Do đợt mưa lũ gần đây Trường Mầm non Đức Lĩnh bị gập gần 1,5 m nên chiều nay, cán bộ, giáo viên đã tập trung chuyển đồ đạc, vật dụng, trang thiết bị lên tầng 2 để đảm bảo an toàn
Đến chiều tối nay (1/11), toàn huyện Vũ Quang mới có một số tuyến đường liên xã và liên thôn vùng hạ huyện bị ngập, 1 xã và 6 thôn với 650 hộ dân bị cô lập, 2 nhà văn hóa bị ngập. Song, các biện pháp phòng chống mưa lũ đã được huyện triển khai và phát huy hiệu quả.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Sáng nay, UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổ chức họp khẩn cấp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phòng chống lũ lụt; chiều nay, các thành viên được phân công nhiệm vụ đã về cơ sở để bám nắm, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Các địa phương đã được chỉ đạo trực 24/24h, bố trí đầy đủ lực lượng để theo dõi tình hình, triển khai các biện pháp ứng phó, tổ chức ứng cứu kịp thời khi cần thiết. Đặc biệt là bố trí gác, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các tuyến đường bị ngập, các thôn xóm đã bị cô lập...
Người dân thôn Hội Trung, xã Đức Liên vừa gia cố gầm chạn vừa thông tin tình hình lũ lụt cho người thân ở nơi xa
Tinh thần chủ động thể hiện khá rõ ở các địa phương đang bị ngập. Ông Nguyễn Xuân Thê – Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: Mực nước trên địa bàn xã chưa lớn bằng đợt trước nhưng đã gây ngập các tuyến đường liên thôn ở 5 xóm vùng ngoài, cô lập 2 xóm Yên Du và Cừa Lĩnh với khoảng 100 hộ dân. Chính quyền địa phương đang huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để bám nắm từng địa bàn thôn xóm, theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó. Từ nay đến sáng mai, tất cả tuyến đường bị ngập sẽ bố trí lực lượng công an viên và các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể canh gác, cảnh báo.
Người dân thôn Đồn Thượng, xã Đức Liên đưa bò đến nơi cao để tránh trú, đề phòng đêm nay nước lũ lên cao.
Do lũ đến muộn hơn so với các huyện khác nên trong chiều nay, người dân các xã vùng hạ huyện và những vùng thường xuyên bị ngập tiếp tục di dời tài sản, súc vật để đề phòng đêm về nước lũ lên cao. Trên nhiều trục đường thôn, người dân đã lùa trâu bò đi đến những địa điểm cao hơn để tránh trú, các đàn gia gia cầm đã được nhốt trên các bè tự tạo, các gầm chạn trên nhà tiếp tục được gia cố thêm để chất được nhiều đồ hơn và các nội dung công việc khác đã cơ bản tươm tất.
Một số hộ bị ngập nặng như ở thôn 7, xã Đức Bồng đã lựa chọn phương án ghép bè để bảo vệ đàn gia cầm
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Sáng nay, 400 học sinh ở trường mầm non và Trường Tiểu học Đức Giang được nghỉ học; chiều nay, một số trường đã cho nghỉ học sớm, liên hệ với phụ huynh để đưa về an toàn. Sáng mai, tất cả trường học từ mầm non đến THCS ở các xã vùng hạ huyện sẽ nghỉ học. Dù chưa có trường nào bị ngập nhưng để giảm thiểu thiệt hại, các trường học đã di dời tài sản, sách vở, trang thiết bị dạy học lên nơi cao ráo, an toàn, đề phòng đêm nay có mưa lũ lớn xẩy ra”.
Trong khi đó, tại huyện Hương Sơn, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn đã thông báo dự kiến xả lũ bắt đầu từ 6h ngày mai (2/11) với lưu lượng xả dự kiến 15-20 m3/s.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 1/11, UBND huyện Hương Sơn đã ban hành công điện hỏa tốc gứi các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị để chủ động ứng phó, nhất là khi có mưa lớn.
Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn dọc hai bên sông Ngàn Phố thông báo đến từng hộ dân ở ven sông, hộ dân nằm trong vùng lũ quét biết về tình hình mưa lũ, thời gian và lưu lượng xả của hồ Thủy điện Hương Sơn; chỉ đạo các hộ dân chủ động trong việc di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trong thời gian xả lũ.
Phân công lực lượng sẵn sàng trực, canh gác, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm nước lụt ngập lâu, ngập sâu; các tuyến đường qua khe suối, các tuyến đường nước chảy xiết để người dân biết, né tránh; nghiêm cấm đò ngang hoạt động trên sông Ngàn Phố khi có nước lớn, chảy xiết, không đảm bảo an toàn.
Các thành viên BCH PCTT-TKCN huyện Hương Sơn theo địa bàn được phân công trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo địa phương, các hộ dân thực hiện nghiêm túc.