Tuyển sinh đại học năm 2023 tránh đi vào “vết xe đổ”

Hiện, một số cơ sở đào tạo thông báo điểm trúng tuyển đầu vào hệ đại học chính quy bằng phương thức xét tuyển sớm.

Điều kiện cần là tốt nghiệp THPT

Tuyển sinh đại học năm 2023 tránh đi vào “vết xe đổ”

Mới đây, Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo kết quả xét tuyển sớm đợt 1 hệ đại học chính quy năm 2023; mức điểm dao động từ 18 - 25. Trường ĐH Gia Định (TPHCM) công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT là 16,5 điểm với chương trình đại trà và từ 18 điểm với chương trình tài năng. Trường ĐH Văn Lang đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) đợt 1 năm 2023. Mức điểm chuẩn trúng tuyển sớm của 61 ngành đào tạo đại học của trường dao động từ 18 - 24 điểm.

Theo quy định, kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh, kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Tán thành với quy định, không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam – nhìn nhận, quy định này tránh được những hệ lụy không đáng có, không để xảy ra tình trạng “tranh giành” thí sinh.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển sớm và trúng tuyển tại các trường phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống; TS Nguyễn Phi Long lưu ý, thời gian đăng ký từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7/2023. Thí sinh cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ để được công nhận trúng tuyển chính thức theo quy định.

Để được chắc chắn trúng tuyển vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, TS Nguyễn Phi Long lưu ý, thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển phải đăng ký nguyện vọng 1 trên Hệ thống với các thông tin như: Đã đủ điều kiện trúng tuyển mà Học viện thông báo. Nếu không thực hiện việc đăng ký và sắp xếp nguyện vọng, đồng nghĩa với việc thí sinh từ chối kết quả trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm. Học viện không giải quyết khiếu nại về sau.

“Chỉ có các thí sinh tốt nghiệp THPT và thực hiện đầy đủ việc xác nhận nhập học trong thời gian quy định mới được nhận Giấy báo trúng tuyển của Học viện” - TS Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Tuyển sinh đại học năm 2023 tránh đi vào “vết xe đổ”

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TG

“Tuýt còi” với những trường vi phạm

Nhắc lại những mùa tuyển sinh trước, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - viện dẫn, có tình trạng thí sinh chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã nhận được giấy báo trúng tuyển của một số cơ sở giáo dục đại học. Việc này dẫn đến sự mất công bằng cho thí sinh và các trường đại học, thậm chí gây “rối loạn” trong công tác tuyển sinh. Vô hình trung làm cho thí sinh phân tâm, lo lắng, trong khi lẽ ra các em đang tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Trước thực trạng trên, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT là hợp tình, hợp lý. Qua đó nhằm bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra bài bản, khoa học” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nhìn nhận, điều kiện cần tức là thí sinh phải tốt nghiệp THPT thì cơ sở giáo dục đại học mới được đưa ra điều kiện đủ là xét tuyển. Do đó, nếu thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT, tức là thiếu điều kiện cần. Do đó, nếu các cơ sở đào tạo đưa ra điều kiện đủ là vi phạm quy định và có thể bị xử lý.

“Do đó, tuyển sinh năm nay, các trường đại học cần lưu tâm để không đi vào “vết xe đổ” của một số cơ sở đào tạo trong những mùa tuyển sinh trước” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cho rằng, nếu các trường thông báo thí sinh trúng tuyển hay gọi nhập học đại học trước khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT là đi ngược với logic; PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy, chẳng hạn như: Học sinh ngộ nhận về thành tích của mình. Khi đó các em cảm thấy không cần phải cố gắng trong học tập, rèn luyện mà vẫn trúng tuyển đại học. Với những trường nghiêm chỉnh thực hiện quy chế sẽ cảm thấy bị thiệt thòi.

Về nguyên tắc, phải tốt nghiệp bậc học thấp hơn mới đủ điều kiện học bậc học cao hơn, do đó GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, nếu cơ sở giáo dục đại học đi ngược nguyên tắc này thì Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể “tuýt còi” vì đã vi phạm quy chế tuyển sinh. Năm nào Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn về công tác tuyển sinh và nhắc nhở các trường tuân thủ quy định, nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Vì vậy, nếu các trường cố tình vi phạm thì cần có chế tài xử lý nghiêm minh.

Theo hướng về công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành cao đẳng giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ GD&ĐT, với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT, từ ngày 5/7/2023 đến 17 giờ ngày 15/8/2023, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống (những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển (NVXT) tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng/giám đốc CSĐT cho phép không nhập học).

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khỏe, không đảm bảo yêu cầu về lý lịch để học tập. Các cơ sở đào tạo không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi các em chưa tốt nghiệp THPT.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký NVXT trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác để các CSĐT xét tuyển. Nếu trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học theo lịch chung. Trước 17 giờ ngày 6/9/2023, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Theo GD&TĐ

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.