Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

(Baohatinh.vn) - Mùa nắng nóng năm nay dù được dự báo số đợt và cường độ không khắc nghiệt như những năm trước, nhưng nguy cơ cháy rừng ở Hà Tĩnh vẫn ở mức cao.

Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên Báo Hà Tĩnh về những nội dung này.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn: “Phương châm phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời”.

PV: Thưa ông! Mùa nắng nóng đang đến, xin ông cho biết nhận định của mình về nguy cơ cháy rừng tại Hà Tĩnh?

Ông Hoàng Quốc Huấn: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, tuy nhiên, Hà Tĩnh đang bước vào mùa nắng nóng nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, năm 2021 sẽ có khoảng 8-9 đợt nắng nóng, số đợt nắng nóng ít hơn và cũng không khắc nghiệt như năm 2020, tuy nhiên, thời tiết diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Mùa nắng nóng, Hà Tĩnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. (Trong ảnh: vụ cháy rừng tại núi Cao Vọng - TX Kỳ Anh vào tháng 7/2020, ảnh Thu Trang)

Bên cạnh đó, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn tỉnh lớn (trên 110 ngàn ha), chủ yếu với các loài cây trồng như: thông, keo, bạch đàn, rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa - gỗ; ràng ràng, cỏ tranh, lau lách… rất dày, rậm rạp. Khi thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài thì những diện tích rừng này rất dễ bắt lửa và gây cháy lớn.

Mặt khác, hệ thống các công trình phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) như đường băng cản lửa, xử lý thực bì; dụng cụ, thiết bị chưa được các địa phương, chủ rừng đầu tư đảm bảo quy định; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế khi tự ý xử lý thực bì bằng lửa, đốt ong, đốt bờ ruộng, vườn… trong thời gian cao điểm nắng nóng nên tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra các vụ cháy rừng lớn.

PV: Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã chuẩn bị như thế nào để phòng chống, hạn chế nguy cơ cháy rừng, thưa ông?

Ông Hoàng Quốc Huấn: PCCCR được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Với phương châm lấy công tác phòng ngừa là chính, chữa cháy rừng phải kịp thời, hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm đã xác định rõ trách nhiệm được giao, chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025 chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Lực lượng kiểm lâm trang bị phương tiện, dụng cụ để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy.

Theo đó, rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn phụ trách; chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát khu vực rừng trọng điểm dễ cháy để có kế hoạch xây dựng, tu sửa hệ thống công trình PCCCR đảm bảo đúng quy định và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR trong cộng đồng dân cư.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Tạo đường băng cản lửa, góp phần hạn chế hậu quả cháy rừng. (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, xây dựng, kiện toàn tổ, đội xung kích chữa cháy rừng để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; lắp đặt hệ thống camera giám sát lửa rừng tại một số địa phương; bố trí lực lượng luân phiên thực hiện tốt công tác trực để phát hiện sớm lửa rừng tại các điểm lắp đặt camera, chòi canh lửa…; lập các chốt kiểm soát người ra vào rừng tại các cửa rừng; chỉ đạo các địa phương, chủ rừng trang bị đầy đủ công cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.

Trong thời gian cao điểm nắng nóng, các cấp, ngành liên quan cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương, đơn vị; giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, xử lý thực bì. Nghiêm cấm việc xử lý thực bì vào những ngày nắng nóng khi dự báo cháy rừng ở cấp IV - V.

P.V: Ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống cháy rừng, vậy công tác tuyên truyền đang được ngành chức năng triển khai như thế nào?

Ông Hoàng Quốc Huấn: Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện thường xuyên, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Ông Hoàng Ngọc Huấn trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hà Tĩnh.

Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho các tầng lớp Nhân dân. Thời gian cao điểm nắng nóng, các địa phương, đơn vị sẽ thường xuyên thông tin, cảnh báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, phòng ngừa.

Hà Tĩnh sẵn sàng các phương án phòng ngừa nguy cơ cháy rừng

Tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan truyền thông, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCCCR, các nội dung quy định về bảo vệ rừng - PCCCR; kịp thời nêu gương điển hình trong công tác bảo vệ rừng - PCCCR, lên án các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Chủ đề Cháy rừng ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.