sinh để rồi gắn bó và giúp đỡ các em trong học tập cũng như trong cuộc sống” - thầy Tân chia sẻ.
“Ở đâu có việc khó, ở đó có thầy Tân” - đó là nhận xét về của thầy Lê Thái Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan (người bên trái) về người học trò cưng, đồng nghiệp đáng quý của mình
Năm 2010, lớp thầy Tân chủ nhiệm có một học sinh tư chất tốt nhưng lại sa vào nghiện điện tử, trong khi bố em đi làm ăn xa. Thầy đã đưa học sinh ấy về ăn học ở nhà mình để dễ quản lý, kèm cặp. Cũng trong năm đó, một số học sinh gần nhà có năng lực học tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng được thầy mời về ăn ở và học tập miễn phí tại nhà mình.
Từ đó đến nay, cùng với sự sẻ chia của người bạn đời là cô giáo dạy cùng trường, ngôi nhà nhỏ ở xã Thạch Mỹ của thầy Tân đã trở thành mái nhà thứ hai cho nhiều học sinh. Với sự dạy dỗ cả về kiến thức và đạo đức trong thời gian các em ở nhà thầy, gần 20 học sinh thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã và đang trưởng thành trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Em Phạm Bá Khang, lớp 12A1 (học sinh ngoài cùng bên trái sang) hiện đang ăn học tại nhà thầy Tân
Có những năm như 2017, trong nhà thầy Tân luôn có 7 đến 8 học sinh cùng ăn ở, sinh hoạt, học tập. Từ chỗ chỉ có học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ở tại nhà thầy Tân, các học sinh có ý chí học tập khác cùng đã tìm đến nơi đây như một địa chỉ để cùng rèn giũa ý chí học tập. Những mùa ôn thi là thời điểm nhộn nhịp nhất, khi đó, có rất nhiều học sinh tìm đến học cùng các bạn đến 2, 3 giờ sáng mới về nhà.
Em Phạm Bá Khang, lớp 12A1 cho biết: "Em đến ăn học ở nhà thầy không chỉ nhờ thầy giảng giải cho những bài tập khó mà điều em thích nhất là nền nếp, kỷ cương học tập ở đây và không khí cùng bạn bè thi đua học tập, phấn đấu”.
Sự thành công, nỗ lực không mệt mỏi của học sinh đã mang lại niềm hạnh phúc, nuôi dưỡng tình yêu nghề trong trái tim thầy giáo trẻ
Mô hình đưa học sinh về nhà ăn học, quản lý và bồi dưỡng từ cách làm hiệu quả của thầy Tân đã lan tỏa đến nhiều gia đình giáo viên trong trường. Món quà lớn nhất của các thầy cô đó là khi được chứng kiến thành công từ nỗ lực vượt khó của các em học sinh. Nhiều khóa học đã đi qua, nhưng những tên gọi như Lê Văn Sơn, Lê Quang Hải, Phạm Văn Hoàng, Nguyễn Văn Kiên… đã trở thành niềm tự hào cho các thế hệ đi sau tiếp bước.
Luôn khắc sâu lời dạy của Bác: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng”, thầy Tân luôn chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức và bồi dưỡng trí tuệ cho thế hệ tương lai. Với thầy, những năm tháng gắn bó, sống cùng học sinh, đặc biệt là những em có ý chí, nghị lực, có niềm khát khao vươn lên hoàn cảnh đã thực lay động những cung bậc cảm xúc của người thầy. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao luôn nhắc nhở thầy luôn không ngừng cố gắng vươn lên trong sự nghiệp cao quý - sự nghiệp trồng người.