Thời kinh tế thị trường, tư tưởng bao cấp vẫn bao trùm ngành đường sắt

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sáng 14/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho rằng vận tải đường sắt đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh.

Tư tưởng bao cấp đè nén

Đặt vấn đề Tổng công ty đã có giải pháp gì tăng trưởng về sản lượng, doanh thu vận tải ngành đường sắt năm 2017 để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, nhất là trong thời điểm đang tập trung phấn đấu tăng trưởng về lượng khách du lịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

thoi kinh te thi truong tu tuong bao cap van bao trum nganh duong sat

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho rằng vận tải đường sắt đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Bộ trưởng, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty năm 2016 đạt 6.500 tỷ đồng, so với năm 2015 giảm 12%. Trong thời điểm hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn hơn, trong khi đi bằng đường sắt hiện kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh, trong đó có lý do về chất lượng dịch vụ và tính an toàn của đường sắt. “Hay nói cách khác là thị phần của ngành đường sắt giảm dần qua các năm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Bộ trưởng chỉ rõ hạ tầng đường sắt kéo dài từ Bắc đến Nam nhưng quá lâu đời, khổ đường sắt nhỏ, chất lượng tàu, toa xe, kho, cảng bốc xếp hàng hóa ít được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Việc kết nối ga đường sắt với ga hàng không, kết nối đường biển, các khu công nghiệp hay trọng điểm kinh tế cũng ít được quan tâm đầu tư. Điều đó đòi hòi ngành Đường sắt phải đổi mới công nghệ, tái cấu trúc, xã hội hóa để tận dụng tối đa hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần.

“Giá cước vận tải đường sắt ở các nước rẻ nhất, an toàn nhất, nhưng với chúng ta, cần xem lại vấn đề quản trị, chất lượng, đội ngũ cán bộ, trong đó có yếu tố khách quan là công nghệ điều hành thủ công, mạng lưới kết nối tạo năng lực cạnh tranh của ngành Đường sắt còn bất cập, tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén, trong thời kinh tế thị trường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Nêu lên vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động và ý thức trách nhiệm của cán bộ, người lao động, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng dư luận hiện nay rất quan tâm, lo ngại về tình tình tai nạn giao thông đường sắt. Tuy tai nạn giao thông có giảm so với năm 2016 nhưng những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như thiệt hại về người và của đã tạo ra suy tư cho hành khách.

Bộ trưởng dẫn chứng từ sự cố trong việc điều hành tàu tại ga Yên Viên vừa qua khiến tàu liên tiếp bị trật bánh trong hai ngày 6 và 7/8. Sự cố tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương phải điều chỉnh.

Về vấn đề kêu gọi đầu tư tham gia khai thác đường sắt, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng lưu ý ngành Đường sắt về chủ trương xã hội hóa hạ tầng, sử dụng các dịch vụ khác của đường sắt để kêu gọi đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hàng hóa và hành khách, đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có.

Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, Tổng công ty cần duy trì các giải pháp an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể. Thủ tướng cũng nhắc nhở Tổng công ty về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, đường dân sinh, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom.

Đề cập đến vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn, theo Bộ trưởng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm khá sớm nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu, có thể do sự hấp dẫn người mua, do thị trường, đây là vấn đề Tổng công ty cần đẩy mạnh, nhất là đối với công ty dịch vụ, cần có sự tham gia của tư nhân, của các tập đoàn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát lại, báo cáo việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt từ 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cảnh báo, cảnh giới kịp thời.

Còn độc quyền

Ghi nhận ngành đường sắt đã cổ phần hóa mạnh, nhưng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng nội bộ ngành không có sự cạnh tranh, không có yếu tố thị trường và còn tinh thần độc quyền. Khi các ngành vận tải khác phát triển mạnh, hàng không đang tăng trưởng “nóng”, vừa sang trọng, giá lại rẻ ai cũng có thể đi được, thì ngành Đường sắt đang bị cạnh tranh rất mạnh.

Ông cũng chia sẻ yếu tố khách quan từ hạ tầng đường sắt chỉ có 1 đường nên rất khó phát triển; phải làm được hạ tầng mới có cơ hội phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành đường sắt nên đặt vấn đề chuyển sang cơ chế tạo ra tiền chứ không phải lấy tiền đâu để làm, cần liên kết với các cảng trong vận tải hàng hóa.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, mặc dù hàng không và đường bộ phát triển rất mạnh nhưng đường sắt vẫn còn dư địa và lợi thế rất lớn. "Quan trọng là chúng ta tái cấu trúc, đổi mới ngành Đường sắt Việt Nam để phát huy các lợi thế, thu hút đầu tư". Ông tỏ ra thất vọng khi một Tổng công ty lớn, sử dụng một cơ sở hạ tầng lớn, một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017 lãi chỉ 62 tỷ đồng là quá nhỏ nhoi.

Mở cửa thu hút nguồn lực xã hội

Giải trình các vấn đề Thủ tướng đặt ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, các phương thức vận tải khác tăng trưởng qua các năm, nhưng đường sắt bị giới hạn bởi kết cấu hạ tầng không mở thêm được, thậm chí giảm dần qua thời gian, do đó sản lượng không giảm nhưng thị phần giảm đi rõ rệt so với các phương thức vận tải khác. Tổng công ty đang quản lý trên 3.000 km đường sắt khổ đường đơn, trên 1.000 đường cua có bán kính cong dưới 300m, hệ thống thông tin đường sắt lạc hậu, theo tốc độ bảo trì hiện nay phải quay vòng 70 năm mới hết một vòng bảo trì vì kinh phí được cấp rất thấp.

Bức tranh thực trạng của ngành được ông Vũ Anh Minh đưa ra, đó là có 2,8 vạn cán bộ, công nhân viên; 294 đầu máy với 11 chủng loại, tuổi đời trung bình trên 30 năm; 1.000 toa xe hành khách, gần 5.000 toa xe hàng hóa tuổi thọ trung bình cũng trên 30 năm. Tìm hướng đi cho ngành, Hội đồng thành viên đã họp, bàn các giải pháp, phân tích rõ những ưu, nhược điểm.

“Ưu điểm của đường sắt là vận tải khối lớn, vận tải an toàn và các ga đường sắt ở trung tâm đô thị, thuận lợi cho người dân đi lại, chỉ số đúng giờ rất cao. Chỉ số an toàn của đường sắt so với ô tô gấp khoảng 10 lần và so với xe máy gấp khoảng 100 lần, đó là một phương thức an toàn so với các phương thức khác. Nhưng nhược điểm với đường sắt hiện hữu của ta là tốc độ di chuyển chậm. Tốc độ lữ hành trung bình 60km/h, tốc độ vận tải hàng hóa 30 – 40km/h. Chất lượng dịch vụ của đường sắt kém. Khi các phương thức khác đã tiệm cận với nhu cầu người dân thì đường sắt vẫn còn lạc hậu với toa ghế ngồi cứng, cửa sổ bằng lưới, hạ tầng xóc”, ông Minh cho hay.

Ông khẳng định: “Khách bỏ chúng ta không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ. Đặc biệt trong chất lượng dịch vụ là chất lượng vệ sinh”.

Trên cơ sở xác định các nhược điểm, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục, một mặt đảm bảo an toàn cho hành khách, mặt khác nâng cao chất lượng vệ sinh, chất lượng dịch vụ như bán vé điện tử, bán vé khuyến mại, linh hoạt, bán vé đa phương thức… Ngành chuyển hướng tập trung khai thác vận tải hành khách ở cự ly trung bình, đóng mới các toa hành khách với mục tiêu đến năm 2021, đóng toàn bộ toa hành khách mới.

“Trong lúc hành khách bỏ chúng ta đi thì chúng ta phải nâng chất lượng dịch vụ để đưa hành khách về. Nguyên tắc của đường sắt hiện nay là nâng chất lượng dịch vụ bằng giá vé chứ không phải hạ giá vé bằng với chất lượng dịch vụ”, ông Minh nói. Cùng với đó, ngành xây dựng kế hoạch xã hội hóa cho ga Hà Nội, Sài Gòn và một số ga trọng điểm như Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Nha Trang… Ngược lại với vận tải hành khách, đối với vận tải hàng hóa, ngành tập trung vào tuyến dài, khối lớn nhằm giảm chi phí bốc xếp, hạ giá thành.

“Mất nhiều nghìn tỷ để rút ngắn thời gian chạy tàu mà không mang lại doanh thu, quan điểm của ngành đường sắt hiện nay là không đặt mục tiêu rút ngắn thời gian chạy tàu mà đặt mục tiêu nâng cao năng lực thông qua hệ thống. Với thực trạng kết cấu đường sắt hiện nay, không thể rút ngắn được thời gian chạy tàu vì tiệm cận rủi ro an toàn”, ông Minh thông tin.

Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng, những năm qua, ngành Đường sắt đã mở hết cửa để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư nhưng cơ chế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Thông lệ quốc tế, đầu tư cầu và đường là do nhà nước, tư nhân chỉ đổ tiền vào các đầu mối nhà ga, đường kết nối vào khu công nghiệp. Việc thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng là rất khó khăn. Một số tập đoàn lớn trong nước đã tham gia khảo sát nhưng rồi lại từ chối vì không tìm được đầu ra.

Vị Tổng Giám đốc này cũng thừa nhận ngành Đường sắt còn mang nặng tư duy bao cấp, việc ứng dụng cơ giới hóa chưa cao.

Theo Chu Thanh Vân/TTXVN

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.