Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn vừa thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành Công văn số 2972/UBND-NL4 ngày 17/5/2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. |
Hà Tĩnh hiện có 360.043 ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Ảnh P.V
Hiện nay, thời tiết Hà Tĩnh đang bước vào mùa nắng nóng; theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng (trong tháng 5 và tháng 6 có thể xảy ra từ 4 - 5 đợt nắng nóng), nguy cơ cháy rừng, cháy lớn rất dễ xảy ra trên tất cả các loại rừng. Để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn; đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 568/CĐ-TCLN-KL ngày 11/5/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc PCCCR, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các chủ rừng tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; thông báo cấp cảnh báo cháy rừng liên tục hằng ngày và các hành vi nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong và ven rừng (xử lý thực bì bằng lửa, đốt ong, đốt hương khu vực nghĩa trang, đốt bờ ruộng...) trong thời gian cao điểm nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV - V, để mọi người dân biết, phòng ngừa.
Chỉ đạo UBND các xã, các chủ rừng trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát kỹ phương án PCCCR năm 2021, phát hiện, bổ cứu kịp thời các tồn tại, đảm bảo phương án sát đúng với tình hình thực tế, có tính khả thi cao; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc chế độ trực cháy 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện PCCCR của các địa phương, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Khi có cháy rừng xảy ra, phải chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
2. Đối với các chủ rừng: Chủ động kiểm tra, rà soát lại phương án PCCCR năm 2021 đã xây dựng, bổ cứu kịp thời các tồn tại, đảm bảo sát đúng với thực tế, có tính khả thi cao; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, tu sửa các công trình PCCCR, xử lý thực bì,... đảm bảo sẵn sàng đưa vào sử dụng có hiệu quả; bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ phát hiện sớm lửa rừng và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng; chủ động “4 tại chỗ”, sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời, không để cháy lan ra diện rộng.
Mùa nắng nóng, Hà Tĩnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. (Trong ảnh: vụ cháy rừng tại núi Cao Vọng - TX Kỳ Anh vào tháng 7/2020). Ảnh Thu Trang
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR đến mọi người dân sống trong và gần rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với các hộ nhận khoán. Nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V).
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cháy rừng theo quy định. Khi có cháy rừng xẩy ra, phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các địa bàn trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng hằng ngày để phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp IV và cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng và điểm cháy trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng, tiếp nhận thông tin về tình hình cháy rừng từ các địa phương, đơn vị chủ rừng để chỉ đạo, xử lý và tham mưu xử lý kịp thời.
Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương, đơn vị; xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Chòi canh lửa phát huy tác dụng trong việc phát hiện các điểm phát lửa. Ảnh Trọng Tuệ
4. Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng theo Phương án số 163/PA-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh: Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR; kịp thời đưa tin cảnh báo, cấp dự báo cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng để người dân biết, chủ động, phòng ngừa.
Yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc.