Tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt kế hoạch
Chỉ tiêu các địa phương đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 2/2022 là hơn 144.600 con trâu, bò; hơn 175.000 con lợn và khoảng 2,4 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh phấn đấu tổ chức lịch tiêm phòng tập trung từ 5 - 30/11 và tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn.
Chỉ mới khoảng 69% đàn trâu, bò được tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, khi lịch tiêm theo kế hoạch đã kết thúc 10 ngày, toàn tỉnh mới tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu bò đạt khoảng 69%; tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn đạt xấp xỉ 70%...
Đặc biệt, tiêm phòng cúm gia cầm chỉ đạt khoảng 19,5%. Một số huyện có tỷ lệ đạt thấp như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ...
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Thái cho biết: “Năm nay do khâu cung ứng vắc xin chậm nên công tác tiêm phòng bị lùi vào thời điểm không thuận lợi, hay xẩy ra các đợt mưa lớn (các năm thường tiến hành tiêm phòng từ tháng 9). Do vậy, tiến độ tiêm phòng vốn đã chậm nay càng chậm hơn.
Trong khi đó, người dân chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên rất chủ quan, chỉ khi gia súc, gia cầm có dấu hiệu nhiễm bệnh mới quan tâm đến công tác tiêm phòng. Lực lượng thú y có chuyên môn tại các xã còn hạn chế khiến cho công tác theo dõi, đôn đốc nhiều lúc không kịp thời. Đơn vị đang tiếp tục cho rà soát để tiêm phòng, đặc biệt là đối với gia cầm”.
Tỉ lệ tiêm phòng gia cầm đạt thấp chủ yếu do chủ yếu chăn nuôi nông hộ, ý thức của người dân còn hạn chế.
Trưởng phòng Quản lý Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) Hoàng Thị Ngọc Diệp cho rằng, nguyên nhân khách quan là do vắc xin lở mồm long móng phải qua giai đoạn đấu thầu nên làm chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương chờ vắc xin lở mồm long móng được phân bổ rồi mới tổ chức tiêm tất cả các loại vắc xin cùng một lần.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc thiếu ý thức của người chăn nuôi đối với công tác phòng chống dịch bệnh, sự lơ là của chính quyền một số địa phương trong công tác tổ chức, bám sát cơ sở khiến cho tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi chậm so với kế hoạch.
Tăng cường kiểm soát, đảm bảo nguồn cung thực phẩm
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước nói chung và toàn tỉnh nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp với các dịch bệnh như: cúm gia cầm; viêm da nổi cục trên trâu, bò; lở mồm long móng; dịch tả lợn châu Phi...
Riêng trong tháng 11 và đầu tháng 12, liên tiếp xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng trên trâu, bò, lợn ở thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) và xã Đan Trường (huyện Nghi Xuân).
Dịch lở mồm long móng xẩy ra tại hộ chăn nuôi ở huyện Cẩm Xuyên vào tháng 11.
Tuy mới chỉ là những ổ dịch nhỏ, chủ yếu xảy ra ở chăn nuôi nông hộ nhưng theo nhận định của ngành chuyên môn, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan là rất cao. Nguyên nhân là do tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh lớn (trên 402.000 con lợn, hơn 169.000 con bò, 10,2 triệu con gia cầm), chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa có nguồn gốc động vật tăng mạnh nên việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh lớn, gây ra những tiềm ẩn nguy hiểm về phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa có nguồn gốc động vật tại Hà Tĩnh dự kiến tăng mạnh.
Trong điều kiện nền nhiệt độ xuống thấp, mưa ẩm, sức đề kháng của vật nuôi giảm, điều này khiến các loại vi rút, vi khuẩn dễ dàng tấn công. Cùng với đó, vết tích dịch bệnh cũ vẫn còn tồn tại trong môi trường cũng rất dễ bùng phát trong thời gian tới, nhất là dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng…
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, để đảm bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phát hiện sớm, khoanh vùng, tránh lây lan ra diện rộng.
Người dân cần chú trọng vệ sinh môi trường chăn nuôi thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh tại chỗ.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt yêu cầu; phối hợp tốt với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương tổ chức thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh môi trường cuối năm, tập trung ở các khu chăn nuôi tập trung, nơi có ổ dịch cũ, các khu kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nơi có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cao.
Người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, bổ sung nguồn thức ăn tại chỗ, giữ ấm chuồng trại, không để gia súc bị đói, rét; không chăn thả gia súc trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp.