Về Hà Tĩnh nghe biển hát tình ca...

(Baohatinh.vn) - Dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm không chỉ tạo cho biển Hà Tĩnh những thắng cảnh đẹp mà còn nhiều giá trị văn hóa độc đáo, là tài nguyên để phát triển du lịch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Biển kể chuyện ngày xưa

Những ngày tháng Tư, trong nỗi nhớ biển thao thiết, lòng tôi lại ngân lên những câu hát của nhạc sỹ Hồng Đăng: “Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”. Giữa dòng chảy miên viễn của thời gian, những tích xưa, chuyện cũ từ bao đời như càng sáng lên, nối dài theo từng con sóng vỗ bờ.

a1.jpg
Bãi biển Quỳnh Viên bên núi Long Ngâm (Thạch Hải, Thạch Hà) gắn với huyền tích Chử Đồng Tử - vị phật tử đầu tiên của Việt Nam tu học nơi đây.

Trong muôn vàn câu chuyện độc đáo, chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung tu hành đắc đạo trên bán đảo Quỳnh Viên thuộc núi Long Ngâm (Nam Giới) ở Thạch Hà đã và đang được nhiều người quan tâm.

Chuyện kể rằng, cách đây trên 2.200 năm, nhà sư Phật Quang người Ấn Độ trong quá trình đi truyền đạo sang các nước châu Á đã dừng chân đầu tiên tại núi Long Ngâm bên bờ biển Cửa Sót để truyền bá đạo Phật. Lúc đó, vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung xuôi thuyền vào phương Nam và dừng chân tại Quỳnh Viên. Gặp được nhà sư Phật Quang, Chử Đồng Tử bái thầy học đạo và trở thành vị phật tử đầu tiên. Hai vợ chồng cùng nhau lập chùa trên đỉnh núi Long Ngâm tu hành, về sau đắc đạo tiếp tục truyền bá đạo Phật đến thế hệ sau… Ngày nay, những di chỉ khảo cổ về dấu tích nơi ở của Chử Đồng Tử và Tiên Dung trên núi Long Ngâm đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy.

a2.jpg
Từ trái qua: Chùa Quỳnh Viên; các nhà sử học hàng đầu cả nước khảo cứu núi Long Ngâm dịp tháng 4/2023 và móng nhà được cho là nền ngôi nhà Chử Đồng Tử từng xây dựng tu học.

Gắn với núi Long Ngâm còn là câu chuyện huyền thoại về danh tướng Lê Khôi của nghĩa quân Lam Sơn một thuở. Chuyện kể rằng, cách đây trên 600 năm, Lê Khôi sau khi dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, trên đường ra Bắc về đến vùng biển Cửa Sót thì lâm bệnh, ngài dừng bên núi Long Ngâm rồi qua đời. Tưởng nhớ danh tướng có công lao to lớn với đất nước, người dân đã xây mộ, lập đền thờ. Hàng trăm năm trôi qua, đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi nằm phía Tây Bắc núi Long Ngâm được Nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ.

Ngày nay, câu chuyện về các tiền nhân đang được khai thác, trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng biển Cửa Sót. Và với bàn tay, khối óc con người, nơi đỗ thuyền của Chử Đồng Tử và Tiên Dung xưa giờ là Khu du lịch (KDL) sinh thái Quỳnh Viên với những công trình hiện đại mà trang nhã, là nơi nghỉ dưỡng sang trọng, gần gũi thiên nhiên.

a3.jpg
Du khách tham quan, nghỉ dưỡng ở KDL Quỳnh Viên vui chơi trên bãi biển.

Không chỉ Quỳnh Viên, mỗi bãi biển ở Hà Tĩnh đều gắn với những câu chuyện mang sắc màu huyền thoại, làm du khách say đắm mỗi khi về đây tham quan, nghỉ dưỡng. Đó là biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), với truyền thuyết về Vua Hùng thứ 18 khi du ngoạn qua đây đã cảm hứng trước âm thanh của sóng biển tha thiết, vẻ đẹp của bãi biển nên thơ mang dáng hình chiếc đàn mà đã đặt tên miền quê này là Thiên Cầm. Biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) gắn với huyền tích về Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu cùng vua Trần Duệ Tông ra trận chiến đấu và hy sinh, được an táng, lập đền thờ tại nơi này…

Ngày nay, trong muôn vàn điệp trùng sóng vỗ, những bãi biển cát trắng, nắng vàng gắn với huyền tích xưa ấy đã trở thành những khu, điểm du lịch khang trang, hiện đại thu hút du khách muôn phương tìm về tham quan, nghỉ dưỡng…

a4.jpg
KDL Thiên Cầm với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại. Ảnh: Hương Thành.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh (du khách Ninh Bình) bày tỏ: “Không phải ngẫu nhiên khi cả nước có nhiều bãi biển đẹp, nhưng mỗi mùa hè, tôi lại cùng gia đình và bạn bè chọn các khu, điểm du lịch biển ở Hà Tĩnh để tham quan, nghỉ dưỡng. Bởi, bên cạnh sự tiện nghi, đến biển Hà Tĩnh, chúng tôi như được hòa mình vào miền cổ tích xưa. Trong dòng nước xanh trong ở Thiên Cầm hay Quỳnh Viên…, chúng tôi còn được hiểu sâu hơn về lịch sử văn hóa của quê hương núi Hồng - sông La nói riêng và của dân tộc nói chung”.

Cùng những huyền thoại lắng sâu, mỗi bãi biển, làng chài ở Hà Tĩnh còn có những phong tục, tập quán, lễ hội văn hóa biển độc đáo như: lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (Nghi Xuân), lễ hội đền Bà Hải (TX Kỳ Anh)… Ngày nay, những di sản đó đã được khôi phục, giúp du khách tìm về với cội nguồn văn hóa.

a5.jpg
Mùa hè trên biển Lộc Hà.

Ông Hồ Việt Anh - Ủy viên BCH Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch danh dự kiêm cố vấn Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Hiếm có vùng đất nào tiềm tàng trong mình nhiều câu chuyện văn hóa hấp dẫn như Hà Tĩnh. Trong đó, về biển, ngoài vẻ đẹp của những bãi biển hoang sơ, nước trong, cát vàng, hải sản tươi ngon có tiếng… là những huyền thoại lịch sử ly kỳ, mê hoặc. Tất cả những yếu tố đó đã và đang được xây dựng các sản phẩm du lịch thu hút du khách bốn phương”.

Náo nức gọi mời

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa biển, thời gian qua, Hà Tĩnh đã không ngừng xây dựng các khu, điểm du lịch ven biển với cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều sản phẩm du lịch biển hấp dẫn…

a6.jpg
Beach Club Thiên Cầm đã chuẩn bị chu đáo để chào đón du khách trong mùa hè 2024.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Hiện nay, Hà Tĩnh có khoảng 40 khu, điểm du lịch, với 15 cơ sở đã được chứng nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh. Trong đó, các khu, điểm du lịch biển chiếm ưu thế về cả số lượng lẫn sự đầu tư quy mô, chất lượng dịch vụ. Tiêu biểu như: KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), KDL sinh thái Quỳnh Viên (Thạch Hải, Thạch Hà), KDL Xuân Thành (Nghi Xuân), Resort Vinpearl Melia Cửa Sót (Lộc Hà), C-Resort Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… Để chuẩn bị đón khách trong mùa hè này, chúng tôi đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, KDL, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ chỉnh trang cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đội ngũ nhân sự, sản phẩm du lịch… để thu hút du khách về với biển Hà Tĩnh”.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh cũng như hướng dẫn của Sở VH-TT&DL, các địa phương có KDL, điểm du lịch biển trên toàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều phần việc để chuẩn bị đón khách. Trong đó, nhiều địa phương đã sớm lên kế hoạch khai trương du lịch biển năm 2024. Tiêu biểu như huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp, xây dựng mới nhiều hạng mục tại KDL biển; tổ chức các hoạt động khai trương du lịch biển…

a21.jpg
Với cơ sở hạ tầng, các khu lưu trú hiện đại, nhiều dịch vụ hấp dẫn, biển Hà Tĩnh ngày càng thu hút du khách gần xa.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Song song với lợi thế du lịch văn hóa tâm linh, chúng tôi dành sự đầu tư lớn cho du lịch biển. Trong đó, phấn đấu đưa Xuân Thành trở thành KDL biển hiện đại, với cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều sản phẩm hấp dẫn thu hút đông đảo du khách mọi miền về tham quan, nghỉ dưỡng, không chỉ trong mùa cao điểm mà còn ở những thời điểm khác trong năm”.

Biển đã vào hè, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đang náo nức mời gọi du khách gần xa. Ông Lê Ngọc Doãn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Việt Holiday bày tỏ: “Chúng tôi phấn khởi khi các khu, điểm du lịch biển Hà Tĩnh ngày càng được đầu tư khang trang, thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn. Đây là động lực để đơn vị làm lữ hành như Việt Holiday xây dựng các tour, tuyến mời gọi du khách mọi miền về với biển Hà Tĩnh trong mùa hè này”.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast