Thủ tướng Đức: Châu Âu cần đón nhận việc Mỹ rút vai trò lãnh đạo thế giới

Thủ tướng Đức cho rằng các nước châu Âu nên cân nhắc về một thực tế mới khi Mỹ không còn mong muốn duy trì vai trò lãnh đạo thế giới.

Thủ tướng Đức: Châu Âu cần đón nhận việc Mỹ rút vai trò lãnh đạo thế giới

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh. (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn 6 tờ báo của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần này cho biết xét về chi tiêu quốc phòng, các nước châu Âu phải “mang gánh nặng chi phí nhiều hơn so với thời Chiến tranh Lạnh”, vì họ không thể trông chờ rằng Mỹ vẫn sẽ ở đó để bảo vệ họ.

“Chúng ta từ trước đến nay vẫn luôn nghĩ rằng Mỹ muốn là một siêu cường thế giới. Nhưng nếu hiện tại Mỹ muốn tự nguyện rút khỏi vai trò này, chúng ta phải suy ngẫm rất kỹ về điều đó”, bà Merkel nói.

Nhà lãnh đạo Đức không nói về việc ủng hộ một lực lượng quân sự chung của Liên minh châu Âu (EU) như sáng kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất. Thay vào đó, Thủ tướng Merkel nói rằng bà nhận ra giá trị của NATO, bao gồm ô bảo hộ hạt nhân chung, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện của các cường quốc châu Á mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Merkel cũng chỉ trích việc các quốc gia ngày càng trở nên “ích kỷ” hơn. Theo bà, điều này đi ngược lại với cách ứng phó đa phương thống nhất trước cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.

“Ngày nay, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chính chúng ta rơi vào chủ nghĩa bảo hộ. Nếu châu Âu muốn được lắng nghe, trước hết châu Âu phải là một hình mẫu tốt”, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.

Phát biểu trên của bà Merkel dường như đề cập tới Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thúc đẩy việc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại mà ông Trump cho là bất lợi với Washington. Ông Trump cũng rút hoặc dọa rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương, bất chấp sự phản đối của các nước.

Tổng thống Trump cũng chỉ trích các nước đồng minh trong khối NATO, trong đó có Đức, vì không thực hiện đủ các nghĩa vụ về đóng góp chi phí quốc phòng. Chính quyền Trump cũng tăng cường đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận, thậm chí gây sức ép với các nước khác nhằm buộc họ dừng hợp tác với Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức: Châu Âu cần đón nhận việc Mỹ rút vai trò lãnh đạo thế giới

Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Canada năm 2018. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Trump gần đây tuyên bố cắt giảm lực lượng quân đội đồn trú của Mỹ tại Đức xuống còn một nửa, khoảng 25.000 quân. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đang phải chịu gánh nặng chi phí quá lớn cho việc duy trì lực lượng quân sự tại Đức. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích việc chính quyền Đức thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt với Nga.

Đề cập tới sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức, Thủ tướng Merkel nói rằng lực lượng này “không chỉ giúp bảo vệ Đức mà cả phần châu Âu của NATO và cả lợi ích của Mỹ”. Bà Merkel cũng khẳng định Đức đã “chi nhiều hơn cho quốc phòng”.

“Chúng tôi đã gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy để nâng cao năng lực quân sự của mình”, bà Merkel cho biết thêm.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì các cuộc đối thoại “tích cực” với Nga vì có những “lý do phù hợp” để thực hiện điều đó.

“Tại các nước như Syria và Libya, các nước láng giềng châu Âu, ảnh hưởng chiến lược của Nga rất lớn. Do đó tôi vẫn tiếp tục mong muốn hợp tác với Nga”, bà Merkel nói.

Liên quan tới Trung Quốc, Thủ tướng Đức cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là thực tế mà các nước khác phải học cách thích nghi cùng. Bà Merkel dường như không đứng về phía Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc.

“Trung Quốc đã trở thành nhân tố toàn cầu. Điều này đưa chúng tôi trở thành các đối tác trong hợp tác kinh tế và đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng là những đối thủ cạnh tranh với các hệ thống chính trị khác nhau. Việc không đối thoại với nhau chắc chắn là ý tưởng tồi tệ”, bà Merkel nói

Theo RT/Dantri

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.