Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy vậy, niềm mong mỏi về một không gian để hoạt động vẫn mãi chưa thành hiện thực.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Đến thăm Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh (Nhà hát) sau những ngày dịch COVID-19 tạm lắng, tôi cảm nhận được không khí hào hứng, sôi nổi của các nghệ sỹ tại đây. Họ đang tập luyện tác phẩm “Về khóc Tố Như” dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Chương trình sử dụng đậm đặc chất liệu ví, giặm.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

Với sự đầu tư về kịch bản, đạo diễn cũng như phục trang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã và đang tìm lại được vầng hào quang trên sân khấu biểu diễn.

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Đặng Duy Hải - Quyền Giám đốc Nhà hát, người có nhiều trăn trở với kịch hát dân ca chia sẻ: “Năm 2019, được sự chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, chúng tôi công diễn vở “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (kịch bản Vũ Hải; đạo diễn Vũ Hải, Tạ Dương) được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, được 20 cơ quan, đơn vị, địa phương mời lưu diễn. Năm 2020, chúng tôi cũng đã hoàn thiện màn sử thi “Trần Phú” (kịch bản An Ninh, đạo diễn NSƯT Duy Hải) và kịch dân ca “Quê tôi vượt qua mùa bão” (kịch bản Vũ Hải, đạo diễn Tạ Dương) về đề tài nông thôn mới. Tiếc là cả màn sử thi và vở kịch này vừa hoàn thành thì dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể lên sân khấu”.

Còn nhớ những năm Hà Tĩnh diễn ra các sự kiện văn hóa lớn như: đón nhận bằng của UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (2015), kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (2018), Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hằng năm và chào mừng nhiều sự kiện chính trị khác, Nhà hát đã cống hiến cho khán giả nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Tĩnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

Vượt qua khó khăn, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống vẫn giữ cho mình ngọn lửa nghề, say sưa với những vở diễn, chương trình đậm chất dân ca.

Vượt qua khó khăn của cuộc sống thường nhật, những thiếu thốn về cơ sở vật chất của một nhà hát non trẻ, trong khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của giới trẻ có nhiều thay đổi, cán bộ, diễn viên ở đây vẫn giữ cho mình ngọn lửa nghề, miệt mài, say sưa với những vở diễn, chương trình đậm chất dân ca.

Bên cạnh lứa nghệ sỹ “gạo cội” như Duy Hải, Ngọc Cẩm, Trang Hòa, Quang Hưng, Hữu Thế, Thanh Mai, Phong Cảnh… là các nghệ sỹ trẻ say sưa với nghề như Phương Thảo, Công Hoàn, Hoài Thu, Tố Uyên, Văn Hiếu... Họ không là những “sao” nổi tiếng cả nước nhưng luôn lấp lánh một tình yêu với sân khấu nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và không để nguội tắt ngọn lửa đam mê dù điều kiện khó khăn.

Ao ước có “nhà” để “hát”, có chỗ tập luyện

Tháng 11/2012, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống được chính thức thành lập từ Quyết định 3449/QĐ-UBND ngày 22/11/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở kiện toàn Đoàn ca - múa - kịch Hà Tĩnh. Từ đó đến nay đã 9 năm, vẫn ngôi nhà 3 tầng cũ kỹ vừa là khu hành chính, vừa là khu tập luyện của diễn viên. Phòng “Đội Ca”, “Đội Nhạc” vẫn là 15 m2, chỉ đủ kê hai dãy ghế, diễn viên, nhạc công ngồi sát nhau, đi lại khó khăn. “Đội Múa” vẫn phải sử dụng hội trường của Nhà hát để tập luyện.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

9 năm sau ngày thành lập, cơ sở vật chất của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống vẫn là ngôi nhà 3 tầng cũ kỹ vừa là khu hành chính, vừa là khu tập luyện của diễn viên.

Hội trường tuy cũ kỹ, chưa đáp ứng công năng phòng tập nhưng xem ra còn tàm tạm. Trái ngược với khung cảnh chật hẹp của các phòng tập là khu đất trống gần 1.500 m2 thuộc phạm vi quản lý của Nhà hát để hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm.

“Năm 2019, Nhà hát và Sở VH-TT&DL có làm văn bản đề xuất xây dựng phòng tập tách riêng khỏi hội trường và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi chỉ ao ước có “nhà” để “hát” và có nhà tập luyện cho nghệ sỹ” - NSƯT Đặng Duy Hải chia sẻ thêm.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

Những khó khăn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà hát.

Trao đổi vấn đề này với ông Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, được biết: “Sở đã có văn bản xin được quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà hát nhưng chưa được chấp thuận”.

Sẽ rất khập khiễng nếu so sánh Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh với những nhà hát tên tuổi và tầm cỡ trong cả nước như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát TP Hồ Chí Minh... nhưng chỉ nhìn sang tỉnh bạn thôi, Nhà hát Dân ca Nghệ An được xây dựng từ lâu với sân khấu, các phòng chức năng, hệ thống ghế ngồi cho khán giả và là nơi nhiều vở kịch được dàn dựng công phu, góp phần tích cực bảo tồn di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Trăn trở nguồn nhân lực

Cơ sở vật chất thì như vậy, đội ngũ nhân lực cũng là nỗi trăn trở lớn của người đứng đầu Nhà hát. Khi thành lập Nhà hát có 45 định biên, nhưng nay số xin nghỉ, số nghỉ hưu, hiện chỉ còn 38 cán bộ, diễn viên, trong đó có 8 người đã nhiều tuổi, rất khó bố trí công việc phù hợp. Nhân lực già nhưng lại không có nguồn đào tạo, số thay thế không nhiều.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và nỗi trăn trở... bao giờ có “nhà” để “hát”?

Nhân lực cũng là vấn đề trăn trở của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.

Tất cả những chương trình lớn, Nhà hát phải hợp đồng người ở bên ngoài, phần lớn từ Nghệ An. Nhìn về nguồn nhân lực tương lai, Trường Cao đẳng Nguyễn Du không có khoa đào tạo hát dân ca Nghệ Tĩnh như ở Nghệ An và số sinh viên học ở đây cũng rất ít ỏi để có thể hợp đồng.

Khó khăn nữa là phần lớn cán bộ, diễn viên mức lương đều thấp và phụ cấp nghề không cao so với lao động nghệ thuật của họ. Điều băn khoăn nhất của tôi khi làm việc với lãnh đạo Nhà hát là mức lương của NSƯT Ngọc Cẩm - Phó Giám đốc Nhà hát. Tốt nghiệp Khoa Biên đạo, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội đã 9 năm, hiện nay, Ngọc Cẩm vẫn ăn lương diễn viên hạng 4 (hệ số 3,86).

Làm việc với Sở VH-TT&DL, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL cho biết: Muốn được thăng hạng thì phải có đề án vị trí việc làm của từng đơn vị. Sở sẽ căn cứ đó làm đề án trình Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu. Sau khi được phê duyệt, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức xét hoặc thi nâng hạng. Hiện nay, sở vẫn đang chờ hướng dẫn mới nhất của Bộ VH-TT&DL để chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm.

Kết thúc bài báo này, tôi xin dẫn lại lời đề xuất của Quyền Giám đốc Nhà hát - NSƯT Đặng Duy Hải: “Hai vấn đề cấp thiết nhất hiện nay mà chúng tôi mong mỏi là có “nhà” để “hát”, có chỗ tập luyện và quan tâm đến đội ngũ diễn viên, trong đó bao gồm đời sống và nguồn nhân lực được đào tạo, thay thế để chúng tôi có thể bảo tồn tốt hơn nghệ thuật truyền thống, nhất là dân ca ví, giặm - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast