Tháng 6/2024 vừa qua, đoàn cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Tĩnh đã có chuyến khảo sát tại các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh để tìm hiểu và sưu tầm các tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Lê Hữu Trác. Chuyến đi đã sưu tầm được gần 200 tư liệu ảnh và thông tin liên quan về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông.
Chị Nguyễn Thị Nhuần – cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Từ những tư liệu sưu tầm được dịp này, chúng tôi có thêm nhiều thông tin, kiến thức về cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông gắn liền với giai đoạn từ lúc ông sinh ra ở làng Liêu Xá (huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương; nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đến lúc về quê mẹ ở làng Tình Diệm (nay là xã Quang Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Các tư liệu cho thấy mối liên hệ của Hải Thượng Lãn Ông với gia đình dòng họ Lê Hữu (Hưng Yên) qua gia phả họ tộc, hệ thống di tích, nhà thờ còn lưu lại. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã đến ngôi chùa Đồng Nhân (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), nơi cố Hòa thượng Thích Thanh Cao đã khởi phát khắc nên bộ mộc bản đồ sộ in ấn cuốn Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh của Đại danh y. Hiện, bộ mộc bản này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và được lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh”.
Được biết, chuyến đi là một trong những nỗ lực của Bảo tàng Hà Tĩnh nhằm thực hiện chuyên đề "Sưu tầm thân thế, sự nghiệp Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông". Chuyên đề phục vụ cho Triển lãm về di sản của Hải Thượng Lãn Ông tại tỉnh Hà Tĩnh và Trụ sở UNESCO (Pháp) nhân sự kiện kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào tháng 12/2024.
Dự kiến triển lãm sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính gồm: Quê hương nguồn cội (tư liệu, hình ảnh về quê nội của Hải Thượng Lãn Ông với bề dày lịch sử đã hình thành nên cốt cách và phẩm chất con người Hưng Yên; quê ngoại Hà Tĩnh với vùng đất được mệnh danh “địa linh, nhân kiệt”, linh khí hội tụ, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nhân kiệt nối nhau từ đời này sang đời khác tạo nên nguồn lực to lớn cho sự phát triển của hiện tại và mai sau…); Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, những giá trị di sản mà Lê Hữu Trác để lại cho hậu thế, những vấn đề đặt ra…); Hậu thế tri ân, tôn vinh Hải Thượng Lãn Ông và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngoài chuyến đi Hưng Yên và Bắc Ninh, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng đã triển khai một số chuyến khảo sát sưu tầm ở huyện Hương Sơn, nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời nhằm nghiên cứu hành nghề y thuật chữa bệnh cứu người và nhiều vùng quê khác ở Hà Tĩnh.
Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Cùng với thời gian, thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng các cuộc chiến tranh… nên các hiện vật, tư liệu liên quan đến Đại danh y Lê Hữu Trác hầu như rất hiếm. Do vậy, việc sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức mở rộng các kênh thông tin từ các địa phương, để tìm kiếm tư liệu và hiện vật phục vụ cho chuyên đề và triển lãm sắp tới”.
Cùng với các tư liệu, hình ảnh mới sưu tầm trong đợt này, thời gian qua, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng đã lưu giữ được một số tư liệu, hiện vật về ngành Đông y Hà Tĩnh. Ước có khoảng trên 300 tư liệu, hiện vật liên quan về thân thế sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông đang được bảo tàng kiểm kê, phân loại phục vụ cho triển lãm. Trong đó, đặc biệt có 3 mộc bản thuộc bộ mộc bản khắc in cuốn “Y Tông tâm lĩnh” là bảo vật quốc gia, đang lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh và các hiện vật quý khác về lịch sử ngành Đông y Hà Tĩnh như: dao thái thuốc, mỏ rùa, vỏ ốc đựng thang thuốc…
Các tư liệu, hiện vật liên quan góp phần làm rõ thêm cuộc đời, sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông, đời sống của người dân Hương Sơn xưa và nay. Những ảnh hưởng của văn hóa con người Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đến cuộc đời, sự nghiệp của Lê Hữu Trác. Cũng như những di sản đại danh y để lại ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, phong tục tập quán của người dân Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử…
Chúng tôi xem thực hiện chuyên đề phục vụ triển lãm tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy, từ nay đến ngày diễn ra sự kiện, Bảo tàng tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác khảo sát, điền dã để sưu tầm thêm nhiều tư liệu hiện vật khác. Qua đó, thực hiện tốt công tác triển lãm, trưng bày, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, sự cần cù, khiêm tốn, cũng như những bài học giá trị về y đức, y lý và y thuật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại cho hậu thế.