Cho yêu thương ngày cũ

(Baohatinh.vn) - Sáng tháng Ba thanh tĩnh. Linh vừa nhẹ nhàng cắm những bông loa kèn trắng muốt vào chiếc bình sứ men nâu, vừa lắng nghe ca khúc La Vie En Rose của Edith Piaf ngân lên trong không gian xao xuyến.

Bên ngoài trời lất phất mưa. Tiệm hoa của Linh nằm bên phải con đường dẫn vào trung tâm hành chính huyện, đôi cánh cửa với những bông hồng leo duyên dáng mở ra như một lời chào.

Cho yêu thương ngày cũ

Ảnh minh họa từ internet

Một người phụ nữ trung niên bước vào, bà ngập ngừng nhìn những lẵng hoa trang nhã được bày trên các kệ với vẻ bối rối. Linh mỉm cười bước tới từng loại hoa, giới thiệu:

- Cháu chào bác. Tiệm chúng cháu vừa nhập một đợt hàng rất đẹp về chuẩn bị cho dịp lễ. Đây là ly cánh kép, kia là thanh liễu, mẫu đơn, còn bên này là hồng ngoại đủ loại. Mời bác xem thử đi ạ.

Người phụ nữ vân vê mấy ngón tay, khẽ đáp:

- Bác muốn mua một ít hoa cúc nhưng sao không thấy. Mai là ngày giỗ của ông nhà.

Linh lặng đi một chút, thầm tự trách mình vì sao hôm nay thiếu tinh tế quá chừng. Đáng lẽ ngay từ khi nhận thấy vẻ lúng túng của vị khách có mái tóc điểm bạc, bộ quần áo cũ kỹ và chiếc làn cói lỉnh kỉnh đồ ăn loay hoay nơi cửa, cô phải đoán ra bà cần gì. Có lẽ vì mải đắm chìm trong giai điệu dịu dàng, lãng mạn nên cô nhầm lẫn khi cứ tưởng như xung quanh chỉ toàn màu hồng dịu ngọt, người đang đứng trước mặt cô thậm chí còn không biết mai là ngày mồng tám tháng ba.

Nhanh chóng rời khỏi những bình hoa rực rỡ, Linh quay sang phía người phụ nữ, bất chợt sững sờ khi nhận ra một gương mặt thân quen:

- Ôi, em xin lỗi, cô có phải cô Ngân không ạ. Đúng là cô Ngân rồi.

Hóa ra người hỏi mua hoa lại là cô giáo cũ dạy Linh năm lớp ba. Cho dù cô đã già đi nhưng gương mặt thân thương ấy Linh làm sao quên được. Linh reo lên, ôm chầm lấy cô giáo trong khi cô bối rối không nhớ ra đứa học trò bé bỏng. Mãi đến khi Linh nhắc lại chuyện con bé ngày xưa theo mẹ đến nhà cô chúc tết rồi ăn hết cả gói bánh đậu xanh làm quà thì cả cô lẫn trò đều bật cười. Bao kỷ niệm nối tiếp nhau ùa về cùng với cô giáo thân thương ngay trước mặt khiến Linh thấy cay cay nơi sống mũi.

Cho yêu thương ngày cũ

Bao kỷ niệm nối tiếp nhau ùa về cùng với cô giáo thân thương ngay trước mặt khiến Linh thấy cay cay nơi sống mũi. Minh hoạ của Huy Tùng

Tết năm ấy, cha Linh đi từ phía Bắc về, ngoài nửa bì gạo nếp được cơ quan chia để gói bánh chưng thì còn có mấy hộp bánh đậu xanh rất đẹp nữa. Thời đó ở quê còn nghèo đói lắm, quanh năm chỉ có lá sắn luộc ăn với cơm độn nên khi nhìn thấy những chiếc bánh đậu vàng ruộm gói trong hộp bóng kính vuông vức, mấy mẹ con vui sướng ngỡ ngàng.

Sau khi ngắm nghía thật lâu, mẹ Linh bảo sẽ dành hai hộp biếu ông bà nội ngoại, một hộp để lên bàn thờ gia tiên, hộp còn lại mang tặng cô giáo. Hai chị em Linh chưa được ăn bánh đậu bao giờ, trong lòng thèm lắm nhưng cố nhịn không dám đòi. Năm đó, Linh tám tuổi, còn em út của Linh lên bốn.

Sáng mồng ba tết, mẹ mặc cho Linh bộ quần áo tươm tất nhất, xách theo chiếc làn cói đựng hộp bánh đậu rồi đến chơi nhà cô giáo. Nhà cô ở bên kia sông, phải sang đò rồi đi bộ qua mấy cánh đồng mới tới. Linh không biết khi đó cô giáo bao nhiêu tuổi nhưng trông gầy guộc, xanh xao lắm, ngày tết mà không khí cứ vắng lạnh buồn buồn. Thấy mẹ con Linh đến, cô giáo rất bất ngờ, cô âu yếm bế Linh lên rồi vồn vã mời mẹ vào nhà. Linh ngồi đung đưa chân trên chiếc ghế gỗ nhìn ngắm xung quanh trong khi mẹ thắp hương dâng lên bàn thờ. Trên đó có ảnh chân dung đen trắng của một chú bộ đội còn rất trẻ.

Nghe mẹ và cô nói chuyện Linh mới biết người đó chính là chồng của cô giáo, chú hy sinh trên biên giới phía Bắc trong một lần cùng đồng đội gỡ mìn ở trận địa cũ. Không hiểu vì sao lúc nhắc đến chồng, cô giáo Linh lại bật khóc. Dường như không muốn học trò nhìn thấy, cô vừa lau nước mắt, vừa nhanh chóng đi vào trong nhà rồi vui vẻ quay ra mang theo một đĩa bánh mật mời mẹ con Linh ăn.

Quê Linh ngày tết thường có món bánh này, dùng bột gạo trộn với nước lã và mật mía, nhào thật nhuyễn sánh lên, giã nhỏ mấy hạt lạc làm nhân rồi gói bằng lá chuối, hấp chín lên ăn vừa ngọt, vừa dẻo bùi. Bình thường Linh rất thích món bánh mật này nhưng mấy hôm tết được ăn nhiều rồi nên cũng chán, hai mắt chỉ chăm chú vào hộp bánh đậu mẹ đặt trang trọng trên bàn.

Cô giáo nhận ra điều đó rất nhanh. Mặc cho mẹ tìm cách ngăn lại, cô mở hộp bánh bỏ ra đĩa rồi bóc từng cái cho Linh ăn. Thấy Linh có vẻ rụt rè, cô mỉm cười bảo con cứ lấy ăn đi, bánh này ngon lắm đấy. Trong khi mẹ và cô tiếp tục nói chuyện, Linh nhón nhén ăn hết cái này đến cái khác, lần đầu tiên trong đời được thưởng thức vị ngọt ngào, mềm mịn của bánh đậu xanh tan vào trong miệng thấy vui sướng không thể nào tả nổi.

Loáng một cái, hơn nửa đĩa bánh đã hết veo mà vẫn còn thòm thèm, Linh định nhón thêm cái nữa nhưng mẹ đã chạm khẽ vào Linh như ra hiệu. Linh liền rụt tay lại, còn mẹ bối rối cáo từ cô giáo để ra về. Cô vui vẻ đứng dậy cảm ơn mẹ con Linh rồi tiễn ra tận ngõ. Cô còn gói mấy chiếc bánh đậu còn lại bảo Linh mang về cho em ở nhà chứ bé trai con cô mới hơn một tuổi chưa biết ăn bánh. Vừa lúc đó có tiếng trẻ con thức giấc òa khóc trong nhà, cô giáo chỉ kịp chào mẹ rồi tất tả chạy vào ru con.

Tiếng ầu ơ của cô giáo ngân lên khe khẽ. Mưa mùa xuân mỏng như rây hạt. Những bụi tre già kẽo kẹt trở mình. Mẹ Linh đứng lặng đi một lát rồi mới nặng nề bước đi. Mẹ thở dài như thể có chuyện gì ngậm ngùi xót thương nhưng Linh nào có hiểu, chỉ mải mê háo hức với mấy cái bánh đậu ôm trong tay.

Đến lúc này mẹ mới quay sang nghiêm khắc nói Linh lúc nãy cư xử như thế là không ngoan, lần sau đi ra ngoài ăn uống gì cũng phải biết giữ ý nếu không mẹ sẽ chẳng cho đi chơi tết nữa. Nghe mẹ trách, Linh cúi mặt xuống hơi buồn nhưng tới lúc lên đò qua sông là quên, chỉ băn khoăn nghĩ ngợi xem tí nữa phần bánh cho bé út hết hay mình giữ lại vài cái. Đối với Linh lúc đó, trên đời này không thể có thứ nào ngon hơn món bánh đậu xanh vừa ăn ở nhà cô giáo.

Cho yêu thương ngày cũ

Bánh đậu xanh được ăn ở nhà cô giáo làm Linh nhớ mãi. Ảnh minh họa từ internet

Năm học lớp ba chưa kết thúc thì gia đình Linh chuyển ra thị trấn vì bố đã xin được về công tác ở cơ quan ngoài đó. Nghe tin Linh òa khóc như mưa, nhất định không chịu rời đi. Linh nhớ những đứa bạn thò lò mũi dãi hay chơi đuổi bắt, nhớ cô giáo hiền từ vẫn thường xoa đầu khen ngợi mỗi khi Linh viết chính tả sạch sẽ, nhớ cả bé Bắc con trai cô vừa chập chững tập đi thỉnh thoảng lại được cô bế lên trên lớp. Thế nhưng rồi mọi thứ cũng nguôi ngoai, Linh về ngôi trường mới có thêm nhiều bạn mới cùng thầy cô giáo mới, những ký ức thời thơ ấu ấy dần xa. Từ đó đến nay đã hai mấy năm qua, thời gian trôi vùn vụt, xóa nhòa bao kỷ niệm.

- Không ngờ bé Linh giờ đã cao lớn và xinh đẹp như thế này rồi - cô giáo xoa đầu Linh âu yếm.

- Em thật tệ quá cô ơi, bao nhiêu lâu rồi mà cứ lấy cớ bận bịu này nọ chưa khi nào trở lại thăm cô được.

Cô giáo mỉm cười:

- Cô sức khỏe yếu nên về hưu lâu rồi, ở tận trong làng cũng chẳng có mấy dịp xuống thị trấn. Hôm nay cần làm mấy thứ giấy tờ bên huyện nên cô thuê xe ôm chở đi rồi mới tình cờ qua đây. Gặp lại thấy em trưởng thành như thế này cô vui lắm.

Cửa tiệm của Linh chỉ kinh doanh một số dòng hoa độc lạ nên không có hoa cúc. Linh dặn cô giáo ngồi đợi một lát rồi vội vàng đến quầy hàng lớn trong thị trấn chọn một bó hoa cúc đẹp nhất dành cho người chồng đã khuất của cô, sau đó quay về đóng cửa tiệm lấy xe chở cô giáo cũ về tận nhà.

Cho yêu thương ngày cũ

Linh đã chạy đi mua về một bó hoa cúc vàng cho cô giáo cũ. Ảnh minh họa từ internet

Con đường làng đã khác xưa nhưng dòng sông và cánh đồng vẫn thế, nhà cô giáo đã sửa lại khang trang hơn nhưng cổng ngõ còn giữ như cũ. Cô cẩn thận lục tìm trong chồng sách vở, lấy ra một tờ giấy đã úa vàng. Linh bật khóc khi nhận ra đó là bài kiểm tra chính tả của mình, nét chữ ngả nghiêng, vụng về đã phai màu theo thời gian mà bao nhiêu năm qua cô vẫn còn lưu giữ.

Cô cho Linh xem những bức ảnh của con trai cô, cậu bé ngày xưa giờ đã nối nghiệp cha mang trên mình màu xanh áo lính. Năm nào đơn vị cũng ưu tiên cho con trai được về phép thăm cô, nhưng năm nay cả nước đang căng mình chống dịch nên cô bảo con cứ yên tâm ở lại bám chốt cùng đồng đội.

Biên giới mùa này lạnh lắm, băng giá phủ khắp nơi, đường hành quân tuyết rơi trắng xóa. Nhưng ở đó hoa mận, hoa đào vẫn nở, những ngôi nhà sàn vẫn đỏ lửa chờ người lính dừng chân. Ở đây cô cũng có bà con chòm xóm quây quần nên dặn con không phải lo lắng gì cho mẹ cả.

Linh run run nắm lấy bàn tay gầy guộc của cô giáo. Cô giáo yêu thương của Linh, những gì đẹp đẽ nhất cô chẳng bao giờ giữ lại cho riêng mình. Ngày mai nhất định Linh sẽ rủ bạn bè tụ họp lại để về bên cô, dành tặng cô bó hoa tươi thắm nhất trong ngày lễ của những người phụ nữ, cùng cô ăn bánh đậu xanh và ôn lại kỷ niệm ngọt ngào của bao ngày xưa cũ.

Trường THPT Hương Khê

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.