Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: AFP)
Giám đốc Huawei được tại ngoại với 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh: Thẩm phán William Ehrcke tại một phiên tòa ở Vancouver, Canada, ngày 11/12 ra phán quyết đồng ý để bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, Trung Quốc, nộp khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD đi kèm một số điều kiện khác để được tại ngoại, Reuters đưa tin.
Các điều kiện đi kèm yêu cầu bà Mạnh phải nộp lại hộ chiếu, đeo vòng định vị và có nhân viên an ninh giám sát mỗi khi rời khỏi tư gia. Động thái của tòa án Canada được cho là sẽ giúp góp phần xoa dịu giới chức Trung Quốc vốn đang giận dữ vì vụ bắt bà Mạnh.
Giám đốc tài chính Huawei bị Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu từ nhà chức trách Mỹ do bị nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế, nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Washington áp đặt với Tehran.
Giải Nobel Hòa bình được trao cho cô Nadia Murad và bác sỹ Denis Mukwege. (Ảnh: AFP-Getty Image)
Thụy Điển và Na Uy tổ chức trao các giải Nobel năm 2018: Đêm 10/12 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Nobel đã diễn ra tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Riêng giải Nobel Hòa bình được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.
Mùa giải Nobel 2018 khởi động ngày 1/10 vừa qua. Theo truyền thống, lễ trao giải Nobel trong các lĩnh vực y học, kinh tế, vật lý và hóa học được tổ chức trang trọng ở Nhà hát lớn thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào 10/12, ngày mất của Alfred Nobel, nhà khoa học Thụy Điển kiêm nhà sáng lập giải Nobel.
Giải Nobel Hòa bình, giải thưởng gây chú ý nhất trong số các giải Nobel, năm 2018 đã thuộc về bác sỹ Denis Mukwege người Congo và nhà hoạt động Nadia Murad, một nạn nhân của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chủ nhân của các giải Nobel được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng số tiền thưởng khoảng gần 1 triệu USD.
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi trên bìa số báo vinh danh Nhân vật của năm 2018 của tạp chí Time. (Ảnh: Time)
Tạp chí Time vinh danh nhà báo Jamal Khashoggi: Tạp chí uy tín Time của Mỹ ngày 11/12 đã vinh danh nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi cùng một số nhà báo của các nước khác là Nhân vật của năm 2018.
Bên cạnh ông Khashoggi, tạp chí này còn vinh danh một số nhà báo khác như các nhân viên của tờ Công báo Capital ở Annapolis, Maryland (Mỹ), trong đó có 5 người bị sát hại trong vụ nổ súng hồi tháng 6 vừa qua.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.
Người di cư Trung Mỹ tập trung ở biên giới Mỹ - Mexico ngày 22/11. (Ảnh: Reuters)
Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư được thông qua tại Maroc: Ngày 10/12, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới.
Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.
Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
Theo kế hoạch, sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong ngày 19/12 tới.
Các mẫu điện thoại iPhone của Apple
iPhone bị cấm bán tại thị trường Trung Quốc: Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cấm bán điện thoại thông minh iPhone của Apple tại thị trường nước này liên quan vụ tranh chấp bằng sáng chế giữa nhà sản xuất chip Qualcomm hàng đầu của Mỹ và "Trái táo cắn dở".
Theo thông báo ngày 10/12 của Qualcomm, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Phúc Châu đã chấp thuận đề nghị của Qualcomm về việc ban bố 2 lệnh cấm sơ bộ đối với 4 nhà phân phối của Apple, theo đó yêu cầu họ ngay lập tức ngừng bán các sản phẩm iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.
Phó Giám đốc điều hành của Qualcomm, Don Rosenberg cáo buộc Apple tiếp tục hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của Qualcomm trong khi không chịu đền bù cho hãng này. Trong khi đó, Apple cho rằng việc Qualcomm tìm cách để các sản phẩm của Apple bị cấm bán là một động thái "liều lĩnh" khác của nhà sản xuất chip vốn đang bị điều tra về các hành vi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Apple cũng cho biết tất cả các mẫu iPhone của hãng này vẫn đang được bày bán tại thị trường Trung Quốc.
Ông Mick Mulvaney. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng: Ngày 14/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bổ nhiệm Giám đốc phụ trách ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney làm quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng thay thế ông John Kelly sau khi ông rời nhiệm sở vào cuối tháng này.
Tổng thống Trump cũng gửi lời cám ơn ông John Kelly vì những đóng góp trong 1 năm qua trên cương vị Chánh văn phòng Nhà Trắng, gọi ông Kelly là "một nhà yêu nước vĩ đại." Ông Kelly đồng ý sẽ ở lại ít nhất là tới ngày 2/1/2019 để hoàn tất bàn giao.
Giới phân tích nhận định với việc bổ nhiệm ông Mulvaney, cựu nghị sỹ quốc hội của Đảng Cộng hòa, làm quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ tạm thời yên tâm nghỉ lễ cuối năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik)
Liên minh châu Âu quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga: Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/12 đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vụ đụng độ gần đây giữa Moskva và Kiev trên biển Azov tiếp tục gia tăng.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố liên minh này nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do không nhận thấy tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine.
Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, EU còn áp đặt các biện pháp nhằm vào những cá nhân, tổ chức có liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
EU lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva vào tháng 7/2014. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của Nga, trong đó có hoạt động kinh doanh dầu mỏ chủ lực.
Hiện trường vụ khủng bố tại khu chợ Giáng sinh thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp. (Ảnh: AP)
Tấn công khủng bố tại Strasboug, Pháp: Khoảng 22 giờ ngày 13/12/2018, Viện kiểm sát thành phố Paris đã ra thông cáo xác nhận, sau 48 tiếng truy tìm ráo riết, cảnh sát Pháp đã phát hiện Chérif Chekatt, đối tượng tình nghi gây ra vụ khủng bố tại khu chợ giáng sinh nằm tại thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp khiến 3 người chết, 1 người đang trong tình trạng chết não và 12 người bị thương nặng đang được điều trị tích cực.
Vào thời điểm bị phát hiện, Chérif Chekatt lẩn trốn tại một nhà kho, chỉ cách hiện trường vụ xả súng xảy ra 48 tiếng trước vài trăm mét. Khi đối tượng ra khỏi một tòa nhà, cảnh sát phát hiện và tiến tới khống chế. Tuy nhiên, đối tượng đã nổ súng chống trả, buộc cảnh sát phải bắn hạ.
Ít phút sau, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Christophe Castaner cũng đã xác nhận việc cảnh sát đã tiêu diệt đối tượng khủng bố.
Ông Carlos Ghosn. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Hãng Renault vẫn giữ ông Carlos Ghosn làm Giám đốc điều hành: Ngày 13/12, Ban lãnh đạo Tập đoàn sản xuất ô tô Renault của Pháp thông báo quyết định vẫn giữ ông Carlos Ghosn làm Giám đốc điều hành (CEO) của hãng, sau cuộc điều tra nội bộ liên quan đến gói lương của ông cho thấy hoàn toàn phù hợp với luật pháp của nước này.
Ông Ghosn đã bị bắt và giam giữ tại Nhật Bản từ ngày 19/11 với những cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, quản lý tài chính yếu kém và không khai báo chính xác thu nhập khi còn là Giám đốc của Nissan, một đối tác của tập đoàn Renault, và đã sa thải ông.
Ngày 26/11, hãng chế tạo ô tô Mitsubishi Motors Corp, một đối tác khác của Renault, cũng thông báo quyết định cách chức Chủ tịch của ông Carlos Ghosn, sau khi ông này bị bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính.
Binh sỹ Philippines tuần tra tại Marawi , đảo Mindanao, miền Nam Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Philippines gia hạn lệnh thiết quân luật tại Mindanao thêm 12 tháng: Ngày 12/12, Quốc hội Philippines đã thông qua việc gia hạn tình trạng thiết quân luật tại đảo Mindanao thêm 12 tháng, sau khi Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đề xuất các biện pháp an ninh siết chặt nhằm ngăn chặn việc các nhóm Hồi giáo cực đoan quay trở lại khu vực miền Nam trên.
Với 235 phiếu thuận và 28 phiếu chống, các nghị sỹ Philippines đã thông qua việc duy trì lệnh thiết quân luật tại Midanao đến cuối năm 2019. Đây là lần thứ ba Philippines phải gia hạn tình trạng này tại Mindanao.
Trước đó, tình trạng thiết quân luật được ban bố tại Mindanao vào ngày 23/5/2017, thời điểm các phần tử khủng bố thuộc nhóm Maute và Abu Sayyaf tấn công thành phố Marawi.