Tuần duyên Mỹ là nhánh duy nhất của Quân đội không nhận được ngân sách trong thời gian Chính phủ đóng cửa, bởi vì lực lượng này hiện thuộc quyền quản lý của Bộ An ninh Nội địa, chứ không trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Lần đầu tiên trong lịch sử việc CP Mỹ đóng cửa ảnh hưởng tới quân đội: Tính đến 17/1 (theo giờ Mỹ), việc đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ đã kéo dài 27 ngày. Kể từ năm 1976 đến nay, đã có 20 lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa và đây là lần dài nhất trong lịch sử. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử việc đóng cửa Chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng vũ trang nước này.
Tờ Thời báo Hải quân (Navy Times) ước tính, có tới 43 nghìn nhân viên Lực lượng Tuần duyên Mỹ đang làm việc trong thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa và không được trả lương.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15 tháng 01, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ chia sẻ: "Hôm nay các bạn sẽ không nhận được tiền lương giữa tháng như thường lệ. Điều đó đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ các thành viên trong Lực lượng Vũ trang đã không được nhận lương trong thời gian đóng cửa Chính phủ."
Ông Karl L. Schultzcho biết, ông nhận rõ sự lo lắng, bất ổn xảy ra với các thành viên Lực lượng Tuần duyên cùng gia đình họ và đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề. Đô đốc Karl L. Schultz kêu gọi các thành viên của Lực lượng Tuần duyên Mỹ tiếp tục phục vụ đất nước với niềm tự hào.
Ông Kim Yong-chol trao thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất.
Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên đã lên đường tới Mỹ: Theo các nguồn tin, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đã đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào trưa 17/1 và tối cùng ngày vị quan chức này đã lên đường đến Washington (Mỹ). Một quan chức khác của Triều Tiên được cho là mang theo thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kim Yong-chol, người đang phụ trách các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ, dự kiến sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington trong ngày 18/1 để thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cũng trong ngày 18/1, Tổng thống Trump dự kiến sẽ có buổi tiếp ông Kim Yong-chol tại Nhà Trắng, một động thái ngoại giao bất thường được lặp lại giống như trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2015 ở Kubinka, ngoại ô Moskva, Nga ngày 17/6/2015. (Ảnh: REUTERS/ TTXVN)
Mỹ thông báo chính thức về thời điểm rút khỏi Hiệp ước INF: Báo Focus Online đưa tin Mỹ đã chính thức thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/2 tới.
Thông tin này được bà Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, thông báo tối 16/1 với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Mỹ nhằm cứu vãn INF, tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, đã đổ vỡ khi hai bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau.
Gian hàng của Huawei tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2019 ở Las Vegas, Mỹ hôm 9/1. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc phản đối Mỹ cấm bán linh kiện cho Huawei và ZTE: Một nhóm nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ vừa đệ trình dự luật cấm bán linh kiện công nghệ cao cho Huawei, ZTE và các công ty Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt hoặc luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc ngày 17/1 đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ bước đi này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, đây là một dự luật “gây kích động” và các nhà lập pháp Mỹ phải có bước đi ngăn chặn để không gây ảnh hưởng hơn nữa tới quan hệ hai nước.
Theo các nhà phân tích, diễn biến mới này có thể làm trầm trọng hơn cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dự luật được đưa ra ngay trước khi Tạp chí Wall Street đưa tin các công tố viên liên bang đang điều tra những cáo buộc rằng, Tập đoàn công nghệ Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại từ tập đoàn T- Mobile và các doanh nghiệp khác của Mỹ.
Thủ tướng Pháp thông báo kích hoạt kế hoạch dự phòng trong trường hợp Brexit cứng. (Ảnh: Reuters)
Pháp kích hoạt kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản “Brexit cứng”: Ngày 17/1, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, nước này đã kích hoạt kế hoạch dự phòng để đối phó với kịch bản “một Brexit cứng” hay một Brexit không có thỏa thuận.
Kế hoạch bao gồm khoản chi 50 triệu euro đầu tư vào các cảng biển và sân bay “bị ảnh hưởng nhiều nhất” vì Brexit. Theo Thủ tướng Edouard Philippe, một số cảng sẽ được xây dựng thêm nơi đỗ ô tô, một số cảng khác sẽ được trang bị các hạ tầng để phục vụ công tác kiểm tra hải quan.
Người đứng đầu Chính phủ Pháp cũng tiết lộ kế hoạch giúp đỡ ngư dân và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đánh cá, dự kiến sẽ chịu tác động mạnh của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.