Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các doanh nhân chuyển tài sản ra nước ngoài

Ngày 3/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố việc các doanh nhân nước này chuyển tài sản của họ ra nước ngoài là “hành động phản quốc” và chính phủ phải có những biện pháp nhằm ngăn chặn những hành vi như vậy.

Doanh nhân Reza Zarrab. (Nguồn: AFP)

Tuyên bố trên được Tổng thống Erdogan đưa ra trong cuộc gặp các thành viên đảng Công lý và Phát triển cầm quyền tại thị trấn Mus, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh 2 ngày trước đó, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tịch biên tài sản của doanh nhân buôn bán vàng Reza Zarrab cùng các thành viên gia đình ông này.

Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết quyết định tịch biên tài sản nêu trên, được áp dụng đối với ông Reza Zarrab và 22 người khác, là một phần của một cuộc điều tra liên quan tới doanh nhân hiện đang ở Mỹ này.

Trước đó, doanh nhân Reza Zarrab và một quan chức ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phía Mỹ bắt và đưa ra xét xử với cáo buộc tham gia "mạng lưới chuyển tiền" cho Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran.

Ngày 30/11, doanh nhân Reza Zarrab khai trước tòa án Mỹ rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh" để 2 ngân hàng nước này tiến hành các giao dịch tiền tệ cho Chính phủ Iran trong giai đoạn 2010-2015.

Theo lời doanh nhân này, Tổng thống Erdogan, thời điểm đó giữ cương vị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng trực tiếp chỉ thị cho các ngân hàng trên. Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức phản đối phiên tòa của Mỹ, cho rằng những cáo buộc nhằm vào giới chức Thổ Nhĩ Kỳ mang động cơ chính trị và là âm mưu phá hoại Ankara cũng như nền kinh tế vốn đã mong manh của quốc gia này.

Theo Tổng thống Erdogan, phía Mỹ đang tìm cách làm mất uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ bởi "Ankara không làm theo kịch bản" mà Washington đưa ra.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng phía Mỹ đã tạo dựng lên phiên tòa trên với sự hỗ trợ của các thành viên mạng lưới do giáo sỹ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, 75 tuổi, người đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania, Mỹ, và bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu.

Quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã trở nên căng thẳng từ năm ngoái sau khi Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ankara.

Bất đồng giữa hai nước lên tới đỉnh điểm hồi cuối tháng 10 vừa qua với việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ hầu hết các dịch vụ cấp thị thực sau khi Ankara bắt giữ một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul, do nghi ngờ có quan hệ với mạng lưới của giáo sỹ Fethullah Gulen./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói