Tiến độ làm đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng ở Hương Khê “giẫm chân tại chỗ”

(Baohatinh.vn) - Các địa phương ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đang gặp khó khăn trong phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn do thiếu nguồn vật liệu đối ứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhằm góp phần xây dựng huyện Hương Khê đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2024, thời gian qua, toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, phong trào làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương bê tông nội đồng được triển khai sôi nổi ở các địa phương. Trong năm 2023, toàn huyện làm mới 69,18 km đường giao thông, 12,09 km rãnh thoát nước và 1,97 km kênh mương bê tông theo cơ chế hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh và huyện. Cùng đó, phát quang mở rộng, nâng cấp, phục hồi mặt đường bê tông xi măng hơn 422 km.

Kết quả này góp phần giúp các xã nâng cấp tiêu chí giao thông, đạt chuẩn NTM, NTM mới nâng cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, phong trào này đang gặp khó khăn và chững lại. Đến cuối tháng 4/2024, toàn huyện chưa có thêm tuyến đường nông thôn, tuyến kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng được làm mới.

2.jpg
Tuyến đường trục thôn của thôn Bình Phúc (xã Lộc Yên) hư hỏng nặng, cần làm mới nhưng gặp khó khăn do thiếu vật liệu.

Ông Nguyễn Hữu Minh – Trưởng thôn Bình Phúc, xã Lộc Yên chia sẻ, theo kế hoạch, địa phương còn 2km đường trục thôn cần hoàn thành. Trong đó, 1km đăng ký mới và 1km còn nợ theo kế hoạch của năm 2023, nhưng đến nay chưa thể triển khai. Nguyên nhân chính là do giá vật liệu tăng cao nên địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện.

Theo tính toán của thôn Bình Phúc, để hoàn thành 2km đường trục thôn với chiều rộng 5m thì cần tối thiểu 2.000m3 cát, sỏi làm vật liệu đối ứng. Với giá mua hiện nay khoảng 200 nghìn đồng/m3 thì người dân trong thôn phải đóng góp hơn 400 triệu đồng. Trong khi đó, Bình Phúc là thôn khó khăn, thu nhập người dân dựa vào nông nghiệp. Với mức đóng góp xây dựng NTM theo hương ước là 200 nghìn đồng/khẩu/năm thì phải cần đến 5 năm mới đủ kinh phí hoàn thành kế hoạch làm đường giao thông hiện nay.

1.jpg
Sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn thôn Bình Phúc có một số đoạn bị cát, sỏi bồi lắng.

Ông Nguyễn Hữu Minh cũng trăn trở: "Sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn thôn có một số đoạn bị bồi lắng bởi cát, sỏi, giá như có thể tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ này thì bài toán làm đường giao thông sẽ dễ hơn rất nhiều".

Cùng chung tâm sự, ông Đậu Văn Hanh - Trưởng thôn Yên Bình cho hay: "Sông Rào Xé chảy từ đập Khe Táy đổ về sông Ngàn Sâu có nhiều đoạn bồi lắng, dòng chảy cũng thường xuyên bị thay đổi gây nên tình trạng sạt lở đất trên địa bàn. Do vậy, nguyện vọng của địa phương là được nạo vét lòng sông để ổn định dòng chảy và tận dụng nguồn vật liệu cát sỏi này để làm đường giao thông, góp phần xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc này đang vướng nhiều quy định, địa phương không thể thực hiện".

5.jpg
Đoạn đường 750m đã được người dân thôn Yên Bình, xã Lộc Yên đồng thuận giải tỏa mặt bằng nhưng vẫn chưa được bê tông hóa.

Trong khi đó, với tình trạng giá vật liệu đắt đỏ như hiện nay, thôn Yên Bình khó có thể hoàn thành xây dựng 750m đường giao thông và 400m kênh mương nội đồng theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Lộc Yên lo lắng: Nhiệm vụ năm nay của xã là đạt chuẩn NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, toàn xã cần làm mới hơn 13km đường giao thông, 2km kênh mương, rãnh thoát nước… Khối lượng này tương ứng với khoảng gần 3 tỷ đồng tiền vật liệu cát, sỏi. Việc huy động thêm nguồn lực từ Nhân dân là rất khó khăn bởi Lộc Yên là xã thuần nông, đa số người dân còn thu nhập thấp. Chúng tôi hi vọng sẽ được tạo cơ chế đặc thù, có thể tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ để làm các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng.

6.jpg
Nguồn vật liệu cát, sỏi dồi dào trên một số đoạn sông Rào Xé, có thể tận dụng xây dựng công trình giao thông.

Cũng như Lộc Yên, năm 2024, xã Phúc Trạch cần xây dựng hơn 14km đường giao thông nông thôn để củng cố các tiêu chí NTM nâng cao cũng như hướng tới xã NTM kiểu mẫu. Nguyện vọng của đại đa số cử tri địa phương cũng là được tận dụng nguồn vật liệu cát, sỏi tại chỗ để giảm tải chi phí đóng góp của người dân.

Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho hay: Ven bờ sông Ngàn Sâu từ thôn 2 đến thôn 4 có các bãi vật liệu cát sỏi lớn. Tuy nhiên, do chưa được cấp phép mỏ vật liệu nên địa phương không thể khai thác. Xã mong được tận dụng nguồn vật liệu này để phục vụ quá trình xây dựng NTM. Địa phương cũng đã có các phương án giám sát khai thác như điều động lực lượng công an địa phương và mời người dân tham gia để đảm bảo nguồn vật liệu được sử dụng đúng mục đích.

3.jpg
Ven bờ sông Ngàn Sâu từ thôn 2 đến thôn 4, xã Phúc Trạch có các bãi vật liệu cát, sỏi lớn.

Thiếu nguồn vật liệu đối ứng trong việc hoàn thành tiêu chí đường giao thông ở các xã đã "kéo" chậm tiến độ của toàn địa phương. Ông Đặng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Theo kế hoạch đầu năm, toàn huyện phấn đấu xây dựng hơn 55km đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng, tuy nhiên, tiến độ đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ” do các địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đối ứng.

4.jpg
Trên địa bàn huyện Hương Khê vẫn còn nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cần được bê tông hóa.

Hương Khê có nhiều sông, suối, trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường khá lớn nhưng chưa được cấp phép khai thác (trên địa bàn huyện mới được cấp phép 1 mỏ cát xây dựng). Từ đề xuất, nguyện vọng của các xã, huyện sẽ kiến nghị ngành chuyên môn và tỉnh xem xét sớm cho phép quy hoạch thêm các mỏ đất, cát, đá hoặc được tận thu nguồn vật liệu phục vụ xây dựng các công trình công cộng, xây dựng NTM. Huyện cam kết sẽ chỉ đạo, giám sát các địa phương sử dụng nguồn vật liệu hợp lý, đúng mục đích, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, lợi dụng chính sách để khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast