Công nhân Công ty CP Thanh Nhân trồng cây bần chua ở rừng ngập mặn xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà.
Anh Nguyễn Văn Toản ở thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) phấn khởi: “Do nhiều nguyên nhân nên rừng chắn sóng ven đê Hữu Nghèn (đoạn từ cống Đò Điệm ra biển) đã bị chết gần hết. Thiếu vành đai xanh tự nhiên che chắn nên đê điều, làng mạc, nhà cửa, lồng bè… bị uy hiếp trong các mùa mưa bão. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi thấy rừng ngập mặn được trồng lại và đang dần tái sinh”.
Anh Trần Hải, công nhân Công ty CP Thanh Nhân (huyện Thạch Hà) đang làm việc tại khu vực Hà Lầm, xã Thạch Sơn cho biết: “Dù thời tiết không thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn tích cực làm việc để kịp tiến độ và đảm bảo thời điểm xuống giống. Mấy ngày gần đây, trời mưa lạnh nhưng cứ thủy triều bắt đầu rút là chúng tôi lại xuống bãi trồng cây. Chỉ còn vài ngày nữa là chúng tôi sẽ trồng xong khu vực này”.
Tranh thủ lúc thủy triều xuống, công nhân khẩn trương làm việc để kịp tiến độ.
Dự án Trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2226/QĐ-UBND ngày 16/7/2020.
Theo đó, dự án được thực hiện trên quy mô gần 66 ha ở các vùng ngập mặn ven biển thuộc các phường, xã: Kỳ Trinh, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) và xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà). Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2023 (các năm tới chăm sóc trước khi bàn giao).
Rừng ngập mặn đươc trồng mới ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh.
Tổng kinh phí để trồng mới gần 66 ha này là trên 30,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí trồng cây hơn 25,6 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Nguồn kinh phí thực hiện thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cùng với một phần ngân sách địa phương.
Sau hơn 8 tháng triển khai, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành toàn bộ diện tích được phê duyệt. Diện tích rừng ngập mặn mới được trồng chủ yếu là cây trang và bần chua.
Khu rừng ngập mặn mới được trồng ở xã Kỳ Ninh
Ông Đào Xuân Hiên - Giám đốc quản lý Dự án tăng trưởng xanh thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: "Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã cơ bản trồng xong, cây có dấu hiệu phát triển tốt. Sắp tới, chúng tôi sẽ có các giải pháp trong việc trồng dặm, phòng trừ sâu bệnh, ngăn gia súc phá hoại... nhằm đảm bảo mật độ, tỷ lệ cây sống tốt để 4 năm sau tiến hành bàn giao. Qua đó, góp phần tạo thêm vành đai xanh đa chức năng ven biển”.