Vũ khí siêu vượt âm có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo

Việc một số quốc gia tích cực đầu tư phát triển vũ khí siêu vượt âm làm dấy lên nỗi lo rằng một cuộc chạy đua vũ trang đã khởi động.

Nga tiến hành phóng tên lửa siêu vượt âm Zircon trên Biển Barents. Ảnh: ZUMA Press

Ngày 28/5, tại vùng biển Bắc Cực không xa Phần Lan và Na Uy, Hạm đội Phương Bắc của Nga đã phóng một tên lửa từ một tàu khu trục nhỏ ở Biển Barents. Tuy nhiên, đây không phải tên lửa thông thường. Theo hãng thông tấn TASS, tên lửa siêu vượt âm Tsirkon được cho là có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh và đã thành công khi bắn trúng mục tiêu cách đó hơn 1.000 km trên biển Bạch Hải.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Nga đã tiến hành tổng cộng 14 vụ phóng tên lửa, trong đó có tên lửa siêu vượt âm – vũ khí ngày càng được coi là mối đe dọa đối với Mỹ và NATO.

“Các ông đã thất bại trong việc kiềm chế Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong lần đầu tiên công bố kế hoạch về kho vũ khí siêu vượt âm hồi 2018.

Ngày 20/4, Điện Kremlin cho biết họ đã thực hiện một vụ phóng thử thành công tên lửa liên lục địa mới Sarmat từ Bắc Cực để đánh trúng mục tiêu cách đó 5.600 km ở cực Đông nước Nga. Mặc dù bản thân Sarmat không được coi là vũ khí vượt âm, nhưng Moskva có kế hoạch kết hợp nó với Avangard - một thiết bị bay siêu vượt âm có khả năng phóng hạt nhân.

Để ăn mừng vụ phóng, kênh truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng một video cho thấy các thủ đô của các nước châu Âu nằm trong tầm bắn của tên lửa chỉ trong 5 phút. Ông Aleksey Zhuravlyov, Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga, nói rằng từ các căn cứ ở Bắc Cực của Nga, vũ khí siêu vượt âm chỉ mất 10 giấy để có thể tới Phần Lan và nhấn mạnh vũ khí có thể đến Anh trong vòng 200 giây.

“Đó đều là những mối quan ngại đối với chúng ta”, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết và nói rằng bộ này cũng đang theo dõi sát sao các cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí hiện đại của Nga tại Bắc Cực.

Gần đây, Moskva thông báo nước này sẽ tiến hành thêm 19 vụ phóng vũ khí tại Bắc Cực cho đến hết năm, trong đó có các hệ thống vũ khí tầm xa siêu vượt âm với độ chính xác cao.

Trong 3 năm qua, Mỹ đã đầu tư gần 10 tỷ USD để phát triển vũ khí siêu vượt âm. Nga và Trung Quốc thì đang ráo riết thử nghiệm. 9 quốc gia khác bắt tay vào nghiên cứu, làm dấy lên nỗi lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang đã khởi động.

Theo các chuyên gia, với tính năng di chuyển với tốc độ cao và có thể thay đổi hướng đi khi đang bay, các loại tên lửa siêu vượt âm rất khó để hệ thống phòng không thông thường đánh chặn. Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện hè năm ngoái, Thượng nghị sĩ Angus King thừa nhận: “Khi nói đến vũ khí siêu vượt âm, hệ thống phòng tên lửa của phương Tây không thể theo dõi và đánh chặn chúng”.

Trong khi Nga được cho là quốc gia thử nghiệm nhiều vũ khí siêu vượt âm nhất, thì Trung Quốc lại được đánh giá là sở hữu những vũ khí phức tạp hơn. Một cuộc thử nghiệm “bắn phá quỹ đạo” vào tháng 10/2021 của Trung Quốc ấn tượng đến mức trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã gọi đây là “một sự kiện công nghệ rất quan trọng”.

Một số nhà lập pháp, như Hạ nghị sĩ Matt Gaetz đã chỉ trích Lầu Năm Góc đã tụt lại so với Nga và Trung Quốc về phát triển vũ khí siêu vượt âm. Trong khi đó, Quốc hội đã tăng cường tài trợ cho Lầu Năm Góc phát triển chương trình siêu vượt âm, đầu tư 4,7 tỷ USD vào năm 2023, vượt mức 3,8 tỷ USD cho năm 2022.

Một tên lửa siêu vượt âm ở Mỹ hiện có giá khoảng 100 triệu USD, trong khi chỉ mất 1 triệu USD để chế tạo ra một tên lửa hành trình. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm của tên lửa siêu vượt âm Mỹ không phải lúc nào cũng thành công. Tuần trước, một vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ở Hawaii đã thất bại, tương tự như vụ phóng thử vào tháng 10 năm ngoái ở Alaska.

Một số chuyên gia tin rằng các nước đổ xô phát triển vũ khí siêu vượt âm là một phần kết quả của quá trình phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi cũng như việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) với Nga vào năm 2002. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực phòng thủ tên lửa đã tăng vọt dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush, điều này đã khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận ABM với Nga vì thỏa thuận ngăn cản Mỹ xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa trên diện rộng.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói