Viết về thiên nhiên cũng chính là viết về con người với mối giao cảm thân thiện và tinh tế của tầm vóc một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại nhưng thật gần gũi và bình dị biết bao. Thơ Bác kết tinh một vẻ đẹp trí tuệ như ánh sáng thuần khiết có sức lay động lòng người.
Trong những tháng năm tù đày với tập “Nhật ký trong tù” nổi tiếng và sau này ở chiến khu Việt Bắc với núi rừng sông suối đến khi về Hà Nội với nếp nhà sàn nhỏ xinh trong khu vườn xanh tươi trĩu quả và ao cá trước nhà. Thiên nhiên luôn ùa vào trong thơ Bác với sự non tươi một tương lai tươi sáng, với sự áp đầy dào dạt của cảm hứng cuộc sống phát triển, với một tâm hồn lão thực Á đông mà vẫn toát lên vẻ đẹp văn hoá nhân loại.
Nhà sàn Bác Hồ |
Có hai hình ảnh giống như hai biểu tượng luôn hiện lên trong thơ Bác là nắng và trăng. Nắng ban ngày và trăng ban đêm như hai thái cực: Nóng và lạnh, dương và âm. Nắng và trăng cũng xuất hiện rất nhiều trong tập “Nhật ký trong tù” sưởi ấm tâm hồn người khao khát tự do.
Thơ Bác luôn có cái nhìn biện chứng - biện chứng ngay cả trong những phát hiện tinh tế vẻ đẹp thẩm thấu của thiên nhiên. Bài “Buổi sớm” trong tù Bác viết: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt – ánh hồng trước mặt đã bừng soi”, hay bài: “Nắng sớm”: “Nắng sớm xuyên qua nơi ngục thất - đốt tan khói đặc với sương dày”. Trên đường bị giải đi qua bao tù ngục vẫn hiện lên hình ảnh tư thế ung dung của Bác: “Mặc dù bị trói chân tay – chim ca rộn núi, hương bay ngạt rừng”. Chỉ một từ “Rộn núi” mà tạo ra âm hưởng phấn chấn lạ lùng như có một sự dịch chuyển âm thầm náo nức trong lòng người hoà với “Ngát rừng” thành một không gian sống động của tình yêu cuộc sống trẻ trung toả ra một sức mạnh nội tại làm chủ mọi tình thế.
Trong bài “Giải đi sớm” Bác viết: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng – bóng tối đêm tàn quét sạch không – hơi ấm bao la cùng vũ trụ - người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”. Trong những hoàn cảnh éo le như thế mà toát ra một phong thái như vậy, thật hiếm! Bởi Bác là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, triết học lớn. Người nắm rất chắc quy luật của vũ trụ vận dụng quy luật đấu tranh của xã hội loài người: “Sự vật vần xoay đà định sẵn - hết mưa là nắng ửng lên thôi” để đi tới một kết luận hàm súc mà có sự lay thức lạ lùng: “Hết khổ là vui vốn lẽ đời” trong bài “Trời hửng”.
Trăng là một hình ảnh đẹp của thiên nhiên: vừa mơ mộng, vừa bay bổng ở đó có cả chu kỳ tuần hoàn, khi tròn, khi khuyết, một nổi ám ảnh dịch chuyển của thời gian, của tự do và khát vọng. Trong bài thơ “Vọng nguyệt” (Ngắm trăng) đã vẽ nên chân dung thi sĩ tài hoa của Bác không còn thấy cảnh tù ngục tối tăm. Phải có một bản lĩnh sâu sắc và một tâm hồn hướng thiện mới tạo ra được cốt cách tự tại đến siêu thoát: “Trong tù không rượu cũng không hoa - cảnh đẹp đêm nay khó hửng hờ - người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ - trăng nhòm qua cửa ngắm nhà thơ”. Rõ ràng ánh trăng đã phá vỡ không gian tường đá song sắt nhà tù. Sau này ở chiến khu Việt Bắc sống trong khung cảnh thiên nhiên trữ tình Bác đã có nhiều bài thơ viết về trăng tuyệt bút thành những áng văn mang vẻ đẹp cổ điển.
Bài “Rằm tháng giêng” Bác viết năm 1948 lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhưng trong thơ Bác vẫn chứa chan ngập tràn niềm lạc quan: “Giữa dòng bàn bạc việc quân – khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Con thuyền cách mạng đặt trong khung cảnh này thật đẹp và phơi phới niềm tin vượt qua bao ghềnh thác. Ánh trăng hay là ánh sáng của đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến trong tư thế người chiến thắng lại mang một vẻ đẹp huyền thoại như một nhân ảnh lung linh. Khi “Đi thuyền trên sông Đáy” vị lãnh tụ kính yêu đã linh cảm được: “Thuyền về trời đã rạng động – bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi” bởi trước đó: “Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng treo”.
Những ngày tháng gian khổ ở chiến khu Thủ đô gió ngàn trong bài “Đối trăng” đã vẻ nên chân dung của Bác với một vẻ đẹp ung dung tự tại đến an nhiên như một ông Tiên: “Ngoài song, trăng rọi cây sân – ánh trăng nhích bóng, cây gần trước song - việc quân, việc nước bàn xong – khuya về ngon giấc bên song trăng nhòm”. Tôi rất thích hình ảnh trẻ trung và hóm hỉnh “Trăng nhòm”. Ở đây trăng hoá thành một người bạn thật hồn nhiên cũng như sau này Bác viết: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ - việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. “Trăng nhòm” và “Trăng đòi thơ” thật ríu rít sum vầy, tươi mới, xanh non mà chỉ có Bác Hồ mới ươm ầm, nảy lộc, những tứ thơ xuất thần như thế.
Một vẻ đẹp khác nới rộng không gian trong cảm quan vũ trụ của thơ Bác là mây và núi. Núi đứng yên tĩnh tại chập chùng đèo dốc và vươn lên khát vọng còn mây luôn biến hình ảo ảnh nhưng cũng đầy dự cảm trĩu nặng mang theo bao cơn mưa mát lành. Trong bài “Mới ra tù, tập leo núi” Bác viết: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi – lòng sông gợn sóng bụi không mờ”. Tôi rất thích hình ảnh “Mây ấp núi” một sự giao cảm ấm áp bao trùm khởi nguồn từ sự khát vọng của con người đơn lẻ đến với cộng đồng đông vui. Chữ “ấp” như là một sự ấp iu, thân thiết đến bồi hồi từng hơi thở của sự sống. Chỉ một từ “ấp” thôi mà ta như được thấy cả vòng tay lớn lao và thân thiện của Người ôm vào lòng mình cả thế giới thiên nhiên và xã hội thật gần gũi và thân thương, khiêm nhường và lặng lẽ, xúc động lạ thường của một con người khao khát tự do vừa được thả tự do hoà mình vào thiên nhiên rộng lớn.
Một hình ảnh khác thật đẹp trong tư thế Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới đánh trận Đông Khê năm 1950 trong bài “Đăng sơn” (lên núi) Bác viết: “Chống gậy lên non xem trận địa - vạn trùng núi đỡ, vạn trùng mây – quân ta khí mạnh nuốt Nghưu Đẩu - thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Từ “Mây ấp núi” đến “Núi đỡ mây” là cả một chặng đường dài đời người của con đường cách mạng nhưng trong tâm hồn của Bác luôn có sự nhất quán của một nhà thơ - chiến sĩ bởi: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp – mây, gió, trăng, hoá, tuyết núi sông – nay ở trong thơ nên có thép – nhà thơ cũng phải biết xung phong” (cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”).