Những gam màu tươi sáng
Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh khởi nguồn từ những năm 2000 nhưng chỉ thực sự trở thành phong trào rộng khắp và hiệu quả kể từ khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chỉ lối, soi đường.
12 năm, nhìn lại một chặng đường phấn đấu quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu xuất sắc, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những gam màu tươi sáng cho bức tranh NTM tỉnh nhà.
Nhân dân Hà Tĩnh tự nguyện phá hàng rào, hiến đất, dồn sức người, sức của để xây dựng NTM.
Không chỉ là phong trào, là thành tích, với thực tiễn sinh động ở khắp mọi vùng quê từ miền xuôi đến miền ngược, từ “Bến Thủy đến Đèo Ngang”, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh thực sự có chiều sâu, hiệu quả thiết thực.
Điều đó thể hiện rõ nét, trước hết ở sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Các địa phương tiến hành đồng đều việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, mở đường cho sản xuất phát triển. Lực lượng sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ lao động thủ công sang cơ giới hóa và điện khí hóa; chỉ số về năng suất lao động nông nghiệp trên một số lĩnh vực sản xuất vốn thấp kém đã có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Miền trà sơn Can Lộc ngày nay trở thành “vựa” cam, bưởi nổi tiếng.
Máy móc cơ giới được đưa vào sản xuất đại trà, “khép kín” như: máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa, máy xay xát, xe, máy vận tải... đã giải phóng nông dân khỏi cảnh lam lũ “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Từ khâu then chốt đó, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển đa dạng ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Sự chuyển dịch đó đã đem đến thu nhập ngày càng cao cho người nông dân, không những đủ ăn, đủ mặc mà nhiều hộ đã trở nên khá giả. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 là 8,6 triệu đồng/người thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên gần 36 triệu đồng/người (tăng 4,2 lần); tỷ lệ hộ nghèo 23,6%, nay chỉ còn 4,6% (giảm 5,1 lần).
Người dân thôn vùng giáo Vinh Lộc, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) sôi nổi phong trào xây dựng NTM.
Về các vùng nông thôn Hà Tĩnh hôm nay, dù ở đâu chúng ta cũng sẽ được hòa mình vào những làng quê yên bình, trù phú và không ngừng thay da đổi thịt; ta sẽ được thấy “phố ở trong làng” bởi điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại, những con đường xanh bốn mùa hoa nở, được điểm tô thêm màu đỏ sắc cờ; đêm đêm điện sáng bừng như nơi phố phường, đô thị, càng gợi cho ta những cảm nhận chân thực nhất về vóc hình những miền quê đáng sống.
Không chỉ đẹp về diện mạo và vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hóa mới được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng, họ mạc vẫn trọn vẹn, thủy chung và gắn kết hơn. An ninh nông thôn được giữ vững. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, trong lành.
Điều đáng mừng là đời sống văn hóa nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn đậm đà bản sắc.
Ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Đến tháng 9/2022 có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn NTM, 177/181 xã đạt chuẩn, 50/181 xã đạt chuẩn nâng cao, 7/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 914 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước bởi tính rộng khắp của phong trào, bởi cách làm sáng tạo, năng động, quyết liệt, hiệu quả và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân. Bên cạnh nhiều điển hình của thời kỳ trước đang giữ vững ngọn cờ như: Tùng Ảnh (Đức Thọ), Gia Phố (Hương Khê), Tượng Sơn (Thạch Hà), Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)...; nhiều mô hình mới trỗi dậy như: Đức Lĩnh (Vũ Quang), Sơn Trường (Hương Sơn), Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên)...
12 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã xây dựng được những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống, tạo sự hài lòng cao trong mỗi người dân. Ảnh: Minh Lý
Bài học lớn xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, trước hết là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Là bài học về lấy sức dân lo cho dân, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thiết thực. Và, bài học sát sườn có tính lôi cuốn, thuyết phục nhất là nói đi đôi với làm, hiệu quả rõ ràng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
“Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”
Chúng tôi mượn câu thơ trong bài thơ “Anh chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông để nói về tương lai tươi sáng của nông thôn mới Hà Tĩnh trên lộ trình hướng đến mốc son mới 2025; về khát vọng vươn lên của cán bộ và Nhân dân tỉnh nhà.
Dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng nhưng so với yêu cầu, phong trào xây dựng NTM của Hà Tĩnh còn bộc lộ không ít những hạn chế. Trong đó, một câu hỏi lớn đặt ra cần giải đáp là: Làm sao để các địa phương về đích NTM phải thực sự là tiêu biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, có sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, mang lại sự tiến bộ mọi mặt cho đời sống người dân. Và từ đó, xác định rõ ràng mục tiêu: đến 2025, Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới với chiều sâu chất lượng, thực sự hiệu quả và bền vững, đặt nền móng cho thời kỳ phát triển mới đến các cột mốc 2030 (100 năm thành lập Đảng) và 2045 (100 năm thành lập nước).
Để hoàn thành mục tiêu to lớn đó, dưới ánh sáng Nghị quyết 26 (khóa X) của Đảng và Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025), phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm, trước hết, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng chiều sâu chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra quá trình thực hiện phá bờ vùng, bờ thửa ở Can Lộc, năm 2021.
Lấy phát triển kinh tế nông thôn làm trụ cột cho sự phát triển, làm khâu đột phá trung tâm, trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, nhiều thành phần, đa hình thức sở hữu bao gồm các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh... Phải lấy thước đo “năng suất lao động” làm tiêu chí đánh giá sức sản xuất và trình độ phát triển của kinh tế nông thôn.
Từ yêu cầu đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, đưa các loại máy móc vào các khâu của quá trình sản xuất, phân công lại lao động, mở mang ngành nghề, thực hiện mỗi xã ít nhất có một sản phẩm chủ lực có thương hiệu và hiệu quả kinh tế cao nhất. Kinh tế nông nghiệp phần lớn gắn liền với đất đai, vì vậy, cần bám sát tình hình lao động, nhu cầu sử dụng đất, hướng mạnh đến tích tụ ruộng đất thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng, cho thuê, góp cổ phần... mở đường cho sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa đi lên.
HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (Hương Khê) chuyên thu mua nông sản.
Từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh và các địa phương nên chuyển hướng hỗ trợ kinh phí từ xây dựng hạ tầng sang hỗ trợ phát triển sản xuất là chủ yếu bao gồm hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, xây dựng ngôi nhà trí tuệ...
Cần tổ chức các đoàn tham quan học tập mô hình sản xuất, kinh doanh tốt ở các địa phương bạn, tạo mối liên kết, nuôi dưỡng khát vọng, khuyến khích một bộ phận nông dân “ly nông bất ly hương”, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất của quê hương.
Ở tầm chiến lược, chúng ta cần xác định nông dân là nhân vật trung tâm, đóng vai trò chủ thể và là đối tượng hưởng lợi trong toàn bộ quá trình xây dựng nông thôn mới. Quan tâm nâng cao trình độ mọi mặt, đào tạo nghề, trau dồi kỹ năng sản xuất, quản trị kinh doanh cho lực lượng nông dân. Tạo điều kiện để nông dân, doanh nhân tiếp cận nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... trong thời đại công nghiệp 4.0, hội nhập và mở cửa.
Một cơ tầng văn hóa mới với những bước tiến thần kỳ của khoa học công nghệ đang tác động sâu sắc lên mỗi làng quê, mỗi gia đình, mỗi người trong cơ chế kinh tế thị trường. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần đặc biệt quan tâm xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và những đặc tính tốt đẹp của con người Hà Tĩnh. Khi đó văn hóa sẽ trở thành nội lực thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới phát triển nhanh, bền vững, lên tầm cao mới.
Hà Tĩnh những ngày này, vẫn sôi động phong trào xây dựng NTM với nhiều cách làm mới năng động, quyết liệt và hiệu quả. Huyện Nghi Xuân đang nỗ lực để trở thành huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa và du lịch của toàn quốc. Vũ Quang, Hương Sơn ra sức củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt để hướng đến mục tiêu cao hơn. Thị xã Kỳ Anh và huyện Lộc Hà đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích trong năm 2022. Huyện Kỳ Anh và huyện Hương Khê, được sự chỉ đạo trực tiếp và hỗ trợ thiết thực của toàn tỉnh, đang nỗ lực hết mình để đạt chuẩn trong năm 2023…
Khát vọng NTM đã, đang và sẽ được hiện thực hóa một cách sinh động trên mảnh đất Hồng Lam giàu truyền thống văn hóa và dũng khí cách mạng. Đích đến 2025, “mệnh lệnh của trái tim” như thúc giục mỗi người dân quê hương Xô viết chung sức, đồng lòng hướng tới tương lai tươi sáng, ấm no, hạnh phúc.