Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

(Baohatinh.vn) - Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác sản xuất lưới cá Thụ Hiên và mô hình vườn mẫu của vợ chồng anh Nguyễn Duy Thụ ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khó khăn ở địa phương.

Khoảng những năm 1980, anh Nguyễn Duy Thụ (SN 1970) theo bố mẹ từ vùng đất Hà Tây (nay Thường Tín - Hà Nội) về thôn 4, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) định cư lập nghiệp. Lúc ấy, gia đình anh Thụ chủ yếu làm nghề sản xuất gạch và đan lưới cá.

Năm 1989, anh Thụ tham gia quân ngũ, đến năm 1993 thì trở về địa phương sinh sống. Anh kết hôn cùng chị Võ Thị Hiên (SN 1983) - một người con gái trong vùng vào năm 2001 và sau đó sinh được 2 người con. Từ đó đến nay, vợ chồng anh sinh sống bằng nghề đan lưới và sản xuất nông nghiệp.

“Bố tôi là người Hà Tây (cũ) và mẹ là người Nghi Xuân. Từ nhỏ, tôi đã theo bố học nghề đan lưới - một nghề truyền thống của người dân ở quê nội. Thấy nhu cầu nhiều mà người sản xuất thì ít nên ngoài làm ruộng, vợ chồng tôi phát triển nghề đan lưới của gia đình. Để mở rộng sản xuất, năm 2021, qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện và chính quyền địa phương, gia đình tôi thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác (THT) lưới cá Thụ Hiên với 11 công nhân lao động thường xuyên” - anh Nguyễn Duy Thụ cho hay.

Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

Vợ chồng anh Thụ phát triển kinh tế từ nghề đan lưới truyền thống của gia đình.

Để sản xuất lưới, gia đình anh Thụ nhập nguyên liệu từ Hà Nội và các nước Thái Lan, Trung Quốc. Lưới được đan theo công nghệ nước ngoài. Nhờ chất lượng tốt, đa dạng kiểu mẫu nên lưới của THT được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng.

Chị Võ Thị Hiên chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, THT Thụ Hiên đan được khoảng hơn 6.000 tấm lưới các loại. Lưới thành phẩm chủ yếu được bán ở Nghệ An, Hà Tĩnh và sang Lào với giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/tấm. Đối với những loại chuyên đánh bắt cá vùng biển khơi thì lên tới vài chục triệu đồng mỗi tấm. Sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu về khoảng trên 300 triệu đồng/năm từ nghề này”.

Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

THT lưới cá Thụ Hiên thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng/năm.

Điều đặc biệt, THT đã giải quyết việc làm cho 11 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn, công nhân của THT là những người thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Các công nhân thường đến làm việc tại gia đình anh Thụ hoặc nhận mang về nhà làm để tranh thủ thời gian. Nhiều năm nay, THT là “mái nhà” giúp đỡ nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

THT lưới cá Thụ Hiên đang tạo việc làm cho 11 lao động khó khăn tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Giang - Công nhân THT Thụ Hiên bày tỏ: “Tôi thuộc diện hộ nghèo, một mình nuôi con bị bệnh. May mắn, được làm việc trong THT đã giúp tôi có công việc, thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Trong cuộc sống, anh chị Thụ Hiên thường quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ những người lao động khó khăn nên chúng tôi cũng yên tâm làm việc”.

Không chỉ phát triển nghề đan lưới, nhận thấy đất vườn đồi rộng, từ năm 2016, vợ chồng anh Thụ đã mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, xây dựng vườn mẫu để phát triển kinh tế.

Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

Diện tích vườn 6.000m2 của anh chị Thụ Hiên được trồng nhiều loại cây ăn quả giá trị cao.

Chị Võ Thị Hiên chia sẻ: “Năm 2016, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền xây dựng vườn mẫu, gia đình đã đào hết những gốc chanh cho thu nhập thấp; quyết tâm quy hoạch lại vườn, lắp hệ thống tưới nước, đưa các giống cây phù hợp với đất ven đồi với số tiền đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng”.

Sau khi quy hoạch, khu vườn với diện tích 6.000m2 của anh chị được trồng nhiều loại cây ăn quả giá trị cao. Hiện, vườn nhà anh Thụ có 150 gốc bưởi các loại như: bưởi da xanh, bưởi ruột đỏ, bưởi luận văn, bưởi hoàng trạch; 100 gốc mít cùng nhiều loại cây trồng khác. Cùng đó, anh chị còn kết hợp chăn nuôi thêm gà, trâu bò để lấy phân bón phục vụ sản xuất.

Tổ hợp tác sản xuất lưới cá ở Nghi Xuân tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Thụ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhờ được chăm sóc bài bản, cây cối trong vườn anh Thụ phát triển tốt, từ năm 2020 tới nay cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm nông sản của gia đình được thương lái từ Vinh (Nghệ An) đến mua tận vườn. Cũng trong năm 2020, khu vườn của anh chị đạt giải A tại Cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của huyện.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều nông dân điển hình mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế. Trong quá trình đó, Hội Nông dân huyện luôn đồng hành, hỗ trợ hướng dẫn người dân các công tác liên quan quy hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hấp thụ chính sách hỗ trợ… Mô hình vườn mẫu và Tổ hội nông dân nghề nghiệp, THT sản xuất lưới cá Hiên Thụ là một trong những mô hình tiêu biểu đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương và giải quyết cho nhiều lao động khó khăn trên địa bàn

Ông Nguyễn Hồng Khoan
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.