UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin thiệt hại bước đầu, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo báo cáo bước đầu, mưa lũ đã làm 5 người chết; 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 3m; một số địa phương học sinh chưa thể đến trường học tập...

Mưa lũ còn khiến hàng ngàn ha diện tích lúa hè thu, rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy hải bị ngập và nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... bị thiệt hại nặng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra tình hình, chỉ đạo phòng chống lũ lụt ở xã Phương Mỹ (tại Hương Khê)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối vùng áp thấp suy yếu từ áp thấp nhiệt đới gây ra, liên tục mấy ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa đo được từ ngày 1/9/2019 đến ngày 5/9/2019 đạt từ 800mm đến 900mm, cá biệt như Trạm Thủy văn Hương Trạch (Hương Khê) 1.127mm. Mực nước lũ tại trạm Chu Lễ đạt đỉnh lũ 14,44m (trên báo động 3 là 0,94m).

Để khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân, ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ đảm bảo ổn định cuộc sống sinh hoạt sau lũ; tuyệt đối không để một người dân nào thiếu lương thực, nước uống.

Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch sinh hoạt; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát, lây lan sau lũ xảy ra.

Tập trung chỉ đạo, túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn như: cống Đò Điệm, Trung Lương, Đức Xá, Đò Bang, Hoàng Hà, Tây Yên, VoọcSim, Cầu Sú,... để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa hè thu, hoa màu chưa thu hoạch.

Trân lũ vừa qua khiến 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực giúp dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu còn lại và các loại cây ăn quả, nông sản khác.

Hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà bị hỏng, các trường học, trạm xá, công sở để từng bước trở lại ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất.

Tổ chức đánh giá thiệt hại về tài sản, kết cấu hạ tầng và sản xuất bị thiệt hại do mưa, lũ. Tập trung khắc phục bước đầu các công trình phục vụ sản xuất, như kênh mương, các công trình thủy lợi để lấy nước tưới; rà soát, bổ cứu Đề án sản xuất vụ Đông phù hợp với từng địa phương, đặc biệt phải chuẩn bị đủ các loại giống, vật tư, phân bón để sản xuất.

Huy động lực lượng, phân công cán bộ xuống từng xã, từng thôn, bám sát địa bàn để giúp đỡ nhân dân khắc phục sau mưa, lũ; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch điều động hỗ trợ.

Mưa lũ đã làm 5 người chết

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền huy động cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân nhanh chóng khôi phục các công trình hư hỏng nặng, thu hoạch lúa hè thu theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Công điện số 1750/CĐ-TU ngày 4/9/2019.

Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế cử cán bộ xuống tận thôn, xóm trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân; khắc phục ngay các cơ sở khám chữa bệnh bị hư hỏng; có kế hoạch, phương án tiếp nhận, cung cấp đầy đủ cơ số thuốc và dụng cụ y tế, không để xảy ra dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Sở Tài nguyên và Môi trường cử cán bộ xuống tận cơ sở để giúp các địa phương bị ngập lụt có các biện pháp xử lý môi trường, chuẩn bị đủ hóa chất để tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường, đặc biệt là bảo đảm nước sạch cho dân ăn, uống, sinh hoạt.

Sở Giao thông Vận tải khẩn trương có phương án khắc phục hư hỏng các tuyến đường giao thông, cầu, cống trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo yêu cầu đi lại, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Cán bộ, chiến sỹ BĐBP Hà Tĩnh giúp sắp xếp, thiết bị, đồ dùng dạy học tại Trường Mầm non Hương Đô (Hương Khê). Ảnh: Minh Toàn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn công tác xuống giúp các địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại về nông nghiệp, công trình thủy lợi, thủy sản, nước sạch nông thôn và có các biện pháp khắc phục kịp thời;

Tăng cường công tác kiểm tra, đề phòng dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng, vật nuôi; tổ chức tiêm phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm sau lũ;

Có các giải pháp giúp các địa phương khắc phục ao đầm bị hư hỏng, kế hoạch cung ứng giống cho nhân dân, chuẩn bị phương án cho vụ nuôi trồng sắp tới, chỉ đạo đôn đốc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.

Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và phối hợp với các địa phương có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời các trường học bị hư hỏng, có kế hoạch hỗ trợ về sách vở, thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh vùng bị thiệt hại.

Người dân vùng lũ Hà Tĩnh đang tích cực dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, thống nhất phương án khắc phục, sửa chữa các công trình bị hư hỏng đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định; cân đối kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Sở Công Thương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả các cơ sở công nghiệp, có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, hàng hóa... để cung ứng cho nhân dân vùng lũ; kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng nhân dân bị ép giá và thiếu hàng hóa.

Các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp với các địa phương để khắc phục hậu quả bão lụt bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả; chủ động làm việc với các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực nhằm giúp tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ, lụt. Đồng thời chủ động các phương án sẵn sàng đối phó với diễn biến của tình hình thời tiết trong thời gian sắp tới.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành cần tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc phòng, chống của đợt mưa, lũ vừa qua để bổ sung phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt những năm tiếp theo.

Đề nghị các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN của tỉnh trực tiếp xuống tận cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả sau lũ nhằm sớm ổn định đ i sống, sản xuất và dân sinh.

Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả lũ, lụt.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Chủ đề Lũ lụt Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói