Thế giới ngày qua: Quốc hội Macedonia bỏ phiếu đồng ý đổi tên nước

(Baohatinh.vn) - Trung Quốc xác nhận công dân bị bắt ở Ba Lan là nhân viên Huawei; Quốc hội Macedonia bỏ phiếu đồng ý đổi tên nước... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 11/1 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Ảnh minh họa.

Trung Quốc xác nhận công dân bị bắt ở Ba Lan là nhân viên Huawei: Ba Lan ngày 11/1 thông báo, đã bắt giữ 2 người, gồm 1 công dân nước này và 1 công dân Trung Quốc là quản lý cấp cao của Tập đoàn Huawei.

Đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan đã xác nhận với báo giới Trung Quốc về trường hợp công dân bị bắt và cho biết, Trung Quốc rất quan tâm vụ việc này và đã ngay lập tức hẹn gặp Bộ Ngoại giao Ba Lan, yêu cầu phía Ba Lan nhanh chóng đưa ra thông báo lãnh sự về tình hình vụ việc với phía Trung Quốc, sớm dàn xếp việc thăm lãnh sự và giải quyết công bằng, thỏa đáng vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, an toàn và đối xử nhân đạo với đương sự.

Trước đó, Tập đoàn Huawei cũng đã ra thông báo về vụ việc. Theo đó, Huawei đang tìm hiểu tình hình, hiện chưa thể đưa ra bất cứ bình luận gì. Huawei khẳng định, Tập đoàn này luôn tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại, kinh doanh hợp pháp, đồng thời cũng yêu cầu tất cả nhân viên của mình tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Macedonia. (Ảnh: KURIR/TTXVN)

Quốc hội Macedonia bỏ phiếu đồng ý đổi tên nước: Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 81 trong tổng số 120 nghị sĩ Quốc hội Macedonia ủng hộ việc đổi tên nước, nhiều hơn 1 phiếu so với quy định.

Với hơn 2/3 phiếu ủng hộ, tối 11/1, Quốc hội Macedonia đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Việc đổi tên nước là một phần của Thỏa thuận Prespa mà Macedonia đã đạt được với nước láng giềng Hy Lạp vào mùa hè năm 2018, nhằm giải quyết tranh cãi về tên gọi lãnh thổ kéo dài 27 năm giữa hai nước do Macedonia là tên một tỉnh phía Bắc của Hy Lạp, đồng thời mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO.

Tổng thống Venezuela Maduro (bìa phải) nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại Tòa án Tối cao ở thủ đô Caracas vào hôm 10/1. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Venezuela Maduro tái nhậm chức giữa vòng vây cô lập: Tổng thống Venezuela Maduro đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 10/1 (giờ Venezuela). Tuy nhiên ông vấp phải sự cô lập của khoảng 20 nước.

Đúng vào ngày nhậm chức 10/1 này của ông Maduro, 17 nước châu Mỹ Latin, Mỹ và Canada đã tố chính quyền của ông là bất hợp pháp.

Tổng thống Venezuela Maduro đã bác bỏ các cáo buộc trên và thề sẽ tiếp tục di sản của cố Tổng thống Hugo Chaves. Ông Maduro cũng tố Mỹ đang kích động bất ổn thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Bolivia Evo Morales nằm trong số ít các nguyên thủ nước ngoài tới dự lễ nhậm chức của ông Maduro tại trụ sở Tòa án Tối cao Venezuela.

Xe của quân đội Mỹ tại thành phố Manbij, miền Bắc Syria ngày 30/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ vẫn chưa rút bất kỳ một một binh sỹ nào khỏi lãnh thổ Syria: Ngày 11/1, hãng tin Mỹ AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vẫn chưa có binh sỹ Mỹ nào được rút khỏi Syria, song một số hàng hóa quân sự đã được đưa ra khỏi quốc gia Trung Đông này.

Quan chức giấu tên cho hay, động thái rút khí tài là một phần của những gì quân đội gọi là khởi đầu tiến trình rút quân thận trọng khỏi Syria, nơi có khoảng 2.000 binh sỹ đang phối hợp cùng liên quân người Kurd và các tay súng Arab nhằm đánh bại tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quan chức quốc phòng Mỹ không cung cấp bất kỳ con số nào, song nói rằng việc rút khí tài đang diễn ra và một số lượng không xác định binh sỹ Mỹ đã được bổ sung tới Syria để trợ giúp tiến trình rút quân. Trong số này bao gồm cả binh sỹ để đảm bảo tăng cường an ninh.

Ông Carlos Ghosn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cựu Chủ tịch Nissan Motor đối mặt thêm nhiều tội danh mới: Ngày 11/1, các công tố viên Nhật Bản đã công bố thêm hai tội danh mới liên quan đến các sai phạm về tài chính đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô Nissan Motor, ông Carlos Ghosn, một động thái khiến khả năng ông Ghosn được tại ngoại càng xa vời.

Trước đó, cựu Chủ tịch Nissan Motor đã phải đối mặt với cáo buộc che giấu thu nhập cá nhân tại Nhật Bản thấp hơn so với con số thực tế 5 tỷ yên (46 triệu USD) trong 5 năm (tính đến tháng 3/2015). Theo hai tội danh mới, ông Ghosn bị cáo buộc tiếp tục hành vi sai trái này trong 3 năm sau đó, ngoài ra ông cũng bị cáo buộc "vi phạm lòng tin" khi từng chuyển các khoản thua lỗ cá nhân liên quan đến các hợp đồng giao dịch ngoại hối sang cho Nissan.

Các công tố viên cũng cáo buộc cựu Chủ tịch Nissan Motors sử dụng quỹ của công ty để chi trả cho một đối tác Saudi Arabia liên quan đến các hợp đồng trên.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói