Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

(Baohatinh.vn) - Hơn 94% hộ dân của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đang sử dụng nước giếng khoan, nước mặt chưa qua xử lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tác động đến quá trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

Người dân Kỳ Anh phải dùng bể lọc để lọc nước bơm lên từ các giếng khoan.

Xã Kỳ Đồng là trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh. Sau 6 năm điều chỉnh địa giới hành chinh huyện Kỳ Anh, người dân Kỳ Đồng cũng như toàn bộ cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn đang phải dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa để nấu ăn, tắm giặt.

“Nước ngầm ở khu vực thôn Đồng Tiến (xã Kỳ Đồng) bị nhiễm phèn. Quần áo giặt vài nước là chuyển màu vàng. Ngoài ra, thôn nằm giữa bốn bề là đồng ruộng nên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm rất lớn. Mong muốn của người dân nơi đây là sớm có nhà máy nước sạch để sử dụng, đảm bảo sức khoẻ”, ông Trần Đặng Hậu – Trưởng thôn Đồng Tiến cho hay.

Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

Nước bơm trực tiếp từ giếng khoan ở xã Kỳ Đồng bị nhiễm phèn, màu vàng đục.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng, thời gian qua, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều tiêu chí, phấn đấu đạt đô thị loại 5 vào năm 2022, lên thị trấn vào năm 2024. Tuy nhiên, về tiêu chí nước sạch đang gặp khó khăn khi chưa có nhà máy xử lý. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho người dân mà còn là tiêu chí “cứng” để đánh giá đô thị đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, tại các khối cơ quan hành chính đóng trên địa bàn, hằng ngày có hàng trăm cán bộ đến làm việc và ăn nghỉ tại các nhà ăn, khu tập thể. Khó khăn vất vả mà cán bộ công chức địa phương này phải đối mặt hằng ngày là nước sinh hoạt chưa đảm bảo.

“Cơ quan chúng tôi đang dùng nước giếng khoan. Mặc dù đã qua hệ thống lọc nhưng khi sử dụng làm nước ăn, đặc biệt là nấu nước chè thì không đảm bảo, nước có màu đen và nhanh hỏng. Ngoài ra, việc tắm giặt cũng phải hạn chế vì nguồn nước ngầm vào mùa nắng cũng không đủ” - một cán bộ UBND huyện Kỳ Anh cho hay.

Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

Nguồn nước giếng được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Được biết, toàn huyện Kỳ Anh có 36.000 hộ dân nhưng chỉ mới có 2.000 hộ dân thuộc địa bàn xã Kỳ Châu, Kỳ Hoa được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước sạch ở thị xã Kỳ Anh cung cấp. Hơn 94% số hộ còn lại hiện đang sử dụng nước giếng khoan, nước mặt chưa qua xử lý.

Theo quy định, để đạt chuẩn xã NTM nâng cao, huyện NTM đòi hỏi phải có trên 75% số hộ dân sử dụng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân, năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước sạch huyện Kỳ Anh và các xã phụ cận.

Ông Võ Xuân Hiển – Phó phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết, dự án này đã có nhà đầu tư quan tâm. Bước đầu triển khai dự án gặp vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp nước nhưng sau đó đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa triển khai dự án do chưa khảo sát kỹ về nhu cầu sử dụng nước, phạm vi, mức giá cấp nước…

Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

Nước sau khi lọc mặc dù vẫn có độ trong nhưng chỉ để 1 - 2 ngày là có mùi hôi, đặc biệt nấu nước chè là chuyển sang màu đen và rất nhanh hỏng.

Trước đó, ngày 16/9/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có Quyết định số 3106/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các dự án xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hoá, trong đó có Nhà máy nước sạch Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh). Tuy nhiên, đến nay, sau gần 1 năm vẫn chưa có nhà đầu tư nào nộp đơn đầu tư nhà máy nước sạch này.

Được biết, trên địa bàn toàn tỉnh đến nay mới có 1 doanh nghiệp đầu tư nước sạch nông thôn (ở xã Bùi La Nhân, Đức Thọ) nhưng hoạt động cũng đang khó khăn. Theo tìm hiểu, việc đầu tư nhà máy nước sạch vùng nông thôn gặp khá nhiều trắc trở, nhất là về hiệu quả đầu tư.

Theo đó, mức đầu tư lớn, giá nước thấp trong khi người dân vẫn có thói quen dùng nước ngầm, nước tự nhiên để sinh hoạt, chỉ dùng một phần rất ít nước máy để nấu ăn. Vì vậy, nếu không có hỗ trợ của Nhà nước đầu tư hạ tầng ban đầu thì sẽ rất khó khăn.

Vì sao 34.000 hộ dân Kỳ Anh vẫn chưa được dùng nước sạch?!

Trung tâm Hành chính huyện Kỳ Anh được đầu tư xây dựng khang trang nhưng đến nay vẫn còn thiếu hệ thống nước sạch.

“Việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho vùng trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh và các xã phụ cận không chỉ đáp ứng mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ và Nhân dân mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tiêu chí nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới theo lộ trình huyện đề ra trong năm 2023. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách để xây dựng hệ thống xử lý nước sạch tại địa phương”, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiến nghị.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.