TNXP Hà Tĩnh: "Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng 7 này, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) bồi hồi, rạo rực nhớ về ngày truyền thống của lực lượng “vai trăm cân, chân ngàn dặm”, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Cựu TNXP Tổng đội 53 về thăm lại chiến trường xưa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thiên Vỹ

Vượt lên bom đạn

Cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị TNXP đầu tiên được thành lập gồm 225 cán bộ, hội viên. Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đến thăm liên phân đội 312 TNXP đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, tỉnh Bắc Kạn và tặng TNXP 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó.

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển.

Quyết chí ắt làm nên”

Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước đã có trên 25 nghìn TNXP làm nhiệm vụ chiến đấu tại các chiến trường. Đến năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, ngày 21/6/1965, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước được thành lập.

Gần 55 vạn nam nữ thanh niên gia nhập TNXP. Họ đã có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, chấp nhận gian khổ, hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho quê hương, đất nước.

Tại Hà Tĩnh, năm 1951, các đơn vị TNXP chống Pháp đầu tiên ra đời. Đến tháng 3/1954, đã có 1.749 người tham gia TNXP. Để phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, họ đã vượt qua bao núi cao, vực thẳm, mưa ngàn, thác lũ, sên vắt, muỗi rừng, đói cơm, thiếu áo, dưới làn bom đạn địch với khát khao cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ đã dùng không quân đánh phá vô cùng ác liệt các tuyến đường huyết mạch. Tháng 6/1965, tỉnh ta đã thành lập 2 đội Nam Hà và Bắc Hà gồm 20 đại đội để chi viện cho Bình - Trị - Thiên và đường 9 Nam Lào. Ngoài ra, còn có 2 đội N23 và N25 gồm TNXP Hà Tĩnh và các tỉnh làm nhiệm vụ trên đường mòn Hồ Chí Minh và mở đường 20 Quyết Thắng.

Đến tháng 7/1965, tỉnh ta tiếp tục thành lập 2 tổng đội (đội) mỗi tổng đội gồm 10 đại đội. Ban đầu lấy tên là 26/3/K15 và 31/3/K31, sau đó đổi thành N53 - P18 và N55 - P18. Đây là hai đơn vị chủ công giàu truyền thống nhất của TNXP Hà Tĩnh.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Sau khi thành lập (15/7/1950), lực lượng TXNP trở thành đội quân xung kích trên những tuyến đường ra chiến trận. Ảnh: Tư liệu

Đội N55 - P18 chủ yếu làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1A suốt từ Bến Thủy đến Đèo Ngang. Đến ngày 20/4/1968, khi đoạn đường Thượng Gia - Cổ Ngựa bị đánh sập, cắt đứt hoàn toàn việc vận chuyển trên tuyến quốc lộ 1A thì toàn bộ lực lượng TNXP N55 được điều về tuyến đường 15A, từ Lạc Thiện qua cầu Bạng - Tùng Cóc - cầu Tối - Ngã ba Đồng Lộc - Khe Giao - Địa Lợi - Lộc Yên - La Khê - Tân Đức tiếp giáp Quảng Bình.

Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, nơi được mệnh danh là “chảo lửa túi bom”, TNXP N55 đã bám trụ suốt ngày đêm, chấp nhận gian khổ, hy sinh, tiêu biểu là 2 liệt sỹ Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài anh dũng hy sinh trong khi rà phá quả bom thứ 10 vào ngày 4/7/1968 tại cầu Tối, 10 cô gái A4 - C552 - N55 hy sinh vào chiều 24/7/1968, Bí thư Chi bộ Võ Triều Chung hy sinh vào chiều 24/8/1968, 23 cán bộ, chiến sỹ C555 hy sinh tại đồi Con Công, xã Phú Lộc vào ngày 13/11/1972. Cùng với các lực lượng khác, họ đã làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Tiểu đội A4-C552-N55 (Tiểu đội của 10 nữ TNXP hi sinh ngày 24/7/1968) đang san lấp hố bom. Ảnh: Tư liệu

Đội N53 - P18 là đơn vị chủ công mở đường 21 từ Khe Giao qua ngã ba Thình Thình dọc theo hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp, Quảng Bình với chiều dài 53 km và đến cuối năm 1966, tiếp tục mở đường 22 bắt đầu từ ngã ba Thình Thình men theo phía Tây sông Rào Cái vào Cẩm Mỹ - qua khe Libi vào Kỳ Thượng - Kỳ Lạc đến Quảng Bình với chiều dài 29 km, vượt qua hơn 10 con khe sâu.

Đây là tuyến đường mà địch đã đánh phá rất ác liệt, trong đó có trận đánh vào hồi 7h ngày 18/9/1972 trên toàn tuyến đường 21, phá hủy 54 xe ô tô chở hàng ra mặt trận, làm 11 nam nữ TNXP N53 hy sinh. Đến nay, có 4 người C538 của N53 vẫn chưa tìm được thi thể và trận đánh ngày 3/1/1973 vào sân bay Libi trên tuyến đường 22 làm nhiều người hy sinh, trong đó có TNXP N35 (Hà Nam Ninh).

Đến năm 1971, Đội TNXP N40 - P18 gồm 8 đại đội được thành lập, vừa làm công sự bảo vệ các cơ quan đầu não, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các công trình kinh tế. Cũng trong thời gian này, vào tháng 10/1972, tỉnh ta thành lập tiếp Đội TNXP N299 - P18 gồm 8 đại đội để làm nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển, giải phóng hàng hóa đảm bảo giao thông tại các cảng biển, cảng sông, các bến tàu... Ngoài ra, còn có 3 đại đội TNXP Hà Tĩnh vào làm nhiệm vụ tại khu vực Vĩnh Linh giáp ranh vĩ tuyến 17.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Những đoàn xe qua Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu)

Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có 14.970 nam nữ TNXP biên chế vào 7 đội là N23, N25, N53, N55, N40, N299 và N2 (TNXP tháng 8 Thủ đô) gồm 59 đại đội, trong đó có 3 đại đội độc lập đã hoạt động trên các tuyến đường, các tọa độ lửa suốt từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - đường 9 Nam Lào.

Bước chân họ đã trải dài khắp các nẻo đường đất nước, bàn tay xẻ đá, phá bom, san đường, vận tải hàng hóa, dẫn đường xe qua... Mồ hôi và máu của họ thấm vào từng thớ đất quê hương, tuổi xuân gửi lại trên các cánh rừng, cung đường. Kết thúc chiến tranh, 382 người đã hy sinh, trong đó 283 người được công nhận liệt sỹ, 4.505 người là thương binh, 4 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Từng là một cựu TNXP chống Mỹ, cô Nguyễn Thị Bích Hường (thứ 2 bên trái sáng) (Cẩm Xuyên) đã trở thành Tiến sĩ Kinh tế Trường Đại học Thương Mại (Hà Nội). Ảnh: Thiên Vỹ

Thắp lửa thời bình

Đi qua chiến tranh, với tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả, Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh đã chăm lo tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Bà Lương Thị Tuệ - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh cho biết: “Các cấp hội thực hiện vai trò, chức năng nhân chứng lịch sử, đề xuất với Đảng và Nhà nước giải quyết tồn đọng chính sách của TNXP.

Tổ chức tốt phong trào thi đua cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 420 mô hình kinh tế của TNXP có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm và 35 mô hình được công nhận vườn mẫu”.

TNXP Hà Tĩnh: Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”

Trong suốt 16 năm kể từ ngày thành lập Hội Cựu TNXP (2004), với vai trò của mình bà Lương Thị Tuệ - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh luôn đi tìm đồng đội kêu gọi chia sẻ và tham gia nhiều cuộc nói chuyện truyền thống về Hội với các bạn trẻ. Ảnh: Thiên Vỹ

Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” đã huy động được 4,375 tỷ đồng, giúp tu sửa, nâng cấp, làm mới 1.087 nhà tình nghĩa với tổng số tiền 54,587 tỷ đồng và tặng 1.580 sổ tiết kiệm với số tiền 3,352 tỷ đồng, tặng 8.687 suất quà tổng số tiền 4,578 tỷ đồng, xóa được 622/833 hộ nghèo và cận nghèo.

Hội đã quyên góp và xây dựng miếu thờ ghi danh 23 liệt sỹ TNXP C555 - N55 - P18 tại xã Phú Lộc (Can Lộc); phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ghi nhận thành tích đó, liên tục từ năm 2007 đến nay, Trung ương Hội đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho lực lượng TNXP Hà Tĩnh thời kỳ chống Mỹ.

Tiếp nối truyền thống của cha anh, tuổi trẻ Hà Tĩnh hôm nay đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Nhiều thanh niên đã tình nguyện đi xây dựng khu kinh tế mới, làng thanh niên lập nghiệp, xung kích xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, giúp dân gặt lúa, làm đường...

Nhiều ông chủ trang trại trẻ, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trẻ, nhiều cán bộ xã, thôn, tổ dân phố là thanh niên đã cho thấy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng. Phong trào tình nguyện đã được khơi dậy, phát triển rộng khắp, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia.

Đặc biệt, những ngày tháng 7 này, thế hệ trẻ Hà Tĩnh đang hướng về các địa chỉ đỏ để thấm thía thêm những đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, từ đó có thêm động lực, niềm tin dựng xây cuộc sống mới.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.