Xóa tư duy "đói nằm co", thích làm thầy hơn làm thợ!

(Baohatinh.vn) - Được triển khai từ năm 2010, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là đề án 1956) với tổng mức kinh phí ban đầu gần 26.000 tỷ đồng có mục tiêu cơ bản là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai, hiệu quả từ đề án mang lại trên địa bàn Hà Tĩnh chưa như kỳ vọng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020:

Khó khăn đầu vào

Hà Linh (Hương Khê) là một xã miền núi khó khăn, diện tích đất đai nhiều nhưng lại thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ, nhiều vụ mùa “trời cho thấy mà chẳng cho ăn”, đời sống người dân hết sức khó khăn. Được phân bổ chỉ tiêu, kinh phí của đề án 1956 từ năm 2013, chính quyền địa phương như “mở cờ trong bụng” vì đây được coi là giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn nhưng hiệu quả chưa thật sự như mong muốn. Chưa có nhiều mô hình kinh tế được hình thành từ đề án.

Thế nhưng, dù đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề nhưng số lượng người dân tham gia không nhiều. Sau 4 năm triển khai, đến nay, xã cũng chỉ mới mở được 4 lớp với gần 150 học viên. Theo lãnh đạo địa phương, xã không có nhiều thế mạnh nên chỉ tập trung vào mở lớp chăn nuôi, trồng cây ăn quả có múi. Thời gian đầu mở lớp thì người dân tham gia học, về sau thưa dần bởi số lượng có nhu cầu học mới không tăng.

Trên thực tế, nhiều địa phương cũng gặp bài toán nan giải tương tự. Dù không có tay nghề, đồng nghĩa với không có cơ hội tìm kiếm việc làm nhưng nhiều người chấp nhận “đói thì nằm co”. Bên cạnh đó, phần lớn người trẻ mang tâm lý thích làm thầy, nhiều người muốn theo học tại các cơ sở đào tạo tập trung, chính quy để “có cái bằng”. Một bộ phận còn lại, vì điều kiện tuổi tác, hạn chế về trình độ nên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề. Bởi vậy, việc theo học của nhiều học viên là hình thức nên chất lượng không cao. Nhiều giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho biết, đến thời điểm vụ mùa thì số lượng học viên thường xuyên không đảm bảo.

Số liệu từ Sở LĐ-TB&XH cũng cho thấy, số lượng đào tạo giai đoạn 2010 – 2014 của toàn tỉnh là hơn 31.800 người, chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra.

Tập huấn nâng cao kỹ năng cho hội viên hội nông dân là một trong những biện pháp nhằm góp phần thực hiện đề án 1956. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Khó phát huy tay nghề

Đối với không ít người coi việc học nghề là một cơ hội nắm được “cần câu” để bắt “con cá”, thì khó khăn gặp phải ở đây là việc đưa nghề vào thực tiễn. Chị Nguyễn Thị Hải (Thạch Mỹ - Lộc Hà) cho biết: “Với thời gian đào tạo chỉ 3 tháng trong khi hầu hết học viên chưa biết gì về nghề may thì quả thật là rất khó khăn. Xong khóa học, chúng tôi chỉ mới bước đầu làm quen với kiến thức cơ bản, máy móc…, tư duy và kỹ năng chưa có nên để xin việc hay tự mua máy về làm là không thể”.

Tình trạng đó cũng xảy ra với nhiều học viên các lớp nghề như: Hàn, lái máy… Đây là những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi thời gian đào tạo quá ngắn cùng với sự hạn chế về trang thiết bị của các cơ sở đào tạo, thiếu điều kiện thực hành, không phù hợp với năng lực của bản thân người học và nhu cầu của địa phương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của mỗi khóa học.

Lao động trẻ ở nông thôn có xu hướng lựa chọn những ngành nghề, cơ sở đào tạo chính quy bài bản để theo hoc, do đó, đầu vào cho đề án 1956 ngày càng khó khăn.

Anh Lê Đình Hà (xã Thạch Châu - Lộc Hà) chia sẻ: “Dù đã rất cố gắng, chăm chỉ nhưng do thời gian quá ngắn, giáo trình, giáo cụ không đủ nên xong khóa học, tôi vẫn chưa thể sử dụng thành thạo máy hàn. Vì thế, nhiều lần đi thử tay nghề nhưng đều bị từ chối. Một số anh em học nghề vận hành máy xúc đào thì cũng chỉ phụ lái ở công trường”.

Thời gian học ngắn, ngành nghề không phù hợp nhu cầu đã khiến lao động nhiều địa phương không tìm được việc làm sau đào tạo. Thậm chí, với những địa phương có nghề truyền thống, số lượng lao động nông thôn có nhu cầu chuyển đổi nghề nhiều như TX Hồng Lĩnh cũng chỉ hơn 55% người (477/865) học nghề phi nông nghiệp có việc làm sau đào tạo trong giai đoạn 2010 – 2016.

Đối với nghề nông nghiệp thì tình hình có vẻ khả quan hơn khi mà những kiến thức học được ít nhiều được bà con nông dân áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Ông Trần Đức Thuận - Trưởng phòng Cơ điện – Ngành nghề nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Phần lớn học viên đã có sẵn tư liệu sản xuất, khi tham gia các khóa học như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y…, họ đã vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng kiến thức được học để mở rộng hơn quy mô, phát triển các mô hình kinh tế lớn thì không hề đơn giản, bởi người dân cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đào tạo, ví dụ như: Vốn, khoa học kỹ thuật…”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói