Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị.
Sáng 23/11, Thường trực Tỉnh ủy có buổi đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh năm 2022 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Đặng Ngọc Sơn; đại diện các sở, ban, ngành. Hội nghị được tổ chức từ điểm cầu UBND tỉnh đến 213 điểm cầu huyện, xã với sự tham dự của 8.875 đại biểu. |
Đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng nhấn mạnh: Đây là sự kiện hết sức quan trọng nhằm phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các ngành, các cấp sẽ tiếp thu và giải đáp thắc mắc các kiến nghị, đề xuất của hội viên nông dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu đặt vấn đề.
Để hội nghị đạt hiệu quả theo tinh thần đối thoại dân chủ, thẳng thắn với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu cán bộ, hội viên nông dân nắm chắc các nội dung, nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm.
Cần thêm cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM
Tại buổi đối thoại, các cán bộ, hội viên nông dân trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tình trạng giống, phân bón kém chất lượng trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi; giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tiêu thụ, chế biến cam, bưởi, giúp nông dân ổn định đầu ra; giải pháp xây dựng bộ giống chủ lực thống nhất trên toàn tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Trọng Hương (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên): Cần thêm chính sách hỗ trợ thúc đẩy người chăn nuôi lợn tái đàn, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Nêu thực trạng bệnh viêm da nổi cục đàn bò và dịch tả lợn châu Phi làm nhiều vật nuôi bị chết trong các năm 2020 và 2021, hội viên nông dân mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ. Đồng thời, có thêm chính sách hỗ trợ đối với chăn nuôi lợn nông hộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân tái đàn, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Ông Nguyễn Sỹ Đạt - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đạt Lộc (xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà): Tỉnh cần có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể.
Thẳng thắn nhìn nhận việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở một số địa phương còn lúng túng, đặc biệt là việc áp dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, quản lý, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân còn hạn chế, cán bộ, hội viên nông dân đặt câu hỏi: tỉnh có cơ chế chính sách gì để khuyến khích hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thời gian tới?
Hội nghị đối thoại có sự tham gia của 8.875 đại biểu tại 214 điểm cầu.
Trình bày tại đối thoại, đại biểu cũng cho rằng tỉnh cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển đô thị văn minh, để nông dân ở các thị trấn và phường có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp cũng được hưởng chính sách để phát triển sản xuất; cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao và môi trường sống xanh cho người dân đô thị; có thêm cơ chế thông thoáng để hợp tác xã có thể tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bà Chu Thị Hồng Hà - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (điểm cầu Hương Sơn): Để tạo thương hiệu lớn mạnh và xứng tầm với sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh có giải pháp gì để nâng tầm sản phẩm nhung hươu Hương Sơn trở thành thương hiệu nhận diện của tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu nông dân cũng bày tỏ sự quan tâm về giải pháp khắc phục tình trạng rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân vùng nông thôn; bổ sung thêm nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho bà con nông dân; tháo gỡ khó khăn về nhân sự cấp chi hội do phụ cấp chi hội trưởng giảm nhiều…
Điểm cầu trực tuyến tại huyện Hương Sơn.
Hỗ trợ người dân tối đa trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Trả lời ý kiến của đại biểu về sản xuất và tiêu thụ cam, bưởi, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: Hiện nay, chủ trương của tỉnh là ổn định diện tích sản xuất, hạn chế mở rộng diện tích trồng mới và tập trung vào đầu tư chất lượng, ưu tiên thâm canh để tăng năng suất, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu, thực hiện chuyển đổi số, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt giải trình các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân.
Với kiến nghị của đại biểu xoay quanh vấn đề giá giống lúa trên địa bàn tỉnh cao hơn các địa phương khác, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, trước mỗi vụ sản xuất, ngành đều thành lập các đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp; hướng dẫn sản xuất tại các địa phương, nắm bắt tình hình sản xuất, cơ cấu giống để có giải pháp bổ cứu kịp thời. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra việc niêm yết, công khai giá và chất lượng giống, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm nếu có.
Toàn cảnh hội nghị
Về hỗ trợ người dân có gia súc tiêu hủy do dịch bệnh, đối với dịch tả lợn châu Phi năm 2020, với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã hoàn thành chi trả kinh phí cho người chăn nuôi và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định. Theo đó, tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh là hơn 1 tỷ đồng, các địa phương trích nguồn dự phòng hỗ trợ 10% tổng giá trị thiệt hại.
Đối với dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi năm 2021, do chưa có cơ chế, định mức cụ thể từ Trung ương nên tỉnh chưa có cơ sở xem xét hỗ trợ người dân. Ngày 31/10/2022, Bộ NN&PT đã đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ xem xét, ban hành nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, chống dịch bệnh động vật, hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đã giải trình các nội dung quản lý chất lượng phân bón; quản lý vùng trồng bưởi Phúc Trạch; chính sách phát triển nông nghiệp ven đô, khai thác thủy hải sản…
Thông tin về hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của nông dân, Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ, nhiều doanh nghiệp, HTX cơ sở tham gia và tiêu thụ được số lượng lớn sản phẩm.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng trả lời về hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Tới đây, ngành công thương tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa các sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn, tiêu thụ bền vững.
Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp để nâng tầm sản phẩm nhung hươu Hương Sơn trở thành thương hiệu nhận diện của tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn cho rằng chất lượng sản phẩm phải đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, sản lượng ổn định, mẫu mã sản phẩm và nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng.
Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn nêu các giải pháp nhận diện thương hiệu nhung hươu Hương Sơn.
Hiện nay, sản phẩm từ nhung hươu chưa nhiều, cần có giải pháp chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và gắn với phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương. Cùng đó, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ thương hiệu.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh giải đáp thắc mắc về nội dung các hộ ở những đơn vị hành chính sáp nhập đến nay chưa được chỉnh sửa lại giấy tờ tùy thân và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lãnh đạo các sở, ngành LĐ-TB&XH, TN&MT, KH&ĐT, Tài chính cũng thông tin rõ hơn với đại biểu về việc hỗ trợ để phá bỏ bờ thửa, san phẳng mặt ruộng và đầu tư nâng cấp mở rộng hạ tầng phục vụ sản xuất các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất; xử lý rác thải vùng nông thôn; quản lý vùng trồng để bảo vệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch; phát huy hiệu quả của các HTX; vấn đề tạo việc làm cho người lao động; xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập cơ sở hành chính…
Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm thông tin về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 3.700 trạm BTS, phủ sóng 4G đến 98% khu dân cư toàn tỉnh, 100% các thôn có hạ tầng cáp quang phục vụ người dân tham gia vào chuyển đổi số. Năm 2023, sẽ xóa bỏ 100% vùng “lõm” sóng, đáp ứng cho thực hiện chuyển đổi số.
Hằng năm, Sở TT&TT đã phối hợp các đơn vị tổ chức rà soát, thực hiện các tiêu chí về ứng dụng chuyển đổi số, hướng dẫn người dân thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn…; thành lập chuyển đổi số cộng đồng; tổ chức tập huấn kỹ năng để ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trò chuyện với cán bộ, hội viên nông dân bên lề hội nghị.
Xây dựng nông thôn Hà Tĩnh hiện đại, đổi mới, nông nghiệp phát triển bền vững
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp rất quan trọng và to lớn vào sự phát triển của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tập trung xây dựng người nông dân Hà Tĩnh tự tin, tự chủ, chuyên nghiệp, là chủ thể sáng tạo xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn Hà Tĩnh hiện đại, đổi mới, phát triển không ngừng về mọi mặt, hình thành giá trị mới, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Các cơ quan, đơn vị phải tạo được môi trường thuận lợi, có cơ chế, chính sách phù hợp; quản lý giá cả vật tư nông nghiệp, các yếu tố đầu vào, hỗ trợ đầu ra. Hội viên, nông dân phải được trang bị kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo nghề, phát triển các ngành, nghề ở nông thôn để nông dân yên tâm làm giàu bền vững tại miền quê mình đang sống.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nền nông nghiệp phải mạnh dạn đột phá, phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng miền. Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất, chủ yếu phục vụ mục đích thương mại, bán ra thị trường, xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phát triển nền nông nghiệp phải dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái; sử dụng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên; đảm bảo giữ gìn môi trường sống không bị hủy diệt và tránh ô nhiễm.
Các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy doanh nghiệp nông nghiệp làm vai trò “bà đỡ”; đề ra các chính sách cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, hấp dẫn để hỗ trợ, khuyến khích có hướng phát triển mới.
Người nông dân Hà Tĩnh phải đổi mới tư duy hơn nữa. Sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo sạch, an toàn, phải vì lợi ích của người tiêu dùng, vì lợi ích xã hội, không vì lợi nhuận trước mắt.
Các cấp, ngành, tổ chức hội phải luôn quan tâm, thấu hiểu những suy nghĩ, băn khoăn của người nông dân, giúp nông dân tìm hướng ra cho phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập.
Tổ chức hội phải làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân. Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cùng đó là chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách; tham gia hoặc trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo, kiện toàn củng cố tổ chức hội nông dân các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là các cơ sở hội; quan tâm bổ sung quỹ cho tổ chức hội; ban hành các chính sách khuyến khích nông dân phát triển sản xuất; quan tâm hỗ trợ nông dân yếu thế; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nông dân phù hợp với từng đối tượng; chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực chào mừng đại hội hội nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu cấp tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy khẳng định: Những ý kiến trao đổi, giải đáp của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tại hội nghị đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, hữu ích đến với đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy tiếp thu ý kiến chỉ đạo.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng sâu sắc, toàn diện của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đặc biệt là những nhiệm vụ đặt ra đối với tổ chức hội các cấp, để từ đó cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tin tưởng giao nhiệm vụ, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội; đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức hội và cán bộ, hội viên nông dân hoạt động, nhất là ở cấp cơ sở hiện còn nhiều vấn đề khó khăn.