Đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế cao
HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ - Nghi Xuân) đóng gói dưa lưới xuất ra thị trường
Khởi phát từ đầu năm 2018, HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ - Nghi Xuân) đã xây dựng thành công mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đầu tiên ở Hà Tĩnh. Để “ăn chắc”, HTX đã thuê chuyên gia nông nghiệp Israel sang tư vấn, hướng dẫn. Đến thời điểm này, HTX đã có 4 nhà màng trên diện tích 5.000 m2.
Ông Lê Văn Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải cho biết: “Là loại cây “khó tính” nhưng nếu làm chủ quy trình chăm sóc sẽ thành công. Dưa lưới được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chúng tôi trồng 3 lứa/năm, sản lượng đạt từ 10 – 12 tấn/lứa. Trừ chi phí, HTX thu lãi gần nửa tỷ đồng/năm.”
Lợi nhuận kinh tế cao nên dưa lưới không chỉ là sự lựa chọn của các HTX mà nhiều hộ cá thể cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới này.
Mô hình dưa lưới của anh Nguyễn Thế Tài tại xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) ứng dụng công nghệ loT
Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN Hà Tĩnh, năm 2020, anh Nguyễn Thế Tài đầu tư 2.000 m2 nhà màng, trồng dưa lưới theo công nghệ loT tại xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên). Điểm nhấn của ứng dụng loT là thông qua cảm biến sẽ thu thập các chỉ số môi trường và gửi về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống chăm sóc đảm bảo phù hợp cho dưa. Tiếp đà thắng lợi, hiện anh Tài đang bước vào vụ sản xuất thứ 2 với 5.000 gốc dưa lưới.
Hà Tĩnh hiện có khoảng 50 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng
Theo thống kê bước đầu của Hội Nông dân Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với tổng tích trên 70.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng trên 20 tỷ đồng. Mô hình này đã khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai của địa phương vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao. Năng suất dưa lưới đạt khoảng trên 20 tấn/ha, với mức giá từ 40 – 60 ngàn đồng/kg.
Cần điều tiết mùa vụ gắn với quy hoạch sản xuất
Theo đánh giá, ngoại trừ 6 mô hình được Sở KH&CN Hà Tĩnh hỗ trợ, nhìn chung nhiều mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn thời gian qua chủ yếu theo hình thức tự phát, “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự định hướng cụ thể, khoa học từ các cơ quan chuyên môn.
Ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: “Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc đầu tư thâm canh, tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo sản phẩm giá trị, chủ mô hình cần theo dõi và nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường trong từng thời điểm cụ thể. Các cấp, ngành liên quan cần tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại hiệu quả của mô hình. Trên cơ sở đó, tư vấn, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân xây dựng mô hình đảm bảo quy chuẩn, quy trình kỹ thuật".
Nhiều mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn thời gian qua chủ yếu theo hình thức tự phát
Cũng theo ông Sâm, cơ quan chuyên môn cần có sự điều tiết mùa vụ, hướng dẫn nông dân xen vụ, gối vụ để đảm bảo thường xuyên có sản phẩm cung cấp cho thị trường, tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu. Về lâu về dài, phải tính đến chuyện liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi giá trị.
Trồng dưa lưới trong nhà màng là mô hình mới, chi phí đầu tư tương đối lớn nên hiện nay diện tích sản xuất trên địa bàn chưa đáng kể. Tuy nhiên, với hiệu quả kinh tế mà dưa lưới mang lại, dự kiến nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, tiến tới xây dựng quy hoạch tổng thể, đảm bảo các mô hình phát triển theo quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, theo phản ánh của bà con nông dân, về mùa đông, ở Hà Tĩnh có lượng nắng ít nên dưa lưới không được ngọt. Do vậy, họ mong muốn các chuyên gia tư vấn, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các biện pháp để tăng độ brix (độ ngọt) trong dưa.