Tàu cứu hỏa của cảnh sát Hong Kong (trái) phun nước lên tàu chở dầu Aulac Fortune. (Ảnh: AFP)
Tàu chở dầu Việt Nam cháy ngoài khơi Hong Kong: Một thủy thủ Việt Nam thiệt mạng và hai người khác mất tích trong vụ hỏa hoạn trên tàu chở dầu của Việt Nam xảy ra tại vùng biển ngoài khơi Hong Kong, Trung Quốc vào trưa 8/1 (theo giờ địa phương).
Vào khoảng 11 giờ 30 phút (giờ địa phương), tàu chở dầu Aulac Fortune thuộc Công ty cổ phần Âu Lạc của Việt Nam có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bất ngờ phát nổ và bốc cháy khi đang chuẩn bị nhận tiếp dầu trên vùng biển ngoài khơi Hong Kong.
Khi xảy ra hỏa hoạn trên tàu tổng cộng 27 người, trong đó gồm 25 người là thủy thủ Việt Nam và 2 người là thủy thủ Hong Kong (Trung Quốc). Hiện, 22 thủy thủ Việt Nam và 2 thủy thủ Hong Kong còn lại đã được lực lượng cứu hộ giải cứu. Trong số này có 3 thủy thủ Việt Nam bị thương. Hiện, phía cơ quan chức năng Hong Kong đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim. (Ảnh: Getty Image)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới bất ngờ từ chức: Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim ngày 7/1 đã bất ngờ từ chức, sớm hơn 3 năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022.
Quyết định của ông Kim được cho là có liên quan tới các bất đồng về biến đổi khí hậu và nhu cầu bổ sung các nguồn lực phát triển với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong thư gửi nhân viên Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Kim cho biết, ông sẽ nghỉ việc từ ngày 1/2 để gia nhập một công ty tư nhân trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Ông Kim cũng cho biết việc gia nhập công ty này là điều không được dự kiến trước nhưng đây là con đường ông chọn để có thể tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu và thiếu hụt cơ sở hạ tầng ở các thị trường đang nổi.
Kristalina Georgieva, người được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới năm 2017, sẽ nắm vị trí quyền chủ tịch khi ông Kim nghỉ việc.
Cơ quan chức năng tuần tra bảo vệ hiện trường tại khu vực máy bay Lion Air rơi. (Ảnh: Reuters)
Indonesia nối lại hoạt động tìm kiếm hộp đen máy bay Lion Air: Indonesia ngày 8/1 cho biết sẽ nối lại hoạt động tìm kiếm hộp đen có chứa bộ ghi âm buồng lái của máy bay Boeing 737 Max gặp nạn hồi tháng 10/2018.
Vụ tai nạn máy bay đầu tiên trên thế giới liên quan dòng máy bay Boeing 737 Max của hãng Lion Air là vụ tai nạn chết người nghiêm trọng nhất năm 2018, khiến 189 người thiệt mạng. Cơ quan điều tra Indonesia tuần trước cho biết sẽ sử dụng tàu hải quân để thực hiện hoạt động tìm kiếm chiếc hộp đen thứ 2 này.
Nguồn tin Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia giấu tên cho biết, đội tìm kiếm sẽ có 7 ngày để sử dụng tàu hải quân KRI Spica để tìm bộ ghi âm buồng lái máy bay, vốn được xem là đầu mối quan trọng giúp làm sáng tỏ hành động của phi công trên máy bay vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Ông Lục Khảng. (Ảnh: BNG Trung Quốc)
Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên và Mỹ đối thoại, đạt kết quả tích cực: Duy trì trao đổi cấp cao là một phần quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên, Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đối thoại. Đây là lời khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong buổi họp báo chiều 8/1 tại Bắc Kinh khi đề cập đến chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc.
Ông Lục Khảng cho rằng, việc lãnh đạo Triều Tiên trong vòng chưa đầy 1 năm liên tiếp thăm Trung Quốc 4 lần một lần nữa thể hiện quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên, đồng thời khẳng định, quan hệ truyền thống giữa hai bên luôn được duy trì dù có cách tiếp cận và hình thức thể hiện khác nhau qua từng thời kỳ.
Ông cũng cho biết, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là một nhân tố tích cực trong các cuộc đối thoại Mỹ Triều trong tương lai. Về mỗi liên quan giữa chuyến thăm và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Lục Khảng nói: “Chúng tôi luôn cho rằng, Mỹ và Triều Tiên là hai bên đương sự chủ chốt trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Việc hai bên duy trì tiếp xúc hết sức có ý nghĩa. Do vậy, Trung Quốc luôn ủng hộ Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đối thoại và gặt hái được những kết quả tích cực”.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov (phía trước) sau khi bị Mevlut Mert Altintas (phía sau) bắn chết ở Ankara ngày 19/12/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ xét xử 28 nghi phạm trong vụ sát hại Đại sứ Nga: Ngày 8/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành xét xử 28 nghi phạm trong vụ sát hại Đại sứ Nga tại nước này Andrei Karlov xảy ra cách đây hai năm.
Theo bản cáo trạng, công tố viên Ankara đã cáo buộc 16 nghi phạm với các tội danh âm mưu giết người với mục đích khủng bố. 12 đối tượng còn lại bị cáo buộc là thành viên của một tổ chức khủng bố. Hiện có 13 nghi phạm đang bị bắt giữ trước phiên xét xử, trong khi 5 nghi can hiện đang được tại ngoại và đã xuất hiện trong phiên tòa ngày 8/1. Ngoài ra, còn 6 đối tượng khác bị xét xử vắng mặt, trong đó có giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.
Bản cáo trạng nêu rõ chính phong trào Gulen đã lên kế hoạch sát hại Đại sứ Nga Andrei Karlov, người đã được bổ nhiệm vào vị trí này năm 2013, nhằm phá hoại quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 19/12/2016, Đại sứ Andrei Karlov đã bị bắn trọng thương và sau đó tử vong khi đang phát biểu tại triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Kẻ tấn công đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt ngay sau đó. Thủ phạm được xác định là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara, song đã bị sa thải với cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.