EA-18G được coi là mẫu máy bay với khả năng công thủ toàn diện khi có thể áp chế hoạt động của radar đối phương, đồng thời sử dụng ngay các tên lửa mang theo để tấn công các mục tiêu của quân địch.
Chiếc chiến đấu cơ này có khả năng sử dụng hệ thống xóa bỏ nhiễu tín hiệu INCANS, cho phép truyền thông tin bằng một kênh giao tiếp nội bộ, trong khi vẫn gây nhiễu được hệ thống liên lạc của kẻ thù, khiến cho mạng lưới phòng không và radar cảnh giới bị tê liệt.
|
Máy bay tác chiến điện tử trên hạm J-15D của Không quân Hải quân Trung Quốc |
Ưu thế mà EA-18G Growler mang lại trong các phi vụ tập kích đường không khiến cho nhiều quốc gia khác có sở hữu tàu sân bay đang phải cố gắng tìm cách chế tạo một phương tiện có tính năng tương đương.
Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay từng tham vọng sản xuất một phiên bản đặc biệt của Su-33 hoặc MiG-29K với tính năng tiệm cận EG-18G.
Thật đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc mới bắt đầu tham gia vào cuộc đua này nhưng họ tuyên bố đã nhanh chóng về đích, điều này có thể được giải thích là nhờ tiềm lực tài chính hùng hậu và hoạt động hiệu quả của mạng lưới tính báo ở nước ngoài.
|
Máy bay tác chiến điện tử trên hạm J-15D được Trung Quốc tiến hành song song với dự án J-16D |
Trong năm 2017 đã xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về hai chủng loại máy bay tác chiến điện tử đang được Trung Quốc phát triển, đó là chiếc J-16D của Không quân và J-15D dành cho tàu sân bay. Những chiếc chiến đấu cơ này đều sử dụng kết cấu buồng lái 2 chỗ ngồi nhưng điểm khác biệt của J-15D đó là nó có một cặp cánh mũi.
Sau một thời gian ngắn thực hiện các bài kiểm tra đánh giá, mới đây Hải quân Trung Quốc đã ra thông báo chiếc J-15D đã gần như hoàn thành quá trình thử nghiệm để sẵn sàng triển khai trên tàu sân bay trong tương lai.
Cùng với việc biên chế máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên hạm và nay là máy bay tác chiến điện tử, rõ ràng nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đã đạt đến trình độ gần như tương đương Hải quân Hoa Kỳ và vượt xa Ấn Độ và Nga.