Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình làng vẫn mãi là nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình làng Đôn Mỹ là nơi chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của địa phương.

Tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất của làng, đình làng Đôn Mỹ ở thôn 3 (xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn) không chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương mà còn là “chứng nhân” của bao thăng trầm lịch sử dân tộc.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Trà, đình làng Đôn Mỹ được hoàn thành vào năm 1896 - đời vua Thành Thái thứ 8. Đầu năm 1930, tổ chức Tự vệ đỏ (36 hội viên) và Nông hội đỏ (60 hội viên) được thành lập và hoạt động tại nơi đây. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đình làng Đôn Mỹ vừa là trụ sở làm việc của ủy ban cách mạng, vừa là nơi mở các lớp bình dân học vụ.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, đình là nơi chứng kiến, tiễn đưa 581 người con của làng gia nhập quân đội. Đặc biệt, tháng 3/1960, đình còn là nơi chứng kiến sự ra đời của Đảng bộ xã Sơn Trà với hơn 144 đảng viên.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình làng Đôn Mỹ hiện là nơi sinh hoạt, gặp gỡ thường kỳ của các bậc cao niên.

Bên cạnh đó, đình làng Đôn Mỹ còn được biết đến là nơi thờ Thành hoàng làng "Kê Quan Sơn Linh Ứng Đại vương Linh Thần” và “Bản cảnh Cao Sơn Tôn thần” là những vị thần tối cao dưới chân núi Mồng Gà. Vào ngày rằm, mồng một hằng tháng hay dịp đầu năm mới, Nhân dân trong vùng và các làng lân cận thường đến dâng hương để cầu phúc, cầu an cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ chính hằng năm được tổ chức tại đình là lễ Kỳ phúc lục ngoạt vào ngày 14/6 âm lịch.

Tháng 3/2022, đình làng Đôn Mỹ được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, đình được giao cho Hội Người cao tuổi xã quản lý, bảo vệ. Đây cũng là nơi sinh hoạt của các bậc cao niên trong xã để bàn các công việc của hội hay cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa gắn với đình làng, quê hương.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Tháng 10/2021, đình làng Đôn Mỹ hoàn thành việc trùng tu và được giao cho Hội Người cao tuổi xã đảm nhận việc trông coi, bảo vệ.

Ông Lê Mạnh Hoàn – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sơn Trà cho biết: “Suốt bao năm tháng qua, tôi cũng như nhiều thế hệ người dân của xã Sơn Trà luôn xem đình làng Đôn Mỹ là chốn yên bình sau hành trình với những vất vả, lo toan của cuộc sống. Đối với chúng tôi, đình làng sẽ mãi là nơi lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử, là “địa chỉ đỏ” giáo dục con cháu về lịch sử dân tộc”.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình làng Đôn Mỹ sẽ mãi là nơi lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử, là “địa chỉ đỏ” giáo dục con cháu về lịch sử dân tộc.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trà Trần Trọng Bằng cho biết: Từ lâu, trong tâm thức người dân, đình Đôn Mỹ đã trở thành nơi chốn quen thuộc, là nơi mỗi người con xa quê khi trở về đều không quên đến thắp một nén tâm hương.

Đình cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân trong xã làm cho đời sống văn hóa địa phương ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần cho sự phát triển toàn diện của quê hương.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình làng Giao Tác là một địa chỉ lưu giữ mạch nguồn văn hóa, lịch sử của Nhân dân xã Thuận Lộc.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, đình làng Giao Tác thuộc làng Giao Tác, nay là thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc cũng là một địa chỉ lưu giữ mạch nguồn văn hóa, lịch sử của Nhân dân địa phương.

Đình được dựng từ xưa, đến năm Tự Đức 28 (năm 1875) thì được người dân cúng góp làm lại quy mô, chạm trổ tinh xảo và lợp bằng ngói âm dương...

Đình làng Giao Tác là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư và nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong vùng. Theo đó, từ năm 1926 đến năm 1929, đình là nơi thành lập và hoạt động của các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Thuận Lộc do các đồng chí Nguyễn Huy Lung, Phan Sỹ Duy, Nguyễn Trí Tuệ… làm nòng cốt.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình làng Giao Tác hiện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt từ những năm 1929 đến năm 1931, đình là nơi cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa chọn làm địa điểm tổ chức các cuộc họp bí mật. Đặc biệt, ngày 20/3/1930, chi bộ Nguyệt Ao được thành lập tại đình làng Giao Tác nên còn gọi là Chi bộ Giao, đồng chí Phan Sỹ Duy được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại xã Thuận Lộc.

Trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đình làng Giao Tác là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh biểu tình, đòi quyền lợi cho Nhân dân. Đến năm 1945, khi cách mạng thắng lợi, cũng chính dưới mái đình này, chính quyền xã được thành lập, là nơi diễn ra các cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Các cán bộ cốt cán có nhiều đóng góp cho hoạt động cách mạng năm 1930 - 1931 của xã Thuận Lộc cũng được thờ cúng tại đình làng Giao Tác.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Thuận Giang chia sẻ: “Tôi sinh ra tại làng, từ nhỏ đã sớm gắn bó với đình làng Giao Tác và lớn lên cùng với những nếp sinh hoạt văn hóa, những câu chuyện lịch sử của đình. Thế nên, bản thân tôi cũng như những người cao tuổi trong làng, rất trân trọng và luôn cố gắng gìn giữ, bảo vệ đình làng. Nhiều đảng viên của xã Thuận Lộc cũng được kết nạp Đảng tại đình làng Giao Tác như một cách để các thế hệ sau luôn nhớ về cội nguồn văn hóa, về sự hy sinh của ông cha”.

Đình làng Giao Tác hiện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cốt cán có nhiều đóng góp cho hoạt động cách mạng năm 1930 - 1931 của xã Thuận Lộc. Ngày nay, đình là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của xã và tổ chức đoàn, phụ nữ, hội người cao tuổi. Tháng 12/2018, đình làng Giao Tác được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của người dân Hà Tĩnh

Đình Giao Tác là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, gặp gỡ của người dân trong xã.

Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc Bùi Quang Liêm: Đình làng Giao Tác không chỉ là công trình mang đậm văn hóa của địa phương mà còn là nơi chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử. Đình là “điểm tựa” về mặt văn hóa của Nhân dân trong vùng, vì thế, địa phương sẽ nỗ lực bảo tồn, truyền đạt và phát huy cho thế hệ kế tiếp về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc qua những câu chuyện kể ở đình làng Giao Tác.

Có thể nói, đình làng ở Hà Tĩnh từ xưa đến nay là “ngôi nhà chung”, là nơi lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử cách mạng của mỗi địa phương. Vì vậy, bảo tồn, gìn giữ đình làng là việc làm cần thiết, để từ đó, phát huy được tiềm năng, góp phần bảo vệ những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi làng quê.

Ở Hà Tĩnh, đình làng là một biểu tượng văn hóa, lịch sử trong đời sống của nhiều vùng quê, là biểu tượng của niềm tin và sự gắn kết cộng đồng. Các đình làng ở Hà Tĩnh không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của làng xã. Nhiều đình còn là căn cứ cách mạng, nơi ra đời của các chi bộ cộng sản trong thời kỳ chiến tranh.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 20 đình làng được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Theo dòng chảy của thời gian, nhiều đình làng đã xuống cấp. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm, việc gìn giữ đình làng là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL

* Bài viết sử dụng tư liệu của cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Trà (1930 – 2015) và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast