Thợ khoan giếng thành chủ trại gà, thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm

(Baohatinh.vn) - Táo bạo trong chuyển đổi nghề, anh Nguyễn Huy Phố (SN 1983, trú thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã phát triển mô hình nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả thu lãi hơn 650 triệu đồng mỗi năm.

Anh Phố kiểm tra hệ thống máng nước, máng thức ăn cho gà bên trong trang trại của gia đình.

Xuất thân với nghề khoan giếng, năm 2016, anh Phố mạnh tay đầu tư máy móc, thiết bị để hành nghề. Tuy công việc vất vả nhưng với sự miệt mài, học hỏi, tìm hiểu từ các thợ khoan quanh vùng, tay nghề của anh ngày càng hoàn thiện. Thời điểm này, nghề khoan giếng đang “ăn nên làm ra” do có nguồn khách hàng lớn. Với tay nghề tốt, anh được bà con trong và ngoài xã tin tưởng, ủng hộ.

Ngoài ra, vợ chồng anh còn trồng thêm một số gốc cam để bán nên nguồn thu nhập khá ổn định.

Tuy nhiên, từ năm 2020, nghề khoan giếng không còn hưng thịnh nữa, máy móc dần hao mòn, khách hàng trên địa bàn gần như đã cạn. Do hằng ngày phải tìm cách mở rộng thị trường sang các huyện, thị ở xa như: Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh nên anh Phố quyết định chuyển nghề.

Sau khi tìm hiểu một số mô hình làm kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, nhận thấy mô hình nuôi gà liên kết ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) rất phát triển, có hiệu quả kinh tế lâu dài nên anh Phố rất hứng thú khởi nghiệp nghề mới.

Nghĩ là làm, anh quyết định bán hết máy móc, thế chấp “sổ đỏ” để vay thêm 1 tỷ đồng mua những khu đất quanh vườn nhà để đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi gà.

Năng động trong cách nghĩ, cách làm, anh Phố đã thành công với mô hình nuôi gà liên kết và trồng cam đặc sản của địa phương.

Thời điểm đầu, với 1.200 m2 chuồng trại, anh Phố nuôi thử hơn 10.000 con gà. Kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm còn ít nên anh Phố nhiều lúc phải “gánh” lỗ do cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho gà chưa đúng quy trình.

“Thời gian đầu khởi nghiệp với mô hình mới tôi còn nhiều bỡ ngỡ, chưa nắm rõ quy trình chăm sóc vật nuôi nên một số lứa gà phải chịu lỗ do dịch bệnh. Sau những lần như vậy, tôi đúc rút kinh nghiệm, tích cực học hỏi nên trang trại dần đi vào hoạt động ổn định, đàn gà ít mắc bệnh hơn trước và cho doanh thu tốt hơn” - anh Phố nhớ lại.

Hiện tại, trang trại của anh Phố đã được mở rộng với diện tích hơn 3,5 ha. Trong đó, nuôi gà cỏ mía liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, quy mô 12.000 - 14.000 con/lứa. Đơn vị liên kết sẽ cung cấp con giống cũng như kỹ thuật, quy trình chăm sóc và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Chủ trang trại chỉ cần đầu tư chuồng trại, chăm sóc đàn gà theo quy trình chặt chẽ của công ty và phòng dịch bệnh theo hướng dẫn.

Trại gà của anh Phố tại xã Thượng Lộc được xây dựng khép kín.

Được biết, mô hình của anh Phố cũng là một trong những trại nuôi gà liên kết quy mô lớn trên địa bàn huyện Can Lộc.

Với giống gà cỏ mía, giai đoạn chăm sóc từ 1 - 18 ngày (giai đoạn úm) quan trọng nhất. Đây là lúc nhiệt độ phải đảm bảo, chuồng trại thông thoáng. Đàn gà con được quây thành ô nhỏ (mùa hè từ 45 - 50 con/m2 và mùa đông từ 55 - 60 con/m2).

Theo anh Phố, mỗi lứa gà trung bình từ 100 - 105 ngày sẽ xuất chuồng, mỗi năm có thể xoay vòng được 3 lứa, thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.

Ngoài chuyên canh nuôi gà, anh Phố còn tận dụng quỹ đất rộng để trồng hơn 1.200 gốc cam

Có quỹ đất rộng, anh còn trồng hơn 1.200 gốc cam Thượng Lộc. Bình quân mỗi năm thu về khoảng 10 tấn cam thương phẩm, sau khi trừ chi phí gia đình có thêm nguồn thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ cam chủ yếu ở Nghệ An và một số chợ đầu mối trên địa bàn Can Lộc.

Ông Đặng Tịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc cho hay: “Trại gà liên kết của anh Nguyễn Huy Phố là mô hình tiêu biểu, có tính bền vững, được chúng tôi đánh giá cao. Hy vọng, thời gian tới, trên địa bàn tiếp tục nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế như thế này. Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình anh Phố cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động đoàn thể của chính quyền địa phương”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói