Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.

Cá Ông được gọi bằng những cái tên tôn kính như ông Nam Hải, Đông Hải Đại Vương, ông Cậu, Đức ngư Ông… Theo “Đại Nam nhất thống chí”: “Đức ngư (theo tên thời Tự Đức ban cho), đầu tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vảy, đuôi chẻ ra như đuôi tôm, tính hiền lành hay cứu người. Đầu đời Minh Mệnh cho tên là Nhân ngư, đầu đời Tự Đức cho đổi tên như hiện nay”(1).

bqbht_br_7-le-ruoc-ngu-ong-ngoai-bien.jpg
Lễ rước Ngư Ông tại làng biển Hà Tĩnh.

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh trong Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh mô tả: “Thờ cá Ông là tục cổ của các làng ven biển nước ta. Ở Hà Tĩnh, từ cửa Hội đến Đèo Ngang có rất nhiều miếu thờ ngư thần. Trong miếu (hoặc cạnh miếu) có mộ Ông Cá, có nơi dùng hàng trăm tiểu sành, có nơi xây hầm mộ để giữ hài cốt, có nơi như ở Hội Thống có đến 3 ngôi miếu thờ Nhân ngư gọi là miếu Cô, miếu Cậu”(2).

Cũng vì hay cứu người và được linh thiêng hóa nên ngư dân không bao giờ ăn thịt cá Voi. Cùng với đó, mỗi khi có cá Voi chết (lụy) dạt vào bờ, người dân sẽ tổ chức chôn cất, mai táng chu đáo. Xác cá Voi được tắm bằng rượu thơm rồi liệm bằng vải đỏ, được chôn cất ở bãi cát gần biển. Sau thời gian 3 năm trở đi, xương cá sẽ được cất bốc, cho vào tiểu sành, đưa vào chôn ở một nghĩa trang của vùng, của làng hoặc đưa vào một ngôi miếu để thờ.

Hiện nay, ở Hà Tĩnh, tục thờ cá Ông diễn ra ở nhiều nơi, thời gian tiến hành các nghi lễ thường từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch. Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có 10 di tích thờ cá Ông được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) cấp tỉnh; 2 lễ hội ghi vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, còn có hàng chục di tích, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cá Ông trải dài từ Nghi Xuân đến TX Kỳ Anh.

bqbht_br_mo-ca-ong-o-mieu-ngu-ong-xa-cam-nhuong.jpg
Mộ cá Ông ở miếu Ngư Ông, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)

Miếu Ngư Ông, thuộc xã Cẩm Nhượng là một di tích lịch sử văn hóa được xây dựng từ rất sớm. Theo Nhân dân địa phương, từ những ngày đầu có tên đất, tên làng Nhượng Bạn, những người dân làm nghề đi biển mỗi khi ra khơi gặp sóng to bão lớn thường rất hay được cá Voi cứu giúp, lúc thì che chắn sóng dữ, lúc thì nâng thuyền khỏi lật, lúc lại dìu cả người và thuyền vào bờ. Từ đó, ngư dân rất kính trọng và coi cá Voi như là một vị ân nhân cứu tinh giữa biển khơi đầy sóng to bão lớn, họ coi trọng cá Voi và không bao giờ đánh bắt loài cá này. Mỗi khi chuẩn bị ra khơi, họ lại thắp hương cầu khấn để được cá Voi cứu giúp khi gặp nạn hoặc cũng có thể trở thành những người bạn đồng hành giữa biển khơi. Mỗi khi có một cá Ông nào bị chết, trôi dạt vào bờ thì ngư dân lại tổ chức chôn cất tử tế, lập mộ và hương khói chu đáo.

Hiện nay, tại miếu Ngư Ông có một nghĩa trang cá Ông với khoảng hơn 60 ngôi mộ cá đã được xây cất chu đáo. Năm 2012, miếu Ngư Ông được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh. Năm 2021, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hay như tại làng Cam Lâm, xã Xuân Liên (Nghi Xuân) cũng có đền Đông Hải với 17 ngôi mộ cá Ông. Tương truyền, vào một buổi sáng, dân làng Cam Lâm thấy trên bãi biển có bộ xương cá Voi trôi dạt vào bờ nên đã tổ chức lễ tang và lập đền thờ, gọi là đền Đông Hải. Năm 2017, đền Đông Hải được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh. Năm 2024, lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Cầu ngư Cam Lâm diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội ở đây không dùng hải sản như tôm, cua, cá, mực… để tế thần. Họ cho rằng, tế ngư Ông (cá Ông) mà dùng hải sản là không phù hợp. Điều này được coi là kiêng kỵ. Theo thông lệ, sáng 14 tháng Giêng, diễn ra lễ yết tế ở bờ biển của làng. Tại đây, dân làng sẽ lập đàn cúng linh hồn Đức Đông Hải cự ngư. Chủ lễ đọc cáo yết mời thần Đông Hải cự ngư về dự chính lễ vào ngày 15 tháng Giêng và xin phép cho dân làng mở hội.

Lễ hội Cầu ngư đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo của người dân làng biển Cam Lâm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân dành thời gian về đền Đông Hải để dâng hương cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi thuận lợi, trở về đầy ắp cá tôm.

Trên địa bàn huyện Nghi Xuân, ngoài đền Đông Hải và lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, còn có khá nhiều di tích và lễ hội liên quan đến tục thờ cá Ông như tại xã Xuân Hội có đền Cô, đền Cậu; xã Xuân Yên có đền Cá Ông… Đây đều là những di tích đã xếp hạng cấp tỉnh.

bqbht_br_tieu-dung-hai-cot-ca-ong-tai-den-co-den-cau-xa-xuan-hoi.jpg
Tiểu đựng hài cốt cá Ông tại đền Cô đền Cậu, xã Xuân Hội (Nghi Xuân)

Theo người dân xã Xuân Hội cho biết, thì từ những năm 1960-1970, đã có 3 lần cá Voi chết trôi dạt vào bờ biển của vùng này. Lần thứ nhất là một con cá Voi lớn, người dân tiến hành tổ chức tang lễ và lập đền thờ gọi là đền Ông. Lần thứ hai là 2 con cá nhỏ hơn, một đực và một cái, người dân chôn cất và lập đền thờ, gọi là đền Cô, đền Cậu. Hiện nay, tại đền Cô, đền Cậu ở xã Xuân Hội có tổng cộng 26 bộ hài cốt cá Ông được đưa vào tiểu sành, ngoài ra, còn có 4 ngôi mộ chưa được cất bốc và khoảng 20 ngôi mộ đã bị vùi lấp dưới tầng cát sâu.

Hằng năm, các tàu thuyền khi rời cửa biển đều đến đền Cô, đền Cậu dâng hương để cầu mong làm ăn thuận lợi, “trơn bọt, lọt lạch”. Lễ Cầu ngư ở đây tổ chức ở cả trên cạn và trên biển. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động như chèo bơi, thi bơi. Đây là cuộc thi giữa các vạn chài (nhóm cùng nghề): vạn rùng, vạn te, vạn đáy, vạn mành… Trống thúc liên hồi, người xem chật bãi, sau ngày này đi làm nghề mới thanh thản. Năm 2015, đền Cô, đền Cậu được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh.

Điểm qua một số di tích, lễ hội thờ cá Ông ở Hà Tĩnh nêu trên để thấy rằng, sức sống của tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh rất mạnh mẽ và chắc chắn sẽ trường tồn cùng thời gian. Ngày nay, dù cuộc sống phát triển, phương tiện đánh bắt hải sản được đầu tư hiện đại hơn nhưng niềm tin của người ngư dân về vị thần cá Ông vẫn không thay đổi. Tín ngưỡng thờ cá Ông vẫn được người dân tôn trọng, giữ gìn. Nhiều lễ hội Cầu ngư ở Hà Tĩnh đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, qua đó cũng góp phần phát triển du lịch, dịch vụ các địa phương.

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.479-480.

(2) Thái Kim Đỉnh, Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Tập 1, Nxb Đại học Vinh, 2015, tr.555.

Đọc thêm

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là điểm trọng yếu trên tuyến chi viện miền Nam, hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, những con đường huyền thoại năm xưa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.
Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.