Chiều 16/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã tiến hành đi kiểm tra một số điểm trồng rừng ngập mặn thuộc Dự án Trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tiến hành đi kiểm tra một số điểm trồng rừng ngập mặn thuộc Dự án Trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh.
Dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu huyện Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 30,7 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023 với tổng diện tích rừng được trồng gần 66 ha; riêng ở thị xã Kỳ Anh có 45 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác trồng rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã trực tiếp thị sát những khu vực rừng mới trồng ở xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh và nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án. Theo đó, đến thời điểm này, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân (Hà Nội) đã hoàn thành trồng hơn 14 ha rừng ngập mặn ven biển ở xã Kỳ Ninh và gần 21 ha ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà); Công ty Trồng rừng ngập mặn Hà Nội đã hoàn thành gần 14 ha ở xã Kỳ Hà; Công ty JP 38 (Hà Tĩnh) đã hoàn thành hơn 17 ha ở phường Kỳ Trinh.
Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, diện tích rừng ngập mặn của dự án ở thị xã Kỳ Anh chủ yếu được trồng cây trang và bần chua, có hàng rào chắn rác, có cọc chống đầy đủ, được trồng đảm bảo về kỹ thuật, mật độ, thẩm mỹ. Trong giai đoạn đầu (tất cả đều mới được trồng từ 2-8 tháng), rừng đã được chăm sóc cẩn thận, theo dõi sát sao, những diện tích bị hư hại do thời tiết, triều cường đã được trồng thay thế…
Rừng ngập mặn 7 tháng tuổi do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân trồng ở xã Kỳ Ninh được chăm sóc chu đáo nên đang phát triển rất tốt.
Sau khi đi thực địa tại các điểm trồng rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý các nhà thầu cũng như chủ đầu tư phải có các biện pháp chăm sóc, bảo vệ hiệu quả, đảm bảo lâu dài, thành rừng. Các địa phương, đơn vị phải tránh tư tưởng trồng cho có, trồng xong rồi không quản lý để cây bị chết, gây lãng phí ngân sách.
“Để làm tốt điều này, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm trong tất cả các khâu chăm sóc bao vệ... Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm cho chính quyền địa phương việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở Nhân dân bảo vệ rừng và có các biện pháp bảo vệ hiệu quả trước sâu bệnh, trâu bò phá hoại. Nếu khi bàn giao, rừng ngập mặn bị mất thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.