Ngày đông, nhớ mùa đổ ải

(Baohatinh.vn) - Cái lạnh trời đông ngày một đổ về càng làm tôi thêm nôn nao nhớ quê nhà.

Lúc tối nói chuyện với ba qua điện thoại, ba thủ thỉ kể rằng, chỉ còn ít ngày nữa là đến mùa đổ ải, rồi mùa cấy cũng theo sau mà về. Cập rập và bận rộn lắm! Không dưng lòng mềm theo từng chuỗi nhớ. Mùa đổ ải về với biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ tôi đã lớn lên bên quê nhà yêu dấu.

Ngày đông, nhớ mùa đổ ải

Mùa đổ ải tuyệt đẹp trên miền Đông Bắc. Ảnh Internet

Chắc hẳn những ai thuộc thế hệ 7x, 8x ở quê đều không thể quên được những mùa đổ ải. Đổ ải là việc làm sau khi ruộng đã cày vỡ ra, những khối đất khô khén phơi nắng thì người ta dẫn nước vào ruộng cho đất bở tơi để tiến hành cấy dắm.

Phía thượng nguồn quê tôi có một cái hồ chứa nước rất lớn, dùng để tưới tiêu cho hơn 10 xã trong khu vực. Tới mùa đổ ải, theo lịch của từng xã mà nước được dẫn về chừng 3-5 ngày. Trải qua không biết bao đời, người dân quê đã đúc kết được kinh nghiệm: “Cày ải hơn rải phân”. Mục đích của công việc cày ải và làm ải là để diệt trừ sâu bọ và cho đất đai thông thoáng, “nghỉ ngơi” để bước vào vụ mới.

Mùa đổ ải trẻ con hào hứng thích thú ra mặt. Ruộng bắt đầu xâm xấp nước, lan dần, lan dần, nước dâng lên và đất cứ thế nhũn ra. Chúng tôi chân trần chạy nhảy trong ruộng, mặc kệ cái lạnh rét cắt da cắt thịt, trêu đùa ném nhau những cục đất bắn tung tóe. Nước từ trên nguồn xuống mang theo không biết bao nhiêu là tôm cá, cua.

Ngày đông, nhớ mùa đổ ải

Hình ảnh thơ mộng ở nhiều vùng quê trong mùa đổ ải ngày xưa. Ảnh Internet

Đám trẻ con nhà nghèo lại tung tăng cầm xô, chậu đi “săn”. Nhiều nhất vẫn là cua đồng và cá thia lia. Chính vì thế, mùa đổ ải nào bữa cơm cũng được cải thiện thêm chất đạm. Cá thia lia kho với khế chua, lá nghệ ăn với cơm nóng, canh cua đồng nấu với rau tập tàng, rau ngót, rau lang hay rau muống là những món ăn dân dã mà nhớ đời.

Đổ ải xong, cả cánh đồng mênh mông nước. Nước bời bời trong đáy mắt. Nước róc rách hòa vào niềm vui của mọi người. Khắp làng trên xóm dưới rộn ràng chuẩn bị mùa cấy. Tiếng máy cày xình xịch, tiếng ới nhau đổi công, tiếng cười đùa của nam thanh nữ tú và cả tiếng của những đàn ngan, đàn vịt. Tất cả như một ngày hội thực sự…

Ngày đông, nhớ mùa đổ ải

Người dân cho nước vào ruộng mạ để nhổ chuẩn bị cho mùa cấy. Ảnh Internet

Có năm thời tiết ấm áp, cây mạ tốt nhanh quá nên đổ ải một ngày người ta đã rải mạ ra cấy luôn. Đi cấy mùa đông, khi mùa đổ ải mới bắt đầu có cảm giác rất lạ. Mùi bùn ngai ngái, mùi nước từ nguồn về mênh mang, mùi mồ hôi khó nhọc… hòa quyện tạo nên một mùi đặc biệt, đi xa khiến cho con người ta nhớ nhung rất nhiều. Khi đi xa, khung cảnh nơi chốn quê thân thương ấy mỗi mùa đổ ải về như dồn nén trong tâm khảm, rồi khẽ ngân lên những cảm xúc thật khó gọi tên, lưu lại trong ký ức thành tình yêu đằm thắm, đắm say.

Một mùa đổ ải lại về. Những đứa trẻ năm xưa háo hức đợi tới mùa đổ ải nay đã trưởng thành, có đứa ra phố, có đứa ở lại quê nhưng dường như ký ức năm xưa vẫn vẹn nguyên. Mỗi độ cuối đông, lòng tôi lại dâng lên nỗi xốn xang, chộn rộn với hình ảnh cánh đồng đổ ải nước trắng mênh mang. Trong nỗi nhớ ấy, mùi bùn, mùi cỏ dại vẫn như còn ngai ngái đầy hơi thở…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast