Về Hồng Lĩnh xem đất Trung Lương thay đổi ngỡ ngàng

(Baohatinh.vn) - Ai về đất Trung Lương chắc không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay to lớn của miền quê dưới chân Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Ven bờ sông La muôn thuở là hình bóng thân thương của mạch đất Vân Chàng - Minh Lương xưa.

Cụm từ “Đầu Mênh (Minh) - cuối Sót” nói về địa giới đất Thiên Lộc xưa bắt đầu từ dòng Minh Lương, cửa ngõ của Trung Lương ngày nay. Minh Lương, dòng trong với phù sa muôn đời tài bồi nên vóc dáng của làng quê thuần lương. Dòng xanh mát như dòng sữa mà nên cốt cách người quê.

Về Hồng Lĩnh xem đất Trung Lương thay đổi ngỡ ngàng

Phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nằm bên dòng sông La được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng khá đặc biệt.

Theo dấu tích thời gian, nghìn năm trước đã hình thành quần cư dưới bóng Tiên Sơn. Ngọn Tiên Sơn tròn như mâm xôi bên bờ sông Minh để con người dừng chân khai phá nên quê hương bản quán từ buổi đầu của dòng chảy lịch sử. Nhìn lên mây vờn Hồng Lĩnh, vời trông sóng vỗ dòng Lam, cảnh quê sơn thủy hữu tình cho con người nơi đây tiềm ẩn dáng vẻ riêng, cốt cách riêng của người đất Trung Lương.

Trung Lương đất mẹ đẹp làm sao

Phía sau Hồng Lĩnh, trước sông Rào.

Trải bao đời, lớp lớp người Trung Lương mải miết dựng cơ đồ. Đồng ruộng tốt tươi cho nặng trĩu mùa vàng. Rồi ông Đùng cho người Vân Chàng sắt núi Hồng, dạy nghề rèn nông cụ mà làm ăn. Sương khói huyền thoại về một làng nghề truyền thống còn in đậm trong tâm hồn để người ta nhớ về lục Tổ thánh thợ mà nghề nghiệp nối đời như ngọn lửa hồng tươi không bao giờ tắt.

Dưới bóng Tiên Sơn là nét đẹp văn hóa tâm linh khi người bản địa thành kính hướng về nguồn cội. Quần thể di tích ở Tiên Sơn là sự điển hình về tín ngưỡng của người Việt. Chùa Tiên Sơn, đền Tiên, đền Thánh Thợ, Chúa Kho... điểm mặt đặt tên cho sự ngưỡng vọng của bao lớp người nơi đây về một đức tin truyền đời. Đức tin ấy là giá trị văn hóa tinh thần luôn phát sáng từ thuở khai cơ sinh nghiệp đến ngày nay.

Về Hồng Lĩnh xem đất Trung Lương thay đổi ngỡ ngàng

Làng rèn Trung Lương ngày nay. Ảnh: Giang Nam

Dưới bóng ân trạch của tiền nhân, ngọn Tiên Sơn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Trung Lương. Một mái cong uyển chuyển của già lam đồng điệu với mái ngói rêu phong bên đền Thánh Thợ. Giếng Tiên soi bóng những nét rồng bay phượng múa giữa thiên thanh. Đường nét tài hoa có thần khí mà cha ông xưa để lại như lời minh chứng với thời gian rằng, ngọn lửa sinh khí của nơi này luôn bùng cháy mạnh mẽ để tạo dựng nên cơ ngơi ngày một bề thế, khang trang. Bao lớp trầm tích văn hóa là bấy nhiêu tâm sự mà cha ông nhắn gửi cùng cháu con về những giá trị chân thiện mỹ từ lao động sáng tạo và trách nhiệm với cuộc đời.

Tôi tìm về Tiên Sơn của đất Trung Lương. Ở đây lưu giữ những giá trị sinh động và phong phú tồn tại với thời gian. Một vọng lâu tháp chuông vươn lên nền xanh. Những tam quan in bóng Quan Âm kinh kệ một thời. Những hoa văn rêu phong cổ kính khi người ta ngưỡng vọng ân đức người có công với dân, với nước. Bao đường nét tinh xảo, tài hoa nơi đền Thánh Thợ là thông điệp của nghệ nhân xưa gửi cho đời nay về vùng đất giàu trầm tích văn hóa.

Về Hồng Lĩnh xem đất Trung Lương thay đổi ngỡ ngàng

Hội thi gói bánh chưng dâng Thánh tại Lễ hội đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười, phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh năm 2020. Ảnh: Giang Nam

Dưới bóng Tiên Sơn là khói hương trầm mặc. Là tiếng chuông nền nã, khoan thai nơi chốn tịnh tâm với cuộc đời dâu bể. Là nơi giữ gìn những thuần phong mỹ tục của người Việt xứ Trung Lương. Sự giao thoa của loại hình tín ngưỡng vừa đăng đối, vừa hỗ trợ nhau làm nên nét hài hòa cho con người sau những lao động đời thường có thể tịnh tâm thư giãn mà chiêm nghiệm triết lý từ thế cuộc, mà hướng về cội nguồn xa xưa để bày tỏ niềm thành kính. Những nét điển hình hiếm thấy ở Tiên Sơn từ quần thể di tích được xếp hạng văn hóa là bằng chứng về một địa chỉ lưu giữ ánh sáng văn hóa tín ngưỡng không phai nhạt bởi thời gian hay binh hỏa. Điều này chứng tỏ sức sống bền bỉ trong tinh thần cộng đồng bởi luôn trân trọng những giá trị mà người xưa truyền lại.

Trải bao phen đổi thay, vẫn một ngọn Tiên Sơn trầm mặc. Vọng tiếng chuông chiều gọi bóng hoàng hôn. Khói hương bao độ tỏ mờ vẫn nguyên một nét duyên xưa. Người Trung Lương luôn tự hào là mạch đất của sông núi hiền lương, của con người lao động cần cù, sáng tạo và hơn hết luôn tôn trọng và giữ gìn những giá trị đời sống để vươn lên. Dưới ánh sáng chấn hưng văn hóa của Đảng và Nhà nước, trên bước đường hội nhập và đổi mới, người ta càng biết nhiều về bản sắc văn hóa Trung Lương.

Về Hồng Lĩnh xem đất Trung Lương thay đổi ngỡ ngàng

Lễ rước cấp thủy (rước nước) tại lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười (Phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh).

Tập tục thờ phụng trong tâm linh cộng đồng làng xã người Việt ở Tiên Sơn là tồn tại hy hữu, không bị mai một bởi thời gian. Vì lẽ đó, những giá trị độc đáo ở đây không riêng gì của Trung Lương - Hà Tĩnh mà là của cả dân tộc. Thật vinh dự và tự hào cho vùng đất “Non xanh nước biếc đầy thơ mộng - Lửa thần đe búa vọng trời cao”.

Còn mãi với thời gian lửa thần Trung Lương. Tiếng lành đồn xa, tiếng tốt vang xa, nghề đúc rèn tinh xảo ở Trung Lương truyền tụng vang khắp mọi miền. Công cuộc đổi mới, hội nhập đã làm thay đổi căn bản diện mạo một làng nghề thủ công nổi tiếng. Máy móc, thiết bị và kỹ thuật hiện đại đã nâng cao giá trị sản phẩm trăm lần. Khắp cả nước và các nước bạn gần, sản phẩm của nghề rèn đúc Trung Lương tiếp bước khẳng định vị thế của mình. Tinh hoa của nghề truyền thống mà ông cha truyền lại để con người hôm nay tiếp thêm sức mạnh.

Quá khứ và hiện tại đang giao hòa bởi mạch đời không ngừng tuôn chảy. Người Trung Lương hôm nay đang viết tiếp những trang đời đẹp như một miền quê giàu sự tích. Tầm cao Trung Lương soi bóng non Hồng, in dòng Lam Thủy. Bao thế hệ nối tiếp nhau, đặt những viên gạch bằng mồ hôi và công sức lao động sáng tạo nên mái nhà ấm no, hạnh phúc, xứng danh một Trung Lương đang vươn lên mạnh mẽ bằng nội lực từ chốn hương thôn bước ra thành thị với bước đi vững chãi đầy tiềm lực, sánh vai cùng một đô thị Hồng Lĩnh từng ngày lớn mạnh.

Thấp thoáng bóng hình Tiên Sơn bên dòng sông với nền xanh hiền hòa. Dưới trời quê thanh bình, đất và người Trung Lương đang âm thầm tỏa sáng. Ánh sáng của xưa và nay hòa nhập. Ánh sáng của ngọn lửa truyền đời luôn hiện hữu với thời gian. Hãy đến Trung Lương, vọng đền thánh Tiên Sơn để hiểu thêm câu ca:

Tinh thông nghề thánh lưu muôn thuở

Tiếng đẹp tên làng vọng bốn phương.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
Lan tỏa di sản dân ca ví, giặm trong trường học Hà Tĩnh

Lan tỏa di sản dân ca ví, giặm trong trường học Hà Tĩnh

Không chỉ đưa dân ca ví, giặm vào bài giảng, nhiều trường học ở vùng đất di sản Nghi Xuân (Hà Tĩnh) còn thành lập câu lạc bộ để tạo sân chơi cho những học sinh có năng khiếu, đam mê ví, giặm của quê hương.
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Tìm hiểu về Hà Tĩnh trong thời kỳ phong kiến

Tìm hiểu về Hà Tĩnh trong thời kỳ phong kiến

Những tài liệu nghiên cứu về Hà Tĩnh thời kỳ phong kiến là cơ sở để các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, vai trò, trách nhiệm trong xây dựng quê hương, đất nước.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.