Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyên nghiệp.

Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

Nhờ tích hợp đa giá trị nên bà Chu Thị Hồng Hà đã phát huy tối đa giá trị từ hươu sao, mang lợi nhuận cho doanh nghiệp từ 2 - 3 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy nhung hươu sử dụng theo cách thức truyền thống sẽ không khai thác được hết giá trị nên bà Chu Thị Hồng Hà (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) tìm tòi đầu tư chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của nhung hươu. Nghĩ thật, làm thật, đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà đã có nhiều sản phẩm chế biến sâu như: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương hươu.

Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

Đa dạng các sản phẩm chế biến sâu của doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà.

Bà Hà kể lại: “Để nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa sản phẩm bằng bao bì, nhãn mác, chúng tôi mang các sản phẩm của mình tham gia chương trình OCOP. Năm 2019, 3 sản phẩm nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu của doanh nghiệp đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ sở để doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để tiêu thụ”.

Nhờ bước đi “tích hợp đa giá trị” trên sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, đến nay, mỗi năm, Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận hơn từ 2 - 3 tỷ đồng.

Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

Bà Chu Thị Hồng Hà đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022.

Trong khi nhiều người trẻ ở các vùng nông thôn tìm cách “ly nông” thì chị Nguyễn Thị Hải Yến (xã Hương Bình, huyện Hương Khê) quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Tuy nhiên, ban đầu, chị Yến trồng nấm bằng hình thức ủ rơm thủ công truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp.

Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

Sản phẩm của HTX nấm bào ngư Hải Yến có chất lượng đồng đều nhờ ứng dụng khoa học trong sản xuất.

Là cử nhân Trường Đại học Nông Lâm Huế, với lợi thế có kiến thức, tư duy mới, chị Yến quyết tâm làm mới mô hình để mang về kết quả tối ưu hơn.

Chị Yến chia sẻ: “Từ những kiến thức được học và kinh nghiệm nhiều năm làm nông dân, chúng tôi nhận ra có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều thì phải ứng dụng khoa học, công nghệ mới. Từ đó, chúng tôi thành lập HTX nấm bào ngư Hải Yến, kêu gọi các thành viên góp vốn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị. Không chỉ đầu tư thiết bị, kỹ thuật, HTX cũng mạnh dạn du nhập, thử nghiệm nhiều giống mới vào sản xuất”.

Năm 2021, sản phẩm nấm bào ngư Hải Yến đã được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm không chỉ được khách hàng trên địa bàn đón nhận mà còn được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng thông qua thương mại điện tử. Nhờ vậy, lợi nhuận hàng năm của HTX đạt hơn 300 triệu đồng. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là sẽ áp dụng các giải pháp chế biến sâu để đa dạng sản phẩm; tận dụng bả thải từ phôi nấm để trồng các loại cây khác, xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Xây dựng thế hệ nông dân Hà Tĩnh mang tư duy kinh tế nông nghiệp

Sản phẩm nấm bào ngư Hải Yến đã được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp hội nông dân ở Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vận động nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và có giá trị kinh tế cao theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.

Khích lệ, động viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, thay đổi tư duy kinh tế trong nông nghiệp; quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để đầu tư cho phát triển sản xuất; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu đảm bảo về tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số…

Từ thực tế triển khai các hoạt động hội và phong trào nông dân đang góp phần hình thành một đội ngũ nông dân mới, nông dân kinh tế số, nông dân công nghệ ở Hà Tĩnh. Cùng với đó, các phong trào nông dân mà đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút nhiều tri thức trẻ trở về quê hương xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Đến nay, hàng năm toàn tỉnh có 17.522 hộ nông dân đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng, hộ có thu nhập cao ngày càng tăng. Trong đó, có gần 1.000 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên; gần 5.000 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Có thể thấy, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh thời gian qua đã có tác động rất tích cực trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Kết quả đó khẳng định vai trò quan trọng của các cấp hội nông dân trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên nông dân từ tỉnh đến cơ sở.

Bà Bùi Thị Thơm

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast