Tốt nghiệp đại học và thành thạo 3 ngoại ngữ, người đàn ông vẫn “dính” án ma túy

(Baohatinh.vn) - Tốt nghiệp đại học, thành thạo tới 3 ngoại ngữ, nhưng lúc lâm vào nợ nần, Trần Ngọc Nam (SN 1984, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại trở thành kẻ vận chuyển ma túy, để rồi đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt tử hình...

Trần Ngọc Nam tại phiên xét xử vào ngày 10/8/2021 tại TAND tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 11/1/2021, Trần Ngọc Nam nhận được cuộc gọi từ một người Lào đã quen từ trước, đề nghị Nam vận chuyển ma túy từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) ra Hải Phòng để lấy 200 triệu đồng tiền công. Sau một ngày suy nghĩ, Nam đồng ý với lời đề nghị trên.

Trưa 13/1/2021, Nam điều khiển xe ô tô lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để đến nơi lấy hàng (gồm 2.805g Methamphetamine và 6.140g Ketamine) theo hướng dẫn của kẻ xấu. Đến 19h20’ cùng ngày, khi đang điều khiển ô tô trên quốc lộ 8A (đoạn qua thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) thì Nam bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép 2.805g Methamphetamine và 6.140g Ketamine.

Thông thường, những bị cáo phạm tội buôn bán, vận chuyển ma túy bị đưa ra xét xử nếu không là kẻ liều lĩnh, bất chấp thì cũng là người nhận thức pháp luật hạn chế, bị kẻ xấu lợi dụng trở thành chân rết. Thế nhưng, vẻ điềm đạm, cách giao tiếp nhẹ nhàng, lễ phép của Trần Ngọc Nam trong phiên xét xử mới đây tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh lại khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao bị cáo lại chấp nhận liều mình lao vào “cái chết trắng”?

Trần Ngọc Nam thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội.

Ít ai biết, Trần Ngọc Nam thông thạo đến 3 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga. Với lợi thế đó, sau khi tốt nghiệp đại học, Nam từng có cơ hội đặt chân đến rất nhiều quốc gia trên thế giới và lựa chọn Cộng hòa Ukraina là nơi phát triển cho tương lai.

Trong quá trình định cư tại đất nước này, Nam lập gia đình và lần lượt có 2 con vào các năm: 2014, 2016. Tuy vậy, tổ ấm của cặp vợ chồng trẻ dần xuất hiện những vết rạn. Và rồi, khi hôn nhân đổ vỡ, Nam trở về Việt Nam lựa chọn hướng đi cho bản thân, còn các con của Nam sống cùng mẹ tại Cộng hòa Ukraina.

Về Việt Nam, Nam quyết định dốc một số tiền lớn để đầu tư nhà máy điện tại Thái Bình. Song, những tính toán, dự định của Nam đã tan thành mây khói khi dự án này hoạt động không hiệu quả. Từng ôm số tiền lớn trở về Việt Nam nuôi mộng trở thành ông chủ, trong phút chốc, Trần Ngọc Nam trở thành tay trắng. Trong khi đó, số tiền nợ đang lãi mẹ đẻ lãi con hằng ngày. Và rồi, khi lâm vào đường cùng, Trần Ngọc Nam đã không giữ được bản lĩnh, sự sáng suốt vốn có. Nam tìm mọi cách kiếm tiền và sa vào vòng lao lý.

“Vận chuyển trái phép 2.805g Methamphetamine và 6.140g Ketamine, hành vi đó thể hiện sự coi thường pháp luật. Ma túy gây tác hại đến sức khỏe, làm suy đồi đạo đức, suy thoái giống nòi, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội… Tôi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tử hình” - đại diện Viện Kiểm sát trình bày quan điểm luận tội tại phiên tòa.

Dù đã xác định sẽ chẳng có đường trở về một khi “dính” vào ma túy và luôn giữ thái độ điềm đạm, bình thản trong suốt phiên xử sơ thẩm, song, cả thân thể Trần Ngọc Nam dường như run lên trước mức án đề nghị của kiểm sát viên đối với hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên án tử hình đối với bị cáo.

Khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, trong hội trường xét xử, chẳng có bóng dáng người thân nào đến đồng hành cùng bị cáo.

Trong suy nghĩ của Nam, bị cáo đã “chuẩn bị sẵn” những mong muốn, tâm nguyện để gửi đến mọi người trong khoảnh khắc hiếm hoi trước khi trở về trại giam. Thế nhưng, do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mọi thành viên trong gia đình Nam chẳng thể đến dự phiên xử. Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Trần Ngọc Nam mức án tử hình với tội danh “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

“Em có thể nhờ mọi người gọi điện thông báo cho mẹ được không?”, Nam đề đạt nguyện vọng với luật sư. Song, sau đó dường như lo lắng cuộc gọi đường đột, bất ngờ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của đấng sinh thành, Nam thay đổi ý định “thôi, bao giờ tìm được cách nói thích hợp hơn, em sẽ thưa chuyện với mẹ, với mọi người…”.

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói