PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông nhận được rất nhiều câu hỏi của các bệnh nhân sau Covid-19 bị khó ngủ, mất ngủ, kể cả ở người lớn và trẻ em.
Có những trường hợp sau âm tính cả tháng trời, cả mẹ và con đêm nào cũng trằn trọc không ngủ được. Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến mọi người rất mệt mỏi, ảnh hưởng công việc, học tập.
Về tình trạng trằn trọc, mất ngủ sau khỏi Covid-19, PGS Dũng cho rằng, trẻ con rất nhạy cảm, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Nếu người lớn lo lắng quá nhiều khi bị Covid-19, lo lắng về tình trạng hậu Covid-19 thì đứa con cũng biết và có thể “lây” sự lo lắng của bố mẹ. Vì vậy, người lớn phải làm gương cho con để giảm bớt sự lo lắng hoặc nếu có không nên thể hiện cho con biết.
Hãy coi Covid-19 cũng như những lần trẻ ốm khác, như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp, có triệu chứng nào, dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, đừng lo lắng thái quá. Đến hơn 80% bệnh nhân Covid-19 biểu hiện nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Việc cần làm là nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất, theo dõi sức khỏe, không nên quá lo lắng.
Để giảm tình trạng trằn trọc, mất ngủ, cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng (như đi bộ buổi tối 30 phút, tắm nước ấm, rồi đi ngủ), tập thói quen đi ngủ đúng giờ, không dùng các chất kích thích như trà, cà phê và giảm bớt vào mạng xã hội bởi trong đó có rất nhiều ý kiến lo lắng dễ bị “lây” sự lo lắng của người khác. Nếu không được thì nên gặp một chuyên gia về tâm lý để được tư vấn.