Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

(Baohatinh.vn) - Nằm trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh), hệ thống thuỷ lợi nội đồng không được đầu tư nên bà con xã Đỉnh Bàn sản xuất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Như vụ mùa năm nay, bà con đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nguồn nước tưới trầm trọng.

Video: Người dân phản ánh tình trạng lúa bị khô hạn.

Thời điểm này, nhiều hộ dân đang trong cảnh “buồn rười rượi” bởi ruộng đồng khô khốc, vụ lúa mùa phát triển chậm, cây lúa còi cọc, cháy lá do thiếu nguồn nước tưới dưỡng.

Dẫn chúng tôi đến mảnh ruộng khô cằn, lúa còi cọc, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Vĩnh Hòa) ngán ngẩm vì 5 sào lúa mùa của gia đình được gieo từ cuối tháng 7 nhưng đến nay phát triển rất chậm, ruộng đồng như bãi cỏ hoang.

Chị Thủy chia sẻ: “Khác với những vùng khác trong tỉnh, ở xã Đỉnh Bàn chúng tôi sản xuất lúa gồm vụ xuân và vụ mùa thay cho vụ hè thu vì phụ thuộc vào nước trời. Những năm trước, vụ mùa có mưa nhiều lúa còn đỡ còi cọc, còn năm nay hạn đến sớm và kéo dài, trời rất ít mưa nên chúng tôi đành bất lực nhìn lúa bị khô cháy dần".

Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

5 sào ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Vĩnh Hòa) đều cằn cỗi, lúa không phát triển được.

Theo chị Thuỷ, trước mắt, bà con mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm nguồn giống, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng để đảm bảo tưới tiêu. Về lâu dài, đề nghị dừng hẳn khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cách đó không xa, chị Đậu Thị Hiền (thôn Vĩnh Hòa) cũng thở dài, bởi 6 sào lúa mùa không thể phát triển vì thiếu nước. Chị Hiền tâm sự: “Nhiều năm nay, khu vực này không có kênh mương thủy lợi, mùa vụ gieo trồng phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Vụ này xuống giống được hơn một tháng thì nắng hạn kéo dài nên lúa không phát triển được".

Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

Chị Đậu Thị Hiền (thôn Vĩnh Hòa) cố gắng làm cỏ, trông chờ vào những đợt mưa để “hồi sinh” 6 sào lúa.

Thời điểm này, chị Hiền cũng như bà con thôn Vĩnh Hoà đang tranh thủ làm cỏ và trông có mưa nặng hạt để “hồi sinh” những diện tích đã gieo trồng nhằm vớt vát chút ít. Được biết, vụ lúa mùa năm nay, thôn Vĩnh Hòa gieo trồng 20 ha nhưng có nguy cơ mất trắng bởi đến thời điểm này, cây lúa vẫn không phát triển, nhiều diện tích đã bị khô cháy.

Vụ lúa mùa của bà con nông dân xã Đỉnh Bàn thường bắt đầu từ cuối tháng 7 và thu hoạch vào cuối tháng 10 dương lịch. Sở dĩ lịch thời vụ của bà con khác với lịch chung của tỉnh là do hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn không được cải tạo, nâng cấp do vướng quy hoạch dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ngoài ra, nguồn nước ngầm bị tụt từ hệ lụy khai thác mỏ sắt trước đây càng khiến các cánh đồng thêm bạc màu, trơ trụi.

Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

Ruộng đồng nứt nẻ, lúa khô cằn... là thực trạng chung ở xã Đỉnh Bàn.

Tại thôn Trường Xuân, tình trạng khô hạn còn diễn ra nghiêm trọng hơn, bởi không có nước tưới nên phần lớn diện tích lúa trên địa bàn đã khô cháy, ruộng đồng như bị sa mạc hóa.

Bà Trần Ngọc Lành chia sẻ: “Sản xuất lúa vụ mùa phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời nên bà con cũng xác định đánh cược với trời, vụ được mùa thì đạt khoảng 1 tạ/sào, còn như năm nay thì nguy cơ mất trắng”.

Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

Bà Trần Ngọc Lành chẳng còn hy vọng thu hoạch từ diện tích lúa cằn cỗi

Gia đình bà Lành canh tác trên 6 sào ruộng, ngoài ra, chỉ nuôi 2 con bò, vài ba con gà… nên nguồn thu nhập rất khó khăn. “Từ khi gieo xong đến giờ, tôi thường xuyên ra thăm ruộng và mong trời mưa để cây lúa sinh trưởng. Thế nhưng, đến thời điểm này, ruộng đồng khô cứng, cây lúa héo úa, chúng tôi chẳng còn hy vọng gì nữa” - bà Lành than thở.

Được biết, toàn xã Đỉnh Bàn có 220 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng lúa là 137 ha. Vụ xuân có mưa nhiều nên lúa và hoa màu thoát được cảnh khô hạn nhưng năng suất cũng chẳng được bao nhiêu, riêng lúa đạt khoảng 1,7 - 2 tạ/sào. Còn vụ mùa, năm được mùa đạt khoảng 1 tạ/sào, như năm nay thì nguy cơ mất trắng. Các thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng gồm: Vĩnh Hòa, Trường Xuân và Văn Sơn.

Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời

Bà con xã Đỉnh Bàn luôn mong muốn chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn thông tin: "Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay khi hệ thống kênh mương vốn đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được đầu tư khiến nguồn nước tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Dù vậy, đây vẫn là diện tích trồng lúa chính của xã, do đó, chúng tôi đã thay đổi khung thời vụ muộn hơn so với tỉnh để bà con có thể tận dụng nguồn nước mưa. Tuy nhiên, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lúa bị khô cháy, vụ mùa này bà con gieo hơn 60 ha xem như mất trắng. Địa phương mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ của cấp trên để cải tạo hệ thống kênh mương, giúp người dân duy trì sinh kế".

Sản xuất nông nghiệp muốn hiệu quả thì quan trọng nhất là hệ thống thuỷ lợi phải được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, tại xã Đỉnh Bàn, do vướng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê nên huyện cũng như địa phương không thể đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, mặc dù trước đó chúng tôi đã xây dựng phương án dẫn nước Kẻ Gỗ từ xã Thạch Khê về phục vụ bà con gieo trỉa lúa.

Mong muốn lớn nhất của người dân cũng như địa phương là cần dứt điểm chủ trương dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để ổn định tư tưởng, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.