Thế giới ngày qua: Chấm hết cho cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ

(Baohatinh.vn) - Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố từ chức; Liên minh châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "ngôi nhà chung"... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 29/5 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố từ chức: Sáng 29/5 (theo giờ Mỹ), Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố từ chức ở Bộ Tư pháp Mỹ, đóng cửa văn phòng công tố viên đặc biệt, qua đó đặt dấu chấm hết cho cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mà ông đã tiến hành trong 2 năm vừa qua.

Ngày 24/3 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Barr đã công bố một bản tóm tắt các kết luận điều tra của Công tố viên Muller trước Quốc hội, trong đó cho biết ông Muller đã không thể tìm được bằng chứng nào khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Moskva.

Ngoài ra, bản tóm tắt cũng cho biết ông Mueller đã không thể kết luận liệu Tổng thống Trump có cản trở công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra hay không.

Trong khi Tổng thống Trump và Nhà Trắng hoan nghênh bản tóm tắt này, các chủ tịch của 6 ủy ban thuộc Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát lại gây áp lực buộc Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr công bố bản kết luận điều tra đầy đủ cũng như chứng cứ cơ bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Barr đã từ chối.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Property Turkey)

Liên minh châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "ngôi nhà chung": Triển vọng của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đang mờ dần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/5 đánh giá các điều kiện về tư pháp và kinh tế của nước này đang giảm sút.

Trong báo cáo thường niên đánh giá những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập EU, EC nhấn mạnh tiến trình này hiện “đóng băng” do Ankara “tái vi phạm nghiêm trọng” một số vấn đề, trong đó có sự độc lập của ngành tư pháp và chính sách ổn định kinh tế.

Theo báo cáo, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã “tác động tiêu cực” đến thị trường tài chính, trong khi tiếp tục vi phạm chính sách kinh tế khiến EC lo ngại sâu sắc về chức năng của nền kinh tế thị trường.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia tiến trình đàm phán xin gia nhập EU từ tháng 10/2005, song tiến bộ đạt được rất chậm. Một số nước EU, nhất là Đức, kịch liệt phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của khối thương mại lớn nhất thế giới này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ông Tập Cận Bình thăm Nga giữa lúc thương mại Mỹ - Trung căng thẳng: Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5-7/6 tới và tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 23.

Dự kiến, trong thời gian thăm Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước cũng như sự ủng hộ của hai bên đối với chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy mở cửa, hợp tác.

Đây cũng là cuộc gặp thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trong vòng 2 tháng, sau cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn Thượng đỉnh hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4/2019.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Australia Morrison tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới: Ngày 29/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison và nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới.

Dù thành phần nội các mới cơ bản không thay đổi, nhưng điểm đặc biệt là vị trí Bộ trưởng Các vấn đề bản địa Ken Wyatt vì đây là lần đầu tiên người bản địa nắm giữ một vị trí trong nội các liên bang.

Nội các mới 23 thành viên có tỷ lệ phụ nữ cao kỷ lục, với 7 bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng Marise Payne, người cũng kiêm nhiệm Bộ Phụ nữ.

Trong số các bộ trưởng được giữ nguyên chức vụ có Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham, Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor, Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan. Các vị trí còn thiếu đang được Thủ tướng Morrison xem xét và tiếp tục bổ nhiệm trong thời gian tới.

Ông Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bị cáo buộc nói dối về Brexit, ứng viên Thủ tướng Anh phải ra hầu tòa: Ngày 29/5, thẩm phán Anh Margot Coleman thuộc Tòa án sơ thẩm Westminster ở thủ đô London, đã yêu cầu cựu Ngoại trưởng nước này đồng thời là ứng cử viên sáng giá cho chức thủ tướng Anh, ông Boris Johnson phải ra hầu tòa với cáo buộc cố tình nói dối công chúng trong chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hồi năm 2016.

Theo phán quyết của thẩm phán trên, ông Johnson sẽ bị triệu tập ra trước một tòa án ở London với cáo buộc có những sai phạm tại cơ quan công quyền, liên quan tới việc nói dối về khoản 350 triệu bảng Anh (khoảng 440 triệu USD) mà London phải đóng góp mỗi tuần cho EU khi thuyết phục cử tri Anh bỏ phiếu rời khối này.

Ông Johnson khi đó cho rằng nên dành khoản tiền này cho các dịch vụ khác thay vì phải đóng cho EU khi là thành viên của khối. Tuy nhiên, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Anh hồi tháng 4/2016, khoản đóng góp hằng tuần của Anh cho EU là vào khoảng 190 triệu bảng/tuần.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói