Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Sosnowiec, miền nam Ba Lan, ngày 12/2/2021. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/2, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan tới 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 109.168.912 người nhiễm và 2.406.975 người tử vong.
Quốc gia bị ảnh hưởng nhất vẫn là Mỹ với 28.198.566 ca nhiễm và 496.065 ca tử vong. Đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ (10.904.940 ca) và đứng thứ hai về số ca tử vong là Brazil (238.647 ca).
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận lần lượt 32.196.024 ca và 32.168.612 ca nhiễm; tiếp đến là châu Á hơn 24 triệu ca nhiễm và Nam Mỹ với hơn 16,8 triệu ca.
Tại Mỹ, bang California là nơi có số ca nhiễm cao nhất, hiện đã lên tới 3.465.979 ca, trong đó có 46.855 ca tử vong; tiếp đó là bang Texas với hơn 2,5 triệu ca nhiễm.
Các bang Florida, New York và Illinois đều đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm. Bang có số ca tử vong cao thứ hai trên cả nước là New York với 45.947 ca.
Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới hằng ngày đang liên tục giảm. Ngày 14/2, nước này ghi nhận 202 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với con số 12.188 ca mới trong ngày 13/2.
Trong khi đó, Brazil đã ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp có số ca tử vong hơn 1.000 ca/ngày, cụ thể là 1.043 ca tử vong và 44.299 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Brasilia, Brazil, ngày 10/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước, với tổng cộng 56.191 ca tử vong và 1.911.411 ca nhiễm; tiếp theo là Rio de Janeiro, với 554.040 ca mắc và 31.383 ca tử vong.
Nước bị ảnh hưởng nhất ở khu vực châu Âu là Nga, nơi hiện đã có hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 80.000 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong ngày cũng đang có dấu hiệu giảm dần. Ngày 14/2, nước này ghi nhận 14.185 ca nhiễm mới và 430 ca tử vong mới.
Trong khi đó, ngày 14/2, Đức thông báo buộc phải gia tăng các biện pháp chống dịch như cấm đi lại giữa các khu vực trong nước giáp biên giới với Séc và Tyrol của Áo sau khi số ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 tăng mạnh.
Hơn 1.000 cảnh sát đã được huy động để kiểm soát các khu vực biên giới trên trong khi công ty đường sắt quốc gia Deutsche Bahn cũng thông báo ngừng các dịch vụ đi và đến từ các vùng dịch.
Cũng trong ngày 14/2, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý phê duyệt nhanh các loại vắcxin mới có khả năng đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết các loại vắcxin này sẽ không phải đòi hỏi trải qua toàn bộ quá trình phê duyệt và điều này sẽ cho phép các vắcxin phù hợp được nhanh chóng sử dụng để phát huy hiệu quả.
Bà cũng cảnh báo rằng các nhà khoa học chưa rõ liệu các loại vắcxin đã được cấp phép của các hãng như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford liệu có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không.
Liên quan tới tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 , trong một tuyên bố trên tài khoản Twitter ngày 14/2, Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng của Anh, ông Nadim Zahawi cho biết đã có 15 triệu người dân nước này được tiêm chủng mũi đầu tiên.
Tại Đông Nam Á, Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hiện đã ghi nhận 1.217.468 ca nhiễm và 33.183 ca tử vong. Philippines đứng thứ hai với 549.176 ca nhiễm và 11.515 ca tử vong, trong khi Malaysia đứng thứ ba với 264.269 ca nhiễm và 965 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Iran cũng cảnh báo làn sóng dịch thứ 4 có khả năng lây lan và một biến thể mới khác của virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện ở quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực Trung Đông này.
Theo bộ trên, ít nhất 9 thành phố và thị trấn ở vùng Tây Nam Iran đã tuyên bố có nguy cơ cao là “vùng đỏ." Trong tuần này đã có 3 ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể có nguồn gốc từ nước Anh, trong đó có một phụ nữ 71 tuổi không có tiền sử di chuyển - có nghĩa là loại virus này có thể đã và đang lây lan và sớm.
Trong khi đó, Nhật Bản đã phê chuẩn vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech sử dụng trong nước, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba trước thềm diễn ra Thế vận hội Olympic mùa Hè vào tháng Bảy tới.
Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ra lệnh phong tỏa Auckland, thành phố lớn nhất của nước này để phòng dịch sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng cùng ngày. Đây là lần đầu tiên trong gần 6 tháng qua chính quyền New Zealand ban bố lệnh trên tại Auckland.
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp nội các khẩn cấp cùng ngày và sẽ được áp dụng từ 23h59 đêm nay (giờ địa phương) trong vòng 3 ngày. Thủ tướng Ardern cho biết mức cảnh báo tại Auckland sẽ được nâng lên cấp 3 và các nơi khác sẽ bước vào mức cảnh báo cấp độ 2.
Bà khẳng định “nội các đã chọn cách ứng phó thận trọng,” đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng và hiệu quả của cách tiếp cận “đi trước và mạnh tay” chống dịch.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Nam Phi thông báo sẽ mở cửa trở lại 20 cửa khẩu trên bộ, cho phép hoạt động đi lại bình thường tại các khu vực biên giới với Zimbabwe, Mozambique và Botswana.
Nam Phi là nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất châu Phi, với hơn 1.490.000 ca nhiễm và hơn 47.800 ca tử vong.
Trong một tháng trở lại đây, số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đã giảm mạnh, từ mức 18.503 ca ngày 14/1 xuống còn 2.382 ca ngày 13/2./.