Trên những vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mỗi độ tháng Tám về, lòng người Hà Tĩnh thường nghĩ đến những ngày đầu làm cách mạng của cha ông. Trong dòng hồi tưởng ấy, chúng tôi có dịp về thăm một số vùng quê cách mạng nổi tiếng năm xưa.

Thật tình cờ, khi chúng tôi trở lại Hương Sơn cũng là thời điểm huyện vừa hoàn thành việc đặt tên đường Trần Chí Tín ở thị trấn Phố Châu. Tuyến đường mang tên lão thành cách mạng Trần Chí Tín có chiều dài 0,75 km, rộng 12m, có điểm đầu là Trường Mầm non thị trấn Phố Châu (tổ dân phố 7) và điểm cuối là đường Trần Kim Xuyến (tổ dân phố 10). Đây thực sự là một duyên cớ đẹp đẽ để chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời cụ Trần Chí Tín, từ đó có thêm hiểu biết về phong trào Cách mạng tháng Tám tại Hương Sơn.

Con đường mang tên người lão thành cách mạng Trần Chí Tín được UBND thị trấn Phố Châu tổ chức đặt tên vào đầu tháng 8/2024.

Theo tư liệu lịch sử, cụ Trần Chí Tín sinh năm 1898, mất năm 1987 tại làng Tứ Mỹ (nay là thôn Đình, xã Sơn Châu). Tháng 3/1930, ông là một trong 3 người thành lập nên Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Trường Tiểu học Sơn Châu, cũng là chi bộ đầu tiên của huyện Hương Sơn.

Tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, nhận thấy thời cơ cách mạng đang đến gần, cùng với các địa phương khác trên cả nước, BCH Đảng bộ lâm thời Hương Sơn đã họp tại làng Thịnh Xá (nay thuộc xã An Hòa Thịnh) để bàn kế hoạch chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Để lãnh đạo công tác trên, BCH Huyện ủy lâm thời gồm các đồng chí: Trần Chí Tín, Trần Bình, Hồ Cường đã phân công nhau về các địa phương bắt liên lạc với các đồng chí cũ, trên cơ sở đó thành lập chi bộ, tổ chức Việt Minh.

Giữa tháng 8/1945, khi thời cơ cách mạng đã đến, đồng chí Trần Chí Tín cùng các đảng viên nòng cốt liên kết với Việt Minh liên tỉnh ở Nghệ An và lãnh đạo Nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn vào ngày 19/8/1945. Thắng lợi của phong trào đấu tranh giành chính quyền tháng Tám năm 1945 chính là nền móng vững chắc cho các phong trào đấu tranh cách mạng về sau ở Hương Sơn.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Phố Châu tích cực học tập, nỗ lực xây dựng quê hương.

Những thành quả cách mạng đó đã tô đậm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần dựng xây quê hương, đất nước của các thế hệ người dân Hương Sơn. Trong nhiều thập kỷ qua, lớp cha trước, lớp con sau, đã không ngừng ra sức học tập, lao động và cống hiến, cùng nhau đưa quê hương Hương Sơn giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực KT-XH… Trút bỏ dần tấm áo đói nghèo, lạc hậu, vùng quê biên giới ngày càng trù phú, đời sống của Nhân dân thêm khấm khá.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của huyện đạt 8,5%; thu nhập bình quân đạt 49,52 triệu đồng/người/năm (năm 2023). Đến nay, toàn huyện có 21 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Phố Châu và Tây Sơn đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2020, huyện Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM…

Đặc biệt, trên vùng đất cách mạng năm xưa - thị trấn Phố Châu, những con số cũng đang nói với chúng tôi bao điều về sự phát triển. Đó là thành quả đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2020, đó là thu nhập bình quân đạt gần 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%, đó là một diện mạo đô thị xanh - sạch - đẹp ngày càng văn minh, hiện đại…

Nhiều mô hình kinh tế của người dân Hương Sơn cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trong không khí của những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan, tự hào của lãnh đạo chính quyền cũng như người dân nơi đây. Anh Đinh Tuấn Dũng - Bí thư Đoàn thị trấn Phố Châu chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi luôn ý thức bản thân được sinh ra và lớn lên trong hòa bình là nhờ sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, ĐVTN thị trấn Phố Châu đã không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương ngày một phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục dấn thân, cống hiến để viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới”.

Niềm tự hào về truyền thống cách mạng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) cũng khiến chúng tôi háo hức hơn trong quá trình tìm hiểu về vùng đất cách mạng này. Trong các phong trào đấu tranh giành chính quyền, Kỳ Phú là một trong những địa chỉ đỏ với những tên đất, tên người được ghi tạc vào lịch sử, làm sáng ngời những trang sử của quê hương. Trong đó, người đảng viên và liệt sĩ đầu tiên (hy sinh ngày 4/5/1931) của xã Kỳ Phú - đồng chí Hoàng Đình Trọng, luôn được các thế hệ nhắc nhớ với niềm tự hào sâu sắc.

Các công trình công cộng khang trang, sạch đẹp, những đồng lúa vàng óng ngút ngàn... là hình ảnh quen thuộc của xã Kỳ Phú hôm nay.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, Đảng bộ huyện Kỳ Anh được thành lập sau đó không lâu, đưa phong trào cách mạng tại các địa phương trên địa bàn huyện Kỳ Anh diễn ra khí thế, sôi nổi. Tại xã Kỳ Phú, dưới sự “bắt mối” của đảng viên Hoàng Đình Trọng và sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, tổ chức Hội Nông dân, Đội Tự vệ đỏ của xã Kỳ Phú được thành lập, tích cực tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế.

Tháng 6/1945, Ban Việt Minh xã Kỳ Phú được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Ban Việt Minh, đội tự vệ được trang bị vũ khí, bí mật tập luyện chuẩn bị cho khởi nghĩa. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ huyện, sáng ngày 19/8/1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Án Đỗ (xã Kỳ Phú ngày nay) đã kêu gọi Nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông Nguyễn Tiến Nhung (SN 1930, thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú) nhớ lại ký ức của những ngày sục sôi khí thế cách mạng trên quê hương: “Lúc đó, tôi chỉ mới là một cậu thiếu niên 15 tuổi nhưng đã hăng hái theo cha mẹ, anh chị và người dân trong làng đến nhà lý trưởng. Sau đó, tôi theo người dân từ các ngả đường kéo lên huyện lỵ. Trên tay mỗi người cầm một lá cờ, ai nấy đều rạng rỡ nụ cười chiến thắng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Ông Nguyễn Tiến Nhung không thể nào quên ký ức của những ngày sục sôi khí thế cách mạng.

Khí thế, niềm tự hào của mùa thu Cách mạng năm 1945 cùng với sự đóng góp, hy sinh các thế hệ người dân Kỳ Phú trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước luôn là ngọn gió mát lành từ lịch sử, thổi vào ý chí, trách nhiệm của các thế hệ người dân nơi đây; trở thành động lực để chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng, kiến thiết quê hương trong thời đại mới.

Ông Dương Thế Ngại - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Phú cho biết: “Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, xã Kỳ Phú đã cán đích NTM nâng cao năm 2022. Diện mạo quê hương ngày một khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 5% năm 2016 xuống còn 1,05% năm 2023. Xã Kỳ Phú đang trở thành một hình mẫu trong xây dựng NTM ở huyện Kỳ Anh. Đây là kết tinh của quá trình Đảng bộ và Nhân dân đồng thuận, nỗ lực hết mình, tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương”.

Đi trên những con đường rợp bóng cờ hoa trong trời thu tháng Tám, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sức sống mới, diện mạo mới của mỗi vùng đất cách mạng tại Hà Tĩnh. Truyền thống quê hương, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã soi đường, dẫn lối cho lý tưởng, khát vọng, cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói