Thế giới nổi bật trong tuần: Tổng thống bị bắt giữ, Sudan bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm

(Baohatinh.vn) - Tổng thống bị bắt giữ, Sudan bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm; ông Kim Jong-un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 7/4 - 13/4/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (giữa) ở thủ đô Khartoum ngày 14/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống bị bắt giữ, Sudan bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm: Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad bin Auf tối 11/4 tuyên bố trên truyền hình nhà nước đã bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.

Từ nhiều năm nay, ông Omar al-Bashir, người cầm quyền tại Sudan 30 năm sau khi thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, đã bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng vì những gì nhà lãnh đạo này từng thực hiện tại Darfur.

Ngày 13/4, người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Trung tướng Abdel Fattah Abdelrahman Burhan khẳng định một chính phủ dân sự sẽ chỉ được thành lập sau các cuộc tham vấn kỹ lưỡng với các lực lượng đối lập.

Trong bài phát biểu đầu tiên được phát sóng trên truyền hình, ông Burhan cam kết giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Sudan sẽ kéo dài tối đa 2 năm. Ông cũng kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, giải thể chính quyền các bang.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)

Ông Kim Jong-un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12/4 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa tái đắc cử vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, cơ quan ra quyết định cao nhất của Triều Tiên, tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) khóa 14 diễn ra hôm 11/4.

Trong một thông báo, KCNA cho biết: “Việc bầu nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là sự kiện chính trị to lớn có ý nghĩa lịch sử quan trọng”.

Ông Kim Jong-un được bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên lần đầu tiên vào năm 2016, thời điểm Ủy ban này được thành lập qua việc sửa đổi hiến pháp.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange (tóc trắng) bị cảnh sát bắt giữ và áp giải khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4/2019. (Ảnh: Rupity/TTXVN)

Cảnh sát Anh bắt giữ người sáng lập Wikileaks Julian Assange: Bộ Ngoại giao Ecuador ngày 11/4 thông báo nước này đã đình chỉ tư cách công dân của nhà sáng lập WikiLeaks - ông Julian Assange.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tuyên bố chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao với nhân vật này.

Theo Tổng thống Ecuador, việc chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao với ông Julian Assange là để thực hiện chủ quyền của quốc gia này, do ông Assange liên tục vi phạm các công ước quốc tế về cư trú.

Quyết định của Chính phủ Ecuador đã mở đường cho cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4.

Trước đó, Tổng thống Ecuador khẳng định ông đã nhận được đảm bảo bằng văn bản từ phía Anh rằng nước này sẽ không dẫn độ ông Assange tới một quốc gia mà ông ta có thể phải đối mặt với án tử hình.

(Ảnh minh họa: Europa EU)

EU nhất trí gia hạn Brexit đến cuối tháng 10: Theo đề nghị được lùi thời hạn Brexit đến cuối tháng 6/2019 từ phía Anh, lãnh đạo các nước EU đã có cuộc gặp căng thẳng kéo dài từ tối ngày 10/4 (theo giờ châu Âu) và chỉ đạt được đồng thuận vào rạng sáng ngày 11/4.

Theo đó, EU nhất trí thời hạn mới của Brexit sẽ là ngày 31/10/2019, ngay trước thời điểm Ủy ban châu Âu khóa mới chính thức đi vào hoạt động. Đây là một thời hạn linh động, từ nay cho đến thời điểm này, Anh có thể rời EU bất cứ lúc nào nếu Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận rút lui đạt được với EU vào cuối năm 2018 vừa qua.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngay sau quyết định của EU, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, nước Anh vẫn có thể rời EU vào thời điểm ngày 22/5, nếu như các nghị sỹ anh bật đèn xanh cho thỏa thuận rút lui mà chính họ đã bác bỏ 3 lần trước đó.

Quyết định của EU gia hạn thêm 6 tháng cho thời hạn Brexit diễn ra đúng 1 ngày trước khi kết thúc đợt gia hạn lần đầu, tức ngày 12/4. Việc gia hạn thêm hơn 6 tháng cũng sẽ giúp cho cả EU và Anh tạm thời tránh được kịch bản tồi tệ nhất là Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Thủ tướng Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Israel: Ủy ban Bầu cử Israel ngày 11/4 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử, diễn ra hôm 9/4 vừa qua.

Với kết quả vừa được công bố, nhóm đảng cánh hữu do Đảng Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu đã giành được tổng cộng 65 ghế, vượt quá số ghế cần thiết là 61/120 ghế Quốc hội để lực lượng cánh hữu có thể giành quyền thành lập chính phủ liên minh.

Hiện Thủ tướng Netanyahu cũng đã bày tỏ ý định hợp tác với các đảng cánh hữu và Do thái chính thống để thành lập chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Netanyahu đang tiến tới nhiệm kỳ thứ 5 và sẽ trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel. Trước đó tối 10/4, lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Benny Gantz, đối thủ chính trong cuộc đua chức Thủ tướng với ông Netanyahu, đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử.

New Zealand chính thức cấm súng bán tự động. (Ảnh: News Front)

Luật mới về kiểm soát súng đạn chính thức có hiệu lực tại New Zealand: Ngày 11/4, Toàn quyền New Zealand Patsy Reddy đã ký ban hành luật kiểm soát súng đạn mới, theo đó chính thức cấm vũ khí bán tự động kiểu quân sự.

Đạo luật được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi một phần tử theo chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" xả súng nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, khiến 50 người thiệt mạng.

Luật mới cấm lưu hành các loại súng máy bán tự động kiểu quân sự, giống như loại súng mà hung thủ đã sử dụng hôm 15/3 vừa qua. Chính phủ sẽ mua lại các khẩu súng người dân đang sở hữu, cấm sử dụng, đồng thời phạt tù đối với các trường hợp vi phạm. Luật trên nêu rõ các lệnh cấm được áp dụng đối với "vũ khí bán tự động, các bộ phận có thể được sử dụng để lắp ráp các vũ khí bị cấm".

Cảnh sát New Zealand bắt đầu triển khai kế hoạch thu mua vũ khí từ ngày 11/4. Nhà chức trách đã công bố danh sách các loại súng bị cấm và yêu cầu người dân trình báo ngay với cảnh sát nếu họ sở hữu bất cứ thứ vũ khí nào trong danh sách bị cấm. Các chi tiết về thỏa thuận thu mua hiện vẫn đang từng bước được hoàn thiện.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran. (Ảnh: AFP)

Mỹ liệt quân đội Iran vào danh sách tổ chức khủng bố: Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố.

Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, động thái bị cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.

Hiện IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này.

Theo Reuters, ngày 9/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng bảo vệ lực lượng IRGC, coi đây là lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo, một ngày sau khi Mỹ liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Trong một bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, ông Rouhani nêu rõ: "IRGC đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người dân, bảo vệ cuộc cách mạng (Hồi giáo 1979) của chúng ta... Ngày hôm nay Mỹ, quốc gia ôm mối ác cảm với IRGC, đã đưa nhóm này vào danh sách đen."

Quốc kỳ Triều Tiên (trái) và Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Nhật Bản quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên: Ngày 9/4, nội các Nhật Bản chính thức thông qua việc kéo dài thời hạn trừng phạt đối với Triều Tiên.

Theo đó, Nhật Bản đã quyết định kéo dài lệnh cấm thương mại và các lệnh trừng phạt khác đối với Triều Tiên thêm 2 năm nữa. Lệnh cấm thương mại đối với Triều Tiên cũng như lệnh cấm các tàu Triều Tiên và những tàu nước ngoài đã ghé cảng Triều Tiên vào cảng của Nhật, sẽ kết thúc vào ngày 13/4 tới.

Các biện pháp này là một phần trong những lệnh trừng phạt đơn phương của Nhật Bản áp dụng từ năm 2006 để đáp lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng như nhằm hối thúc nước này giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc.

Tổng thống Yemen Mansour Hadi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Yemen triệu tập phiên họp đầu tiên sau 4 năm xung đột vũ trang: Ngày 13/4, Quốc hội Yemen đã triệu tập phiên họp đầu tiên sau 4 năm xảy ra xung đột vũ trang.

Cuộc họp diễn ra tại Phủ tổng thống ở Seiyun, thành phố lớn thứ hai tại tỉnh Đông Nam Hadramout. Tổng thống Yemen Mansour Hadi, Thủ tướng Maeen Abdulmalik cùng đại biểu các nước Arab và nhiều nước khác tham dự cuộc họp với trên 141 nghị sĩ trong quốc hội 301 ghế của Yemen.

Phát biểu khai mạc phiên họp bất thường của Quốc hội, Tổng thống Hadi khẳng định phiên họp diễn ra "vào một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử đất nước" và "chúng ta đang đứng giữa các lựa chọn hòa bình và chiến tranh".

Ông cáo buộc phiến quân Houthi hủy hoại những nỗ lực kiến tạo hòa bình của Liên hợp quốc tại Yemen. Tổng thống Hadi nhấn mạnh phiên họp bất thường của Quốc hội Yemen cho thấy người dân Yemen đang khôi phục một trong những thể chế quan trọng nhất của nhà nước sau một chặng đường dài đấu tranh.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận với nhóm phiến quân Houthi cùng các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh.

Hiện Houthi đang kiểm soát thành phố Hodeidah, trong khi quân đội Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn đang từng bước giành lại quyền kiểm soát các vùng ngoại ô phía Đông Nam.

Hình ảnh Hố đen được công bố. (Ảnh: BBC)

Lần đầu tiên con người chụp ảnh được "Hố đen" vũ trụ: Các nhà khoa học thuộc tổ chức các nhà phi hành có tên gọi Event Horizon Telsecope sáng 10/4 (tối 10/4 theo giờ Hà Nội) đã công bố hình ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ.

Các nhà thiên văn học đã chụp được hình ảnh đầu tiên về "Hố đen" được xác định vị trí ở một thiên hà xa xôi. Hố đen có kích thước 40 tỷ km - gấp 3 triệu kích thước Trái đất, nằm ở khoảng cách 500 triệu nghìn tỷ km và được chụp bởi một mạng lưới gồm 8 kính viễn vọng được lắp đặt trên khắp thế giới. Thông tin chi tiết được công bố ngày 10/4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Giáo sư Heino Falcke làm việc tại Đại học Radboud ở Hà Lan, người đề xuất thí nghiệm, thông báo Hố đen được tìm thấy có tên M87.

Chụp ảnh được "Hố đen" vũ trụ là một bước đột phá vĩ đại của ngành thiên văn, qua đó giúp loài người hiểu rõ hơn, chính xác hơn vào vật thể bí ẩn mang tên hố đen, với trường lực hấp dẫn mạnh tới mức hút được cả ánh sáng. Việc chụp hình ảnh được "Hố đen" sẽ mở ra triển vọng để giới khoa học giải mã nhiều bí mật vũ trụ.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói