Sáng 15/5 (tức ngày 8/4 âm lịch), tại miếu thờ Đức Ngư Ông, UBND xã Cẩm Nhượng tổ chức Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn và chung kết Giải Đua thuyền thúng năm 2024.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Cẩm Xuyên và đông đảo người dân địa phương, du khách cùng tham dự.
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn có lịch sử hình thành từ lâu đời, tương truyền có từ khi lập làng Nhượng Bạn thời nhà Trần. Căn cứ các bản sắc phong lưu lại, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Hiện miếu Ngư Ông còn lưu giữ 3 sắc phong thời Nguyễn giao cho xã Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên phụng thờ vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư.
Lễ hội cầu ngư được xem là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của xã Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng) và được cộng đồng cư dân, bà con ngư dân rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo trong thời gian dài. Qua đây nhằm tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư (Cá Ông) có tình thương người đã hộ quốc tỷ dân, bảo hộ cho ngư dân đi biển. Công tác chuẩn bị bao gồm các phần như tổ chức, đội cúng tế, đội rước, đội chèo cạn, trang phục, các vật dụng và lễ vật tàu thuyền nghinh rước…
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống cộng đồng, phản ánh ước vọng của con người. Thông qua thực hành lễ hội, con người được đắm chìm trong văn hóa dân tộc, thể hiện mong muốn về sự phồn thịnh và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; giải tỏa những nỗi lo, những băn khoăn chưa giải thích được.
Lễ hội cũng biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong lao động và sản xuất; hướng con người trở về cội nguồn, về dân tộc, về văn hóa, làm cho nó có nét riêng được quy định bởi lịch sử, phong tục, tính cách con người xã Nhượng Bạn xưa (nay là xã Cẩm Nhượng).
Không gian văn hóa diễn ra lễ hội tập trung chủ yếu ở miếu Ngư Ông - nơi được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2013. Với những giá trị lịch sử - văn hóa, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2021.
Về cơ bản, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn ngày nay được tổ chức tương tự lễ hội xưa, song có bổ sung một số yếu tố biến đổi trong công tác tổ chức cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trước đây, việc tổ chức lễ hội do các giáp lo liệu, còn ngày nay, ngoài cộng đồng dân cư còn có sự tham gia của chính quyền xã trong công tác quản lý và tổ chức.
Lễ hội diễn ra trong hai ngày 7/4 - 8/4 (âm lịch) hằng năm, trong đó ngày 8/4 (âm lịch) là ngày diễn ra lễ hội chính thức. Ngày nay, lễ hội được tổ chức rất trang trọng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia với phần lễ và phần hội, trong đó có 4 phần chính: nghi thức tế lễ, lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu đường.