Thế giới ngày qua: Tổng thống Maduro yêu cầu toàn bộ nội các Venezuela từ chức

(Baohatinh.vn) - Hạ viện Anh ngăn bỏ phiếu lần 3; Tổng thống Maduro yêu cầu toàn bộ nội các Venezuela từ chức... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 18/3 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Brexit khủng hoảng toàn diện. (Ảnh: SkyNews)

Hạ viện Anh ngăn bỏ phiếu lần 3: Chủ tịch Hạ viện Anh, John Bercow ngày 18/2 đã ra quyết định không cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu lần 3 về thoả thuận Brexit, đẩy tiến trình nước Anh rời khỏi EU rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện.

Trong phát biểu chiều 18/3 trước các nghị sĩ Anh, Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow cho biết, dựa trên các tiền lệ trước đây trong lịch sử Nghị viện Anh, ông quyết định không cho phép tiến hành phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May yêu cầu tiến hành trước ngày 20/3.

Ông John Bercow nhấn mạnh: “Kết luận của tôi là: Nếu như chính phủ mong muốn đem ra bỏ phiếu một thoả thuận không giống, hoặc về bản chất là không giống với thoả thuận đã trình lên Hạ viện vào ngày 12/3, thì việc đó có thể được thực hiện. Nhưng về luật, chính phủ không được phép đệ trình để bỏ phiếu lại một thoả thuận về cơ bản là giống hệt với thoả thuận đã bị bác bỏ tuần trước với số phiếu chênh lệch 149 phiếu”.

Sau tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện John Bercow, chính phủ Anh cho biết sẽ cân nhắc để đưa ra phản ứng chính thức, nhưng nhiều thành viên chính phủ thừa nhận, thoả thuận mà bà Theresa May dự định đưa ra bỏ phiếu lần thứ 3 vẫn là thoả thuận cũ. Vì trên thực tế, chính phủ Anh và EU đã chấm dứt các cuộc đàm phán từ cách đây gần 2 tuần.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: Tass)

Tổng thống Maduro yêu cầu toàn bộ nội các Venezuela từ chức: "Tổng thống Nicolas Maduro đã yêu cầu nội các từ chức để tiến hành cải tổ sâu sắc chính phủ Venezuela", Phó Tổng thống Delcy Rodriguez thông báo trên Twitter.

Ông Rodriguez cũng cho biết thêm công cuộc cải tổ được thực hiện nhằm "bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng Bolivar cũng như bảo vệ đất nước khỏi mọi mối đe dọa".

Ngày 23/1/2019, lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đã tự xưng là Tổng thống lâm thời trong một cuộc biểu tình ở thủ đô Caracas. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, các thành viên Nhóm Lima (trừ Mexico), Australia, Albania, Georgia, Israel và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời. Trong khi đó, ông Maduro chỉ trích hành động của Washington là xúi giục đảo chính và tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ngày 4/2, hầu hết các nước EU đều công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Trái lại, Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Cuba, Nicaragua, El Salvador, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng ủng hộ ông Maduro, trong khi Trung Quốc kêu gọi giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Venezuela.

Đối tượng Gokman Tanis. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm tiến hành vụ xả súng tại Hà Lan: Nhà chức trách Hà Lan ngày 18/3 thông báo đã bắt giữ được nghi phạm 37 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là kẻ xả súng trên tàu điện ở thành phố Utrecht, làm ba người thiệt mạng và chín người bị thương.

Trước đó, cảnh sát Hà Lan đã công bố thông tin và hình ảnh nghi can tiến hành vụ xả súng. Theo đó, đối tượng này là một người đàn ông có tên Gokmen Tanis, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, 37 tuổi.

Theo một phóng viên có mặt ở khu vực nghi can từng sinh sống, người dân địa phương đánh giá đối tượng Tanis là người "không thực sự ổn định về mặt tinh thần." Nhiều tòa nhà ở Utrecht đã được lệnh đóng cửa sau vụ xả súng.

Ảnh minh họa: Medium

Philippines chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế: Ngày 17/3, Philippines đã chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), trở thành quốc gia thứ hai rút khỏi tòa án này.

Theo quy định của ICC, việc rút khỏi tòa án sẽ có hiệu lực 1 năm sau khi Philippines thông báo với Liên hợp quốc về quyết định này.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Eri Kaneko cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc mới đây đã thông báo tới tất cả các quốc gia liên quan rằng việc Philippines rút khỏi ICC sẽ có hiệu lực vào ngày 17/3.

Manila đã đưa ra quyết định trên sau khi ICC mở cuộc điều tra đối với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2018.

ICC được thành lập năm 2002 là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Năm 2017, Burundi đã trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi ICC. Tiếp đó, những nước châu Phi khác, như Zambia, Nam Phi, Kenya và Gambia đều có động thái hoặc tỏ ý muốn rút khỏi ICC.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Tòa án trung tâm quận Seoul ngày 7/8/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Hàn Quốc xử phúc thẩm cựu Tổng thống Park Geun-hye từ cuối tháng 5: Phiên tòa phúc thẩm liên quan tới các cáo buộc cựu Tổng thống Park Geun-hye nhận những khoản quỹ phi pháp từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5. Ngày 18/3, Tòa án cấp cao Seoul đã lên lịch phiên thẩm vấn đầu tiên của phiên xử phúc thẩm bà Park Geun-hye vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/5.

Bà Park Geun-hye, đã bị luận tội năm 2017 vì vai trò trong vụ bê bối dùng ảnh hưởng để gây sức ép nghiêm trọng, đến tháng 7/2018 đã bị tuyên án 6 năm tù giam và phạt 3,3 tỷ won (2,9 triệu USD).

Tháng 1/2018, bà Park Geun-hye bị các công tố viên cáo buộc nhận hối lộ và làm thất thoát ngân quỹ quốc gia bằng hành động nhận 3,5 tỷ won (3 triệu USD) từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016.

Tòa án cấp dưới đã tuyên trắng án với bà Park Geun-hye trong nghi án nhận hối lộ, cho rằng các quỹ của NIS được chi ra mà không nhận lại được đặc ân gì, nhưng cáo buộc cựu Tổng thống đã làm thất thoát ngân sách quốc gia.

Bà Park Geun-hye hiện đang chịu án tù 25 năm vì các tội danh liên quan tới tham nhũng và 2 năm tù vì tội vi phạm luật bầu cử khi can thiệp vào việc lựa chọn ứng cử viên cho đảng cầm quyền trong Chính phủ tiền nhiệm là Đảng Hàn Quốc tự do.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói