Các sản phẩm giảm cân cho chị em phụ nữ bán tràn lan trên mạng xã hội, trang mua sắm trực tuyến...
Chỉ cần tìm từ khóa “thuốc giảm cân” trên facebook, một “ma trận” với hàng loạt các bài viết về các loại thuốc, kẹo giảm cân khác nhau sẽ xuất hiện. Người bán đăng rất nhiều bài “chào hàng” mỗi ngày với lời quảng bá “thuốc không có tác dụng phụ, 100% thành phần từ thảo dược tự nhiên”, “chị em nhanh tay không sẽ cháy hàng ngay”, “phá đảo thị trường với công dụng: giảm mỡ bụng, mỡ thừa, đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể”...
Chính vì tin vào những lời quảng cáo của các “thần dược” giảm cân, không ít chị em đã phải nhận “quả đắng”. Sau khi sinh nở, chị T.T.T.A (phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) tăng hơn 10 kg so với thời con gái. Mặc cảm, tự ti với vóc dáng hiện tại nên chị đã nghe “hội chị em” giới thiệu và mua loại kẹo vị dứa giảm cân đang “hot rần rần” trên mạng về dùng. Sau 4 ngày sử dụng, cơ thể chị A. luôn trong tình trạng choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi như bị say xe nên chị đã ngừng uống.
Chị A. cho biết: “Nghĩ lại thấy mình quá tin vào quảng cáo mà không để ý là trong thành phần có những gì. Sản phẩm cũng không có thông tin về việc đã được Cục An toàn thực phẩm cấp phép lưu hành hay chưa”.
Không riêng chị A., nhiều chị em trước khi đến với sản phẩm giảm cân đã không tìm hiểu đầy đủ thông tin, các yếu tố phù hợp với cơ thể mà phó mặc sức khỏe, sự an toàn của mình vào lời giới thiệu hấp dẫn của người bán.
Chị Nguyễn Thị Vân - nhân viên văn phòng tại TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Chị em chủ yếu nghe bạn bè “mách nước”, thấy người nổi tiếng quảng cáo qua mạng xã hội hoặc sản phẩm hot trên mạng thì mua uống chứ tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu các thành phần và liệu có phù hợp với cơ địa mình hay không”.
Nhu cầu sử dụng các thực phẩm chức năng giảm cân, hỗ trợ làm đẹp của chị em ngày càng tăng lên.
Hiện trên thị trường hiện xuất hiện rất nhiều loại sản phẩm giảm cân như: bột, viên giảm cân, cafe, trà, thạch, kẹo… xuất xứ từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác như: Mỹ, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc... Thậm chí, một số loại thuốc bột gia truyền không nhãn mác, không công bố chất lượng cũng được rao bán, quảng cáo khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Điều đáng nói, gần như tất cả sản phẩm nếu không quảng cáo là không gây hại, không mệt người, không cần giảm ăn thì cũng “núp bóng” là sản phẩm có xuất xứ từ tự nhiên, an toàn với sức khỏe. Đặc biệt, giá cả vừa tầm, dao động từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng/sản phẩm cũng “đánh trúng” vào tâm lý người tiêu dùng.
Trước thực trạng sản phẩm giảm cân bán tràn lan, các cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa ra các lời cảnh báo về một số thành phần không có lợi trong đó, thậm chí là những chất bị cấm như: phenmetrazin, phentermin, Isomeride, Anorex, Ponderal, sibutramine...
Quyết định thu hồi 2 sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm hồi đầu năm của Cục An toàn thực phẩm
Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định 181/QĐ-ATTP (Quyết định 181) ngày 18/5/2022 thu hồi 5 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (địa chỉ tại điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), trong đó có sản phẩm Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo. Điều này trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang xem nhẹ sức khỏe của mình vì những sản phẩm giảm cân không đảm bảo an toàn.
Sản phẩm giấm táo Slim bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thu hồi vì có chứa chất cấm.
Theo bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị thường xuyên cập nhật các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân bị Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm cấm lưu hành trên thị trường để thông tin đến người tiêu dùng qua hệ thống thông tin đại chúng, tờ rơi...; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường để theo dõi, kiểm soát và phát hiện các vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều sản phẩm giảm cân được sản xuất và bày bán trên thị trường, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu đầy đủ xem sản phẩm này có được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành hay không (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); nên mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ tại các cửa hàng có uy tín, được cấp phép, không mua hàng trôi nổi trên các trang mạng xã hội; kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm để tự bảo vệ sức khỏe, an toàn của bản thân.