Tâm thức rằm tháng Giêng

(Baohatinh.vn) - Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu, là ngày rằm đầu tiên của năm mới nhưng trong tâm thức của người dân nhiều vùng quê Hà Tĩnh còn được coi là quãng thời gian “tết muộn”, là dịp để gắn kết tình thân họ tộc.

Theo truyền thống Phật giáo, rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới, là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Đây được coi là ngày đẹp và người dân thường lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì thế mà người dân vẫn thường tâm niệm “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng rất bài bản, chu đáo.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, không gian thờ cúng của ngày rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa trong đời sống của người dân.

Quê tôi ở xã Thạch Châu - huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Ngoài truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân, trí thức đã lưu tên vào sử sách thì nơi đây còn nổi tiếng với văn hóa dòng tộc đặc sắc.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Những mâm cỗ được xếp chồng cao là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dòng họ ở xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là rằm tháng Giêng.

Với nhiều dòng họ ở quê tôi, cúng rằm tháng Giêng có phần còn linh đình, bài bản hơn cả ngày tết. Đó là dịp thường được các dòng họ chọn làm lễ khánh thành nhà thờ, tổ chức cúng tế tổ tiên với “đặc sản” xếp chồng cỗ cao mà điểm nhấn là cỗ “gà bay”.

Truyền thống làm cỗ “gà bay” đã có từ rất lâu đời ở các dòng họ nơi đây. Những con gà trống đẹp nhất, thần thái dũng mãnh nhất được lựa chọn nuôi tại nhà từ một đến vài năm, có phương pháp chăm sóc riêng biệt so với những con gà khác trong gia đình.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Những mâm cỗ cúng “gà bay” độc đáo là “đặc sản” của các dòng họ ở huyện Lộc Hà.

Rằm tháng Giêng, dưới tay nghề khéo léo, sáng tạo và kỹ thuật điêu luyện của “nghệ nhân”, những con gà trống này sẽ được tạo hình các thế như cất cánh bay, đứng, ngồi, quỳ rất độc đáo, đẹp mắt.

Ngoài cỗ “gà bay”, các dòng họ còn bày biện nhiều vật phẩm truyền thống như xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh rán, hoa quả... để dâng cúng. Các mâm cúng được trang trí cầu kỳ, công phu và rất đẹp mắt, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, mang ước vọng về một năm mới sung túc, đủ đầy.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Dù ở gần hay làm ăn, sinh sống xa, người dân quê tôi đều mong muốn trở về nhà thờ họ thắp hương tổ tiên ngày rằm tháng Giêng.

Về nhà thờ họ ngày rằm đã trở thành một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân quê tôi, nó gần như một ý niệm ăn sâu vào tâm thức. Dù bận rộn đến mấy, các gia đình cũng cố gắng sắp xếp thời gian để làm cỗ cúng mang về nhà thờ họ.

Đối với một số người đi làm ăn xa về quê đón tết, thường cố gắng nán lại để được dự lễ cúng rằm tháng Giêng. Có những người vì điều kiện công việc, gia đình không thể về quê ngày tết thì đây là dịp để họ trở về đón “tết muộn”, đoàn viên cùng gia đình, người thân.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong dịp này.

Cũng chính vì vậy, không khí ngày rằm quê tôi rất đặc biệt. Những người anh em, con cháu nội ngoại được gặp lại nhau sau một năm xa cách. Lẫn trong tiếng trống thùng thình vang khắp khuôn viên nhà thờ họ là râm ran những lời hỏi han sức khỏe “o, dì, chú, bác”, rộn ràng những cái ôm, cái bắt tay thật lâu, thật chặt.

Tâm thức rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng đã trở thành không gian gắn kết tình thân họ tộc, là dịp để con cháu hướng về nguồn cội.

Rằm tháng Giêng không còn đơn thuần là một ngày lễ mà đã trở thành không gian để gắn kết tình thân họ tộc, là dịp để con cháu dù ở nơi đâu cũng hướng về quê hương, tri ân tổ tiên, nguồn cội. Đó cũng là nguồn động lực lớn lao để mỗi người thêm nỗ lực sống tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast