Vị quê trong tập “Cõi xưa” của Huy Linh

Huy Linh - anh thợ sửa chữa điện lạnh ở Cẩm Quang, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vừa xuất bản tập thơ đầu tay Cõi xưa. Tuy chỉ là người sáng tác “tay ngang” nhưng tác phẩm của anh đã được đăng tải ở nhiều báo, tạp chí trong cả nước. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu với độc giả cảm nhận của tác giả Đinh Tiến Hải về “Cõi xưa”.

Người ta vẫn nói rằng: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống”. Rõ ràng khi tâm hồn rung động, khi mọi sự vật, hiện tượng của đời sống va đập thì thơ mới thức tỉnh, rung chuyển vào thế giới bên ngoài bằng những hình ảnh, nhịp điệu hòa hợp qua ngôn ngữ.

Vị quê trong tập “Cõi xưa” của Huy Linh

Tập thơ “Cõi xưa” của Huy Linh.

Mỗi người trong chúng ta có một góc nhìn, một cách quan niệm về thơ, riêng tôi khi đọc Cõi xưa của tác giả trẻ Huy Linh, tôi nhận thấy vị quê trong thơ anh. Vị quê trong thơ anh đậm đà bản sắc dân tộc, lời thơ trong sáng, mộc mạc, hồn nhiên, thánh thiện. Chính những bài thơ thấm đẫm hồn làng, hồn quê trong tập thơ Cõi xưa đã kết tinh nên một vị quê đầy giá trị truyền thống, hướng con người đến những điều tốt đẹp qua nhiều cung bậc mỹ cảm khác nhau.

Vị quê trong tập “Cõi xưa” của Huy Linh

Những bài thơ thấm đẫm hồn làng, hồn quê trong tập thơ Cõi xưa đã kết tinh nên một vị quê đầy giá trị truyền thống. Ảnh tư liệu

Bằng trái tim đầy nhạy cảm, chan chứa yêu thương với tiếng gọi thao thiết từ cuộc sống, anh đã viết nên những câu thơ lục bát đầy hoài niệm: “Cho con về lại ngày xưa/ ve sầu quên áo giữa trưa bóng tròn/ mẹ ngồi sàng sảy nước non/ nhặt lên hạt thóc đã tròn hình quê… cha ngồi dạy đức hiếu sinh/ hàng cau cũng thể lặng thinh nói cười” (Ngày xưa).

Đi qua những trải nghiệm, hư hao của đời sống, trở về quê hương, đứng trước đồng làng, đôi khi ta chỉ ước những điều thật bình dị, ước được nhìn thấy bóng mẹ đang sàng gạo trong chiều chạng vạng, ước được nhìn thấy dáng cha đang ngồi đọc sách trước thư phòng, ước được quay về tuổi thơ đi bắt ve sầu giữa trưa đứng bóng. Làng quê trong thơ anh thật gần gũi, chân chất, truyền thống và mang theo cả một trời hoài nhớ.

Trong bài thơ “Ta về”, anh viết hết sức giản dị, thành thực với lối diễn cảm ai cũng nhận ra mình trong đó: “Ta về đằm với bùn nâu/ nghe con cu gáy ngọn cau đình làng/ ngày rằm nghi ngút trầm nhang/ thoảng như ngài đức thành hoàng hiển linh”. Nghe như có cái vị quê mằn mặn trong bùn nâu, thoang thoảng hương thơm trong khói hương trầm.

Vị quê trong tập “Cõi xưa” của Huy Linh

Hồn quê, tình quê trong thơ anh cứ phảng phất, da diết. Ảnh tư liệu

Hồn quê, tình quê trong thơ anh cứ phảng phất, da diết rồi hòa quyện, thấm đẫm vào đình làng, văn hóa làng, lung linh đầy sắc màu trong tâm cảm. Thơ hay trước tiên phải xúc động ở lòng người, phải xuất phát từ tiếng lòng trăn trở. Cái đẹp trong thơ chính là cái hồn hậu, lắng sâu, làm lay động lòng người.

Thơ Huy Linh sâu nặng nỗi niềm, lối biểu đạt bình dị, không cách tân, không làm dáng con chữ nhưng lại rất ấn tượng bằng khả năng dẫn dắt bạn đọc: “Con về cởi áo phong sương/ Vắt lên liếp nứa mà thương tiếng bầm”; “Tàn đêm chớp rạch trời đông/ Vẳng nghe rộn tiếng ếch đồng gọi nhau”; “Nón mê tất tả nón mê/ “Lưng bà như thể ngọn tre đầu làng”. Những câu thơ cứ tự nhiên không cần vỏ bọc mà vẫn thấm thía, lay động lòng người. Viết về mẹ, viết về bà cứ thế đi thẳng vào trái tim người đọc.

Đọc Cõi xưa ta nhận thức sâu sắc hơn về đời sống, về con người. Thơ anh giản dị, gần gũi và thân thuộc với những điều bình dị hằng ngày ta vẫn bắt gặp, anh luôn tự nhận mình là người nhà quê, chơi với sương khuya, trăng thề, chơi với hội làng, hương đêm. Những câu thơ anh viết xuất phát từ tâm thức đầy dáng vẻ đời sống, ngôn ngữ mộc mạc mà lay động lòng người: “…Ta là hạt thóc nảy mầm/ Chui lên từ váng bùn thâm quê nhà/ Đằm trong nắng táp mưa sa/ Gót phèn ngấm những thật thà vị quê” (Ngõ khuya).

Vị quê trong tập “Cõi xưa” của Huy Linh

Mạch thơ như một câu chuyện kể trong tâm thức, hàm chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc về quê hương mình. Ảnh Internet

Vị quê ấy có con đò ngang, có mùi bùn thâm, có dây tơ hồng, có mùi khói bếp. Vị quê ấy cũng chính là hương quê, là thiên nhiên, là bờ tre, giếng nước, hàng cau, là hạt thóc nảy mầm để ta thương nhớ tìm về, cao hơn nữa là tìm về cội nguồn, nơi chôn rau, cắt rốn của ta.

Một làng quê trù phú là một làng quê thanh bình, ấm no, nghĩa tình bền chặt, giàu văn hóa như trong bài thơ “Tái sinh” anh viết: “Bà kể/ dòng sông chảy qua làng mình là mạch sống quê hương…/ Chúng con lớn lên/ uống những câu Kiều sóng sánh chè xanh đêm hè vời vợi gió/ điệu ca trù như hơi thở/ theo hương sen thoang thoảng chảy vào hồn”. Mạch thơ như một câu chuyện kể trong tâm thức, hàm chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc về quê hương mình.

Điều đáng quý nhất ở thơ anh là những cung bậc cảm xúc đầy sinh động về làng quê, anh biết kết hợp giữa nét đẹp hiện đại và nét đẹp truyền thống để chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp về đời sống, về con người bằng ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi nhất. Hình ảnh làng quê là tiếng gọi tha thiết cất lên từ trái tim anh.

Là người sinh ra ở quê, lớn lên ở quê, sống với thôn quê nên tất cả những cảnh sắc về thiên nhiên, con người, văn hóa đã thấm nhuần vào tâm hồn anh. Có thể nói, chính cái phong vị đậm chất hồn quê, hồn làng đã làm nên một Cõi xưa thật giản dị nhưng cũng vô cùng sâu sắc của một tâm hồn thơ.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast