Chiều nay (15/4), UBND huyện Vũ Quang tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mô hình thí điểm nuôi thương phẩm cá lăng, cá leo, cá chép dòn, cá trắm dòn bằng công nghệ lồng nhựa HDPE ở hồ Ngàn Trươi. Cùng dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh và các ban, ngành liên quan. |
Toàn cảnh hội nghị.
Mô hình thí điểm nuôi cá lồng bè trong lòng hồ Ngàn Trươi có vị trí cách đập chính khoảng 2 km, nằm trong vịnh nhỏ, có quy mô 4 ha với 14 lồng nuôi do HTX Dịch vụ Nông lâm thủy sản Vũ Quang thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư mô hình hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ gần 300 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai mô hình, UBND huyện Vũ Quang đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn HTX cách chế biến thức ăn, quản lý khẩu phần ăn, quản lý môi trường nước và theo dõi sự phát triển của cá.
Mặc dù mới triển khai nuôi thí điểm được 6 tháng nhưng mô hình bước đầu đã cho kết quả tốt. Đối với cá lăng, cá leo trọng lượng đạt từ 1,5 - 2 kg/con, tỷ lệ sống đến kỳ thu hoạch đạt khoảng 75%; cá trắm dòn, chép dòn trọng lượng đạt từ 4 - 4,5 kg, tỷ lệ sống đến kỳ thu hoạch đạt 98%.
Hiện tại, HTX Dịch vụ Nông lâm thủy sản Vũ Quang đang bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên, sản lượng ước đạt 25 tấn, thu về khoảng 2,3 tỷ đồng, trừ tất cả chi phí lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm thủy sản Vũ Quang: Trong quá trình nuôi cá khỏe mạnh và phát triển nhanh; thời gian tới HTX mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành để có điều kiện nhân rộng mô hình nuôi.
Quá trình nuôi cho thấy phát sinh chất thải ít, chất thải được HTX thu gom và xử lý theo quy định, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như các tác động khác về môi trường. Đến nay, các yếu tố môi trường nước của hồ Ngàn Trươi đều nằm trong ngưỡng an toàn, thích hợp sự sinh trưởng và phát triển của cá.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 đồng ý cho huyện triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Với kết quả đạt được, UBND huyện Vũ Quang mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 đồng ý để địa phương triển khai nhân rộng mô hình tại các vị trí đã khảo sát; UBND tỉnh, Chi cục Thủy Lợi đồng ý, tạo điều kiện cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi cá tại hồ Ngàn Trươi và nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ lồng, cá giống nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi tại hồ.
Trước đó, đoàn đã đi kiểm tra mô hình nuôi cá lăng, cá leo, cá chép dòn, trắm dòn của HTX Dịch vụ Nông lâm thuỷ sản Vũ Quang.
Về phía huyện, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng, dự kiến hỗ trợ 50% kinh phí lồng nuôi; phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ theo chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.
Cá chép dòn, trắm dòn sau 6 tháng nuôi đến nay đã có trọng lượng từ 4 - 4,5kg.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đánh giá cao thành công của mô hình; cá lăng, cá leo, chép dòn, trắm dòn khỏe mạnh, nhanh lớn, ít dịch bệnh, dễ tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân đánh giá cao những kết quả mà mô hình đã đạt được
Đây thực sự là hướng đi mới giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trên diện tích mặt nước, đồng thời góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh yêu cầu UBND huyện Vũ Quang cần đánh giá chặt chẽ các tác động môi trường, tăng cường kiểm tra quá trình nuôi, tuyệt đối không được làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh...